Canh Tý, mục sở thị đặc sản Tú Đôi

17:52 30/01/2020

Đã trở thành truyền thống, cứ vào dịp từ tháng 9 đến giữa tháng 11 âm lịch (mùa lúa chín) hàng năm, người dân làng Tú Đôi, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy lại bỏ hết công việc để “hò nhau” đi “săn” chuột đồng, kiếm thêm thu nhập, mỗi vụ như thế cũng thu được 50-60 triệu đồng/hộ.

Rong ruổi theo chân nhóm của anh Nguyễn Sỹ Toản, một tay săn chuột có tiếng ở làng Tú Đôi, đi hết cánh đồng lúa này đến cánh đồng lúa khác, chứng kiến cách bắt chuột rồi tâm sự cùng anh những câu chuyện vui bên lề, chúng tôi mới hiểu vì sao mà đặc sản thịt chuột nơi đây lại nức tiếng đến vậy. Thậm chí có cả những câu ca: “Làng Tú anh hùng nuôi chuột đỏ. Khoai lang bóc vỏ nhắm với chuột con”...

Anh Toản chia sẻ, không biết nghề bắt chuột này có từ khi nào, nhưng trong kí ức của anh thì từ khi còn bé xíu, lũ trẻ con cùng trang lứa với anh ở làng Tú đã theo chân các bậc cha, chú ra đồng săn chuột, nên không ngón nghề nào mà anh không biết.

Người làng Tú rất sành ăn. Mỗi năm chỉ có hai tháng vụ lúa mùa (từ tháng 9 đến giữa tháng 11 âm lịch) món này mới xuất hiện ngoài chợ và duy nhất chỉ có loại chuột đồng. Theo lý giải của người làng Tú, thời điểm thịt chuột đồng béo và thơm ngon nhất chính là vào cuối vụ đông xuân, chuẩn bị bước sang mùa khô. Lúc này, nguồn thức ăn của chuột đồng dồi dào. Ngoài ăn thóc, chúng còn bắt được thêm cả cua, cá từ những kênh, đầm đang cạn nước để ăn và chuẩn bị cho giai đoạn ở lì trong hang tích mỡ nên con nào con nấy đều béo tròn nùng nục.

Ngày nay, đời sống người dân ở Tú Đôi nói riêng và nhân dân huyện Kiến Thụy nói chung đã có nhiều thay đổi. Đường bê tông nội đồng của Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới” được trải đến tận đến triền đê, bà con ở nông thôn có nhiều lựa chọn về nghề nhiệp hơn nên nghề “săn chuột” cũng không còn được như trước. Hiện làng Tú có hàng nghìn hộ nhưng chỉ còn khoảng 20-30 hộ kiếm sống được với nghề này, mà không phải hộ nào cũng giỏi săn. Theo đó, 2 - 3 hộ tập trung nhau vào thành một nhóm (4-5 người) cùng nhau đi bắt.

Hành trình săn chuột của dân làng Tú Đôi thường bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ. Các “săn chuột thủ” chở nhau bằng xe máy, lỉnh kỉnh đủ các món nghề, nào là: móng, vợt, cuốc, vịt (đựng chuột)… rong ruổi khắp các đồng trên, ruộng dưới, còn mò sang các huyện lân cận như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo hay vào cuối vụ có những nhóm sang tận đất Hải Dương. Bởi người làng Tú quan niệm chỉ có đi xa xóm làng vậy mới có món chuột đồng chính hiệu.

Đang rảo bước trên một bờ thửa, nhóm săn chuột của anh Toản bất ngờ dừng lại, nhảy xuống mép ruộng chỉ vào cái hang miệng chỉ to chừng cái cốc, có nhiều vết chân chuột đi về cào chồng lên nhau. Cửa hang ngụy trang bằng một nhúm rơm được cắn vụn. Anh Toản cho biết theo kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, miệng hang nhỏ như vậy nhưng bên trong rất nhiều ngách rộng, hang càng lắm rơm rác thì càng lắm chuột…

Theo đó, cả nhóm bắt đầu đào, đào đến đâu nhóm thợ săn chỉ đến đấy: “Ổ này có 3 hướng, hướng về tổ đẻ thường chạy lên trên, hướng tổ chính chạy thẳng, hướng dài nhất chạy xiên để ra cửa thoát nạn”… Và đúng như vậy, lỗ chuột này nhóm bắt được cả ổ 6 con. Cứ như thế, tổ “săn chuột” của anh Toản rong ruổi đến tận trưa thì về. Mỗi chuyến đi, trung bình một tổ bắt được khoảng 50-60kg, có dịp cao điểm nhóm của anh Toản bắt được gần 1 tạ chuột đồng.

Ở nhiều miền quê, thịt chuột được chế biến thành các món như: nướng, quay, xào… để kích thích vị giác nhưng theo truyền thống của người làng Tú, thì thịt chuột đồng chỉ được chế biến một cách duy nhất là luộc. Theo như kinh nghiệm của thế hệ đi trước truyền lại, sau khi chuột được bắt về, nhúng vào nước nóng vừa đủ, lột sạch lông, mổ bụng moi nội tạng và nhất thiết phải cắt bỏ “quả hoi” hai bên “háng”, rồi mới cho vào nồi luộc nhưng không ăn ngay mà thường lót lá chuối hong qua đêm để sáng hôm sau thịt chuột đanh lại.

Sau đó, người ta mới chặt thành từng miếng vuông vức bày ra đĩa, thái lá chanh tươi rắc lên trên. Thịt chuột phải chấm với muối trắng, ớt cay, ăn cùng cơm nóng. Đấy mới là cách ăn “trứ danh” của người làng Tú Đôi, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy.

Ngày nay, tuy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống bà con các huyện ngoại thành cũng có nhiều đổi thay nhưng với người làng Tú Đôi, nghề săn chuột đồng vẫn là nghề “tay trái” được nhiều hộ yêu thích. Nói vui, nếu lấy công làm lãi, trung bình mỗi kg thịt chuột có giá từ 250-300.000 đồng/kg thì sau mỗi vụ chuột như thế dân làng Tú thu về cả trăm triệu đồng chứ chẳng chơi.

TRƯỜNG GIANG

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông