08:39 04/07/2023 Đây là một thủ đoạn lừa đảo mới hết sức tinh vi khiến không ít người dùng sập bẫy. Để thực hiện chiêu này, bọn tội phạm lợi dụng công nghệ Deepfake (ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh của người thân nạn nhân rồi yêu cầu họ chuyển tiền.
Một trong những cú lừa gần đây nhất là trường hợp bà Phạm Thị Nga ở phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân. Nhận được tin nhắn của em gái qua Facebook với lời khẩn cầu: “Tài khoản chị còn đủ 20 triệu không, chuyển cho em mượn ngay. Có việc gấp, sáng mai em gửi lại sớm cho chị”.
Không dừng ở đó, tài khoản này còn gọi video qua Facebook cho bà Nga với thời lượng khoảng 8 giây. Trong video hiện lên hình ảnh của em gái bà, hình ảnh video không thực sự sắc nét, âm thanh khó nghe và được giải thích là do trời mưa nên sóng yếu.
Mặc dù có chút băn khoăn vì từ trước đến nay em gái ít khi hỏi vay một số tiền lớn như vậy song thấy hình ảnh trên Facebook chính là em mình nên bà Nga vội thực hiện yêu cầu trên. Tuy nhiên, sau khi nhận được số tài khoản để chuyển tiền, thấy tên chủ tài khoản hoàn toàn không phải là tên em gái mà là một người khác, bà Nga liền gọi điện thoại để xác minh thì được biết em gái bà vừa bị hack Facebook.
Không may mắn như bà Nga, chị Nguyễn Thị Hoa trú tại xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo đang làm việc thì nhận được tin nhắn qua Facebook của cô bạn thân: “Cho mình mượn tạm 10 triệu đồng ngay” đồng thời người nhắn tin yêu cầu chị chuyển thẳng tiền vào tài khoản của người thứ 3 để… “Đỡ mất công phải chuyển đi chuyển lại. Lúc nào chuyển xong thì chỉ cần chụp hình ảnh gửi cho mình”.
Nghi ngờ Facebook người bạn bị chiếm tài khoản nên chị Hoa đã gọi video qua Facebook để kiểm chứng. Phía bên kia bắt máy, mở video cho chị Hoa thấy mặt nhưng hình ảnh hơi mờ. Khi chị Hoa hỏi lại thì được trả lời: "Đang ở vùng sóng yếu" và tắt máy ngay sau 6 giây. Thấy hình ảnh và giọng nói đúng là bạn mình, chị Hoa đã tin tưởng và chuyển 10 triệu đồng rồi chụp ảnh hóa đơn chuyển tiền cho bạn. Lúc này, tài khoản Facebook của “bạn chị” đã khóa.
Trong các tình huống trên, đối tượng lừa đảo đã sử dụng công nghệ Deepfake AI để tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh, video làm giả người ngoài đời thực với độ chính xác tương đối cao đánh lừa các nạn nhân.
Để thực hiện được chiêu này, đối tượng buộc phải tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh, video có giọng nói của các “con mồi” đã được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội… sau đó chúng sử dụng công nghệ Deepfake để tạo sẵn những video rất khó phân biệt thật - giả với đủ hình ảnh, giọng nói để phục vụ cho kịch bản lừa.
Đặc điểm chung của những cuộc gọi video như vậy thường có âm thanh, hình ảnh không rõ nét, tín hiệu chập chờn giống như cuộc gọi video trong khu vực phủ sóng di động hoặc wifi yếu. Để tránh bị sập bẫy, mọi người cần nâng cao cảnh giác khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video với nội dung vay, mượn tiền qua các ứng dụng mạng xã hội. Cách kiểm tra tốt nhất là gọi điện thoại trực tiếp cho người thân để xác minh (không gọi qua các ứng dụng như Zalo, Messenger, Viber...).
Một lưu ý khác, người dùng mạng xã hội không nên để lộ quá nhiều thông tin cá nhân, bởi đó chính là nguyên nhân giúp cho các đối tượng dễ dàng dựng những kịch bản lừa đảo.
Lan Phương
22:06 23/07/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết