Cẩn trọng với rắn độc

16:56 02/03/2017

Với đặc điểm khí hậu nóng ẩm như ở nước ta, tỷ lệ người bị rắn cắn mỗi năm tăng cao và nhiều trường hợp có nguy cơ tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời. Nhất là vào mùa xuân và mùa hè, rắn thường bò ra khỏi hang đi tìm kiếm thức ăn…

Câu chuyện mới đây nhất, là bà Vũ Thị L., 55 tuổi, ở xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, nhập Bệnh viện đa khoa Kiến An trong tình trạng suy hô hấp, liệt toàn thân, có nguy cơ tử vong cao. Trước đó, bà L. đi cấy lúa ở thửa ruộng ngay gần nhà.

Nước trên ruộng ngập đến đầu gối, bà L. chủ quan không đi ủng bảo hộ, nên khi bị rắn độc cắn vào ngón chân, bà L. cứ tưởng đạp phải gai. Nhấc chân lên, không thấy chảy máu, bà L. vẫn tiếp tục cấy. Khi chuẩn bị lên giường ngủ, bà L. thấy tức ngực, khó thở, tay chân khó cử động, mặc dù đầu óc vẫn tỉnh táo. Vài phút sau, toàn thân bà L. tím tái, không thể tự thở được nên được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau hơn 20 ngày điều trị tích cực, chi phí tốn kém vài chục triệu đồng, mặc dù đã qua cơn nguy kịch nhưng bà L. vẫn phải thở máy.

 Trường hợp cụ Nguyễn Thị Kếnh, 85 tuổi, ở Vũ Trung, Kiến Xương, Thái Bình, thoát chết thần kỳ, khi bị rắn hổ mang chui vào người. Do xung quanh nhà có nhiều bụi cây rậm rạp nên bà cụ không ngờ căn nhà là chỗ trú ngụ của loài rắn độc. Nhiều đêm, bà nghe tiếng động của các đồ vật trong buồng bếp, nên tưởng lũ chuột lục tìm thức ăn. Một đêm, bà đang ngủ thì giật mình khi thấy con gì chui vào trong người, bà vội tóm chặt lấy đầu nó rồi gọi con trai gần nhà sang giúp sức.

Khi anh Hùng, con trai bà vạch áo của mẹ thì hoảng hốt phát hiện con rắn cạp nong to bằng ngón chân cái đang nằm bên trong. Rất may, bà đã túm chặt được đầu rắn nên không bị trúng nọc độc. Lo sợ bị rắn tấn công, anh Hùng đã đào tìm tổ rắn xung quanh nhà và đã tóm gọn hang ổ của chúng với rắn mẹ và 7 con rắn cạp nong nhỏ.

Qua những vụ việc trên, thiết nghĩ người dân cần cảnh giác với loài rắn độc. Nọc rắn gây tử vong giai đoạn đầu do gây liệt cơ hô hấp, cơ hầu họng, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, giai đoạn sau do xuất huyết nặng, suy thận. Khi bị rắn cắn, đi tìm “thầy lang thuốc lá” làm lãng phí “thời gian vàng” đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời. Nếu chậm trễ có thể dẫn đến tử vong hoặc biến chứng nặng, điều trị lâu dài, gây tốn kém hàng trăm triệu đồng và để lại di chứng như phải tháo khớp chi…

Để phòng tránh rắn cắn, người dân cần lưu ý dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cỏ, phát quang bụi rậm. Các gia đình cần kiểm tra kỹ các kẽ nứt, khe hở ở tường xung quanh nhà. Đặc biệt cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, mùa màng thu hoạch và ban đêm. Nếu đi ra vườn, ruộng, nên đi ủng, giày cao cổ và mặc quần dài, nhất là đi trong đêm tối.

Khi gặp rắn, không đe dọa rắn, không bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín. Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất, mắc võng ngủ ngoài vườn. Cần hướng dẫn để ý đến trẻ em, không để trẻ chơi gần nơi rắn thích cư trú như đống gạch vụn, đống rác, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm của gia đình.

Hồng Hải


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông