14:15 08/05/2024 Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng nhanh chóng kéo theo những hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường diễn ra nhiều hơn như: Dông lốc, mưa đá, sét, mưa lớn, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn... Bởi thế, việc chủ động các phương án, biện pháp nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả với các hiện tượng thời tiết xấu, nguy hiểm là nhiệm vụ phải được đặt lên hàng đầu.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước đã xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Hạn mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nơi ranh mặn xâm nhập sâu vào các con sông từ 40-60km, được dự báo sẽ ở mức trung bình cao hơn mọi năm và biến động khó lường trong thời gian tới. Trong khi đó, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước khô kiệt, mực nước trên các con sông, suối, hồ, đập... đang giảm mạnh, nhiều nơi “trơ đáy”, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân.
Còn ở các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc như: Phú Thọ, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai... mới chỉ trong thời điểm cuối tháng Ba, đầu và trung tuần tháng Tư, nhiều địa phương đã phải hứng chịu thiệt hại nặng cả về người và tài sản do mưa to, dông lốc và mưa đá. Đáng chú ý, từ đêm 19-21/4 vừa qua, mưa to kèm dông lốc đã làm 7 người thương vong với nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương khu vực phía Bắc. Thậm chí trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, đêm 20/4 còn xuất hiện mưa đá kèm theo dông lốc, sấm chớp… Mới đây nhất, trong các ngày 19-20/4 và 24/4 tại tỉnh Phú Thọ đã xảy ra mưa to kèm dông lốc và mưa đá làm hư hỏng nhiều công trình công cộng, nhà dân; nhiều diện tích hoa màu bị gãy, đổ, tổng thiệt hại ước tính trên 44 tỷ đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng thủy văn, sự bất thường của thời tiết ở nước ta từ đầu năm đến nay là do ảnh hưởng của giai đoạn chuyển đổi từ pha nóng El-Nino sang pha ENSO (pha trung tính có khí hậu ôn hòa) và tới đây là pha lạnh La-Nina. Có nghĩa là trong một năm chúng ta phải trải qua 3 pha của thời tiết gây ra sự biến động bất thường. Đặc trưng của kiểu chuyển pha này là ngày đang nắng nóng, song có thể bất ngờ mưa, ẩm ở miền Bắc, trong khi miền Nam lại đang nắng nóng hơn so với những năm trước, trung bình nhiệt độ cao hơn so với trung bình cùng thời kỳ. Hiện tượng nóng lên của trái đất làm cho quy luật thời tiết bị xáo trộn gây ra nhiều nắng nóng cực đoan hơn và mưa bất thường hơn, đòi hỏi phải có những dự báo và chuẩn bị các kịch bản ứng phó.
Các chuyên gia khí tượng thủy văn dự báo mùa Hè năm nay nhiệt độ trung bình sẽ cao hơn trung bình chung của nhiều năm và có thể có những đợt nắng nóng cực đoan mà nền nhiệt sẽ vượt kỷ lục của những năm trước. Nhất là các địa phương miền núi phía Bắc, sau những đợt mưa lũ cục bộ, dông lốc là thời điểm nắng nóng, hạn hán, thiếu nước…ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân.
Để nhanh chóng khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024; Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng ban hành Văn bản số 2605/BNN-TL ngày 10/4/2024 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; UBND thành phố ban hành chỉ thị PCCC rừng…. mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng có Công điện 02/CĐ-CT về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố.
Theo Công điện, Chủ tịch yêu cầu UBND các quận, huyện có rừng tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở về quản lý, bảo vệ rừng; xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Địa phương nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật do buông lỏng quản lý, chủ quan, thiếu trách nhiệm thì Chủ tịch UBND huyện, quận nơi đó phải chịu trách nhiệm…
Thực tế cho thấy, những hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày một gay gắt, việc nắm bắt, cập nhật thông tin thường xuyên về thời tiết và đánh giá, dự báo rủi ro là việc hết sức quan trọng để có các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Vì thế, cơ quan quản lý, lực lượng chức năng và người dân cần có nêu cao tính chủ động, tinh thần trách nhiệm và sự đoàn kết để có thể hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của thiên tai, đảm bảo cuộc sống cho nhân dân.
Ngọc Hà
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão