09:49 31/05/2019 Trước thực trạng một bộ phận người dân do thiết hiểu biết và vì cái lợi trước mắt đang khai thác theo kiểu “tận diệt”, phá hủy sinh cảnh, gây ô nhiễm môi trường, Hải Phòng đã có nhiều nỗ lực nhằm phục hồi, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra hiện nay cho thấy việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản vẫn còn là bài toán cần một lời giải tích cực và đồng bộ.
Hải Phòng hội tụ các điều kiện tự nhiên phát triển toàn diện ngành thủy sản
Nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi...
Hải Phòng hiện có trên 2.920 tàu khai thác thủy hải sản và tàu cá có công suất máy chính dưới 20CV khai thác gần bờ vẫn chiếm tỷ trọng lớn trên 60%. Số tàu này thường hoạt động tại các luồng lạch, khu vực bãi ngang với phương pháp đánh bắt tàu cá gây tác động tiêu cực đến môi trường, nguồn lợi thủy sản, đồng thời tạo ra áp lực khai thác lớn đối với nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ.
Đơn cử như việc sử dụng lồng bát, hay dùng xung/kích điện, chất nổ, sử dụng ánh sáng có công suất lớn vượt quy định của một bộ phận ngư dân, nhất là khu vực tuyến bờ, tuyến lộng. Đây là những cách khai thác phản khoa học, có tác hại lâu dài phá hủy sinh cảnh, gây ô nhiễm môi trường sống, hủy hoại nơi sinh sống, kiếm mồi, sinh sản của các loài thủy sản, đe dọa đến sự cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản.
Trong khi khai thác thủy sản chưa theo đúng quy hoạch, số tàu khai thác ven bờ còn nhiều, cơ cấu nghề nghiệp chưa có chuyển biến tích cực thì xét về lĩnh vực quản lý nhà nước, những năm qua, Hải Phòng chưa có nhiều chính sách hỗ trợ trong khai thác như: hỗ trợ chuyển đổi nghề, cấm tàu thuyền không khai thác có thời hạn trong năm... Hiện, thành phố mới tập trung hỗ trợ thực hiện theo Nghị định 67 với tàu khai thác xa bờ. Nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước...
Rồi nữa là một loạt các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác như: Giá nhiên liệu, vật tư đầu vào trong khai thác thủy sản ngày càng tăng; thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường, để bảo đảm an toàn nhiều tàu không dám vươn khơi xa, chỉ tập trung đánh bắt tại các tuyến ngư trường gần bờ làm suy giảm nguồn lợi.
Cần có giải pháp đồng bộ phát triển ngành thủy sản
Cần nỗ lực nhiều hơn nữa
Trước thực trạng báo động trên, thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực nhằm phục hồi, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản. Chỉ trong 2 năm (2017, 2018), Chi cục Thủy sản đã phối hợp cùng Phòng Kỹ thuật, Sở NN&PTNT, các ban, ngành, tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các vùng nước tự nhiên của Hải Phòng. Số lượng lên đến 191.600 con giống thủy hải sản, gồm: tôm sú, cá song, cá vược, cá đối, ghẹ... Về chiến lược dài hơi, nhằm ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND TP ban hành Quyết định 538/QĐ-UBND, ngày 1-4-2016, về quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản Hải Phòng, giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2025. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, để chuyển đổi nghề, kiểm soát số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản, Hải Phòng không cấp phép đóng mới tàu nghề lưới kéo, không cải hoán, không cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với các tàu từ nghề khác sang làm nghề lưới kéo.
Hiện, cơ cấu tàu thuyền đang chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng tàu công suất nhỏ, tăng tỷ trọng các tàu có công suất lớn khai thác tại các vùng biển xa. Cơ cấu nghề nghiệp cũng chuyển đổi theo hướng giảm các nghề khai thác ven bờ. Công tác thông tin, tuyền truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Thủy sản được chú trọng. Mặc dù vậy, công tác quản lý, phát triển nguồn lợi thủy sản của thành phố vẫn bộc lộ những bất cập nhất định. Đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra chuyên ngành thủy sản còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ.
Lượng tàu cá có công suất dưới 20CV khai thác gần bờ chiếm tỷ trọng lớn
Đặc biệt, để ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, đánh bắt các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, bảo vệ nghiêm các loài hải sản đặc hữu, quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng như: bào ngư, ốc đụn, ốc hương, hải sâm..., cùng với việc chuẩn bị lập đề án quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn biển Cát Bà, tháng 8-2015, thành phố đã ban hành Quyết định thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ (BQL), với tổng diện tích khu bảo tồn là 27.008,93 ha. Chương trình là vậy, song tới nay dù BQL đã lập các dự án: thả phao khoanh vùng các phân khu chức năng, xây dựng Trạm kiểm soát nguồn lợi ven bờ nhưng vốn đầu tư công thành phố cấp cho huyện hạn hẹp nên các dự án chưa được bố trí triển khai. Trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn của BQL hiện cũng rất thiếu thốn. Do phải thuê tàu của ngư dân nên BQL không chủ động được trong công tác tuần tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm...
Để nhanh chóng phục hồi, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản, cùng với việc nhà nước cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho đồng bộ thì các cơ quan, ban, ngành chức năng của thành phố cần có những động thái quyết liệt, đồng bộ hơn nhất là các cơ chế, chính sách hợp lý, cụ thể hơn cho từng thời điểm, phát huy được tính tích cực, chủ động của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong việc phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.
Khánh Chi
18:01 14/11/2024
10:46 07/07/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão