Chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu gây ô nhiễm môi trường biển Hải Phòng

10:14 25/10/2023

Là thành phố ven biển trực thuộc trung ương, nằm ở trung tâm vùng duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng có vị thế là cửa ngõ chính đi ra biển của Miền Bắc nước ta, nằm trong 2 tuyến hành lang và một vành đai hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bên cạnh ưu thế vượt trội về tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, làm giàu từ biển, Hải Phòng luôn phải đối mặt với nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, xã hội và môi trường biển.

Nguy cơ tiềm ẩn

Hải Phòng có 6 quận/huyện tiếp giáp với biển và 2 huyện đảo. Vùng biển Hải Phòng có diện tích khoảng 4.000 km2 với gần 300 đảo, gấp 2,6 lần diện tích đất liền của thành phố. Trong đó, đảo Cát Bà với diện tích 257,27 km2 là một trong ba đảo lớn nhất ở nước ta và là đảo đá vôi lớn duy nhất, trên các đảo có các hệ sinh thái rừng nhiệt đới còn giữ được tính đa dạng sinh học cao đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Cát Bà. Bạch Long Vĩ là đảo xa bờ trong vịnh Bắc Bộ, có diện tích đất tự nhiên không lớn nhưng có vị trí chiến lược, tầm quan trọng đặc biệt đối với công tác bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển và QP-AN.

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra một số sự cố tràn dầu làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội và môi trường. Đơn cử có thể kể đến vụ tàu Mỹ Đình chứa khoảng 200 tấn dầu DO, FO ngày 20/12/2004 (cách đảo Long Châu 5,5 hải lý về phía Tây Bắc) bị đâm vào đá ngầm, chỉ xử lý được khoảng 65 tấn, số dầu còn lại tràn ra biển. Hay vụ tràn dầu khoảng 300 tấn tại lạch sông cửa cống Máy Điện, quận Ngô Quyền ngày 20/11/2014 do bị vỡ đường dẫn dầu của Công ty hóa chất Sofl-SCC. Và gần đấy nhất là vụ tràn khoảng 15 tấn dầu DO chưa rõ nguyên nhân tại khu vực bến phà Gót và Cảng quốc tế Lạch Huyện HITC xảy ra ngày 26/2/2023.

Theo chia sẻ của Thạc sĩ Vũ Khắc Quyết – Trưởng Phòng Quản lý TNMT Biển & Hải đảo, Chi cục Biển & Hải đảo Hải Phòng, thì căn cứ vào hoạt động thực tế ở khu vực ngoài khơi, phụ cận và số liệu thống kê thực tế từ nhiều năm qua của đơn vị chức năng cho thấy nguy cơ tiềm ẩn gây sự cố tràn dầu trên địa bàn thành phố xuất phát từ 6 nhóm nguyên nhân chính, gồm: Hoạt động hàng hải, đường thủy nội địa; tàng trữ, vận chuyển và phân phối xăng dầu ven biển; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; hoạt động thăm dò khai thác dầu khí; các hoạt động xây dựng cảng biển, khai thác khoáng sản biển, san lấp mặt bằng lấn biển và dầu trôi vào từ các nguồn khác không rõ nguyên nhân (khu vực biển lân cận và ngoài hải phận Việt Nam).

Trước hết có thể đề cập đến nguy cơ gây sự cố tràn dầu từ các hoạt động hàng hải, đường thuỷ nội địa như hoạt động cảng biển. Với hệ thống cảng biển gồm: 5 khu bến chính với 52 cảng biển thuộc danh mục cảng biển Việt Nam, 230 cảng bến thủy nội địa được công bố và 57 bến hoạt động không phép, dày đặc như hiện nay thì vùng biển Hải Phòng là một khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu rất cao.

Cùng với đó là hoạt động vận tải, các tuyến đường biển nối các cảng của Hải Phòng đi các tỉnh trong nước, quốc tế chuyên chở hành khách, hải sản, thương phẩm, nhiên liệu và các tuyến vận tải đường sông trong lưu vực các sông: Bạch Đằng, Lạch Tray, Văn Úc, Cấm,... luôn tiềm ẩn nguy cơ sự cố tràn dầu do đâm va, mắc cạn.

Nguồn dầu tràn thường là dầu DO, FO có thể gây tác động nghiêm trọng đến các hệ sinh thái ven bờ và tài sản của cộng đồng, cùng với đó là nguy cơ cháy nổ cao, cần phải có kế hoạch phòng ngừa, kịp thời ứng cứu khi sự cố phát sinh. Thêm vào đó là sự bất thường của thời tiết, sự bất cẩn của thủ thủy hoặc do một số nguyên nhân khác mà các tàu có thể bị va chạm trong quá trình vận chuyển, gây ra sự cố tràn dầu.

Đáng chú ý, là 1 trong 5 Trung tâm nghề cá lớn của cả nước, với lưu lượng hoạt động của tàu thuyền khai thác thuỷ sản, neo đậu tại các bến cá lớn như thời gian qua và sự phát triển mạnh của ngành du lịch biển cũng được đánh giá là một trong những nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu, gây ô nhiễm môi trường biển.

Đặc biệt, là một trong những Trung tâm dự trữ, trung chuyển dầu lớn nhất của cả nước, cung cấp các sản phẩm dầu cho khu vực Miền Bắc, Hải Phòng có các khu vực kho tồn chứa khối lượng xăng dầu lớn và thường xuyên có các tuyến tàu vận chuyển xăng dầu ra, vào kho cảng. Do đó, nguy cơ xảy ra cháy nổ, sự cố tràn dầu do vỡ đường ống vận chuyển hoặc va chạm giữa các tàu chở dầu trong quá trình vận chuyển trên vùng biển của Hải Phòng là rất lớn.

Lượng dầu được lực lượng chức năng thu gom trong vụ tràn dầu DO tại khu vực bến phà Gót xảy ra ngày 26/2/2023

Về nguy cơ gây sự cố tràn dầu xuyên biên giới, Hải Phòng là địa phương có đường biên giới trên biển với Trung Quốc và có tuyến luồng hàng hải quốc tế nên nguy cơ tràn dầu xuyên biên giới có thể xảy ra từ các nguồn như: hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của các nước lân cận; va đụng tàu, xả thải dầu cặn từ các tàu di chuyển trên tuyến hàng hải quốc tế…

Đồng bộ các giải pháp

Để có cơ sở pháp lý phòng ngừa và ứng phó hiệu quả trước sự cố tràn dầu, ngày 17/4/2017, Hải Phòng đã xây dựng xong Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và bản đồ nhạy cảm thành phố Hải Phòng, trình Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phê duyệt. Và từ năm 2014, UBND TP đã phê duyệt Đề cương hướng dẫn xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho các cơ sở trên địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND TP.

Đến nay, UBND TP đã giao cho Sở TN&MT thẩm định, trình thành phố phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của trên 86 cảng, cơ sở trên địa bàn thành phố. UBND các quận, huyện cũng phê duyệt hàng trăm Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở, cây xăng trên địa bàn theo thẩm quyền.

Và để triển khai hiệu quả các Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn thành phố, song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về hiểm họa của sự cố tràn dầu, về công tác phòng ngừa, ứng phó trước sự cố nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất nếu sự cố xảy ra tới các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguy cơ xảy ra tràn dầu bằng nhiều phương pháp, hình thức khác nhau thì thành phố, các quận/huyện trên địa bàn thành phố cần chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, bản đồ nhạy cảm trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.

Các cảng, cơ sở, dự án, phương tiện chở dầu cũng cần chủ động chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để là cơ sở thực hiện trên phương châm sẵn sàng ứng phó nhanh, hiệu quả đối với các sự cố có thể phát sinh nhằm giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của tràn dầu đến môi trường xung quanh.

Ngoài ra, theo chia sẻ của Thạc sĩ Vũ Khắc Quyết – Trưởng Phòng Quản lý TNMT Biển & Hải đảo, Chi cục Biển & Hải đảo Hải Phòng, thì thành phố cần chủ động xây dựng lực lượng tại chỗ.

Mỗi cơ sở cần chủ động nhân lực ứng phó sự cố tràn dầu tại chỗ gồm: Thành lập Ban chỉ huy ứng phó là lực lượng cốt cán của cơ sở tiến hành đánh giá các vị trí có nguy cơ cao xảy ra sự cố tràn dầu của cơ sở, chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp; đánh giá diễn biến của sự cố tràn dầu, đưa ra các chỉ đạo để quá trình thực hiện ứng phó đảm bảo an toàn, hiệu quả và tổ chức các lớp tập huấn, thực hành huấn luyện định kỳ cho lực lượng ứng phó sự cố tràn dầu tại cơ sở.

Đồng thời, thành lập Đội ứng phó sự cố tràn dầu cơ sở có nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu; thực hiện ứng phó sự cố tràn dầu theo sự chỉ đạo của Ban chỉ huy ứng phó và tham gia các lớp tập huấn, thực hành huấn luyện nghiệp vụ ứng phó sự cố tràn dầu.

Mặt khác, chủ động phương tiện, thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu chuyên dụng để kịp thời ứng phó nhanh trước các sự cố tràn dầu tại cơ sở ngay trong 1 giờ đầu, để hạn chế đến mức thấp nhất có thể thiệt hại và những tác hại đối với môi trường khi phát sinh sự cố. Và một biện pháp không thể không đề cập đến đó là xây dựng cơ chế phối hợp.

Các chủ cơ sở cần xây dựng cơ chế phối hợp với nhau về cung cấp thông tin, phối hợp ứng phó sự cố với các đơn vị trong vùng ảnh hưởng của tràn dầu để cùng nhau huy động lực lượng ứng phó sự cố hoặc báo cho đơn vị bên cạnh biết, chủ động ứng phó sự cố nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, rà soát các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguy cơ xảy ra tràn dầu, nắm chặt diễn biến nguy cơ trong khu vực để kịp thời xác định nguyên nhân, khẩn trương có biện pháp khắc phục, tránh thiệt hại khi xảy ra sự cố tràn dầu. Duy trì thường xuyên, liên tục công tác kiểm tra, giám sát việc phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông