Danh lam cổ tự làng Đông Khê xưa

10:00 01/01/2018

“Gạo chùa Đông, thông chùa Đà, đa chùa Vẽ”, câu ca ấy đã khắc sâu vào tâm hồn của bao thế hệ người dân làng Đông Khê năm xưa (nay là phường Đông Khê, quận Ngô Quyền). Chùa Đông hay là chùa Đông Khê, có tên chữ là Nguyệt Quang Tự không chỉ là niềm tự hào của người dân nơi đây mà còn là điểm đến thu hút được nhiều du khách thập phương bởi nét đẹp của cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của ngôi chùa này…

 Quang cảnh chùa Đông Khê

Theo truyền ngôn, có lẽ vào cuối thời Lý- Trần (1010-1400) chùa đã được xây dựng nhưng phải đến thời Lê Trung Hưng trở đi chùa mới được trùng tu tôn tạo như cảnh quan chùa Đông Khê ngày nay. Qua nhiều lần tu tạo chùa có nhiều công trình bề thế với kiến trúc nghệ thuật và cảnh quan thiên nhiên mang tính thẩm mỹ cao.

Kiến trúc chính của chùa là khu Tam Bảo có mặt bằng chữ Đinh gồm tòa Tiền đường 7 gian chạy ngang dài hơn 21m với phần chuôi vồ 5 gian chạy dọc từ gian giữa tiền đường tạo độ sâu thăm thẳm.

Tòa tiền đường có kết cấu vì nóc kiểu thuận trồng giá chiêng. Toàn bộ xà hoành vì nóc được nâng đỡ bởi 23 cây cột bằng gỗ lim óng chuốt. Các bộ phận kiến trúc chịu lực đa số được các nghệ nhân sử dụng lối kỹ thuật “bào trơn đóng bén” ít trạm khắc, trang trí. Đặc biệt chỗ ván cốn mê ở 2 gian thiêu hương “chỗ chuôi vồ nối với nhà tiền đường”, khoảng cách giữa 2 cột trong từng vì của 5 gian chuôi vồ là được chạm hình long, ly, quy, phượng hợp thành bộ tứ linh.

Nhà thờ tổ chùa Đông Khê

Các nhà nghiên cứu cho biết, qua hình thức nét trạm, nét sơn thếp vàng son, hình họa phong phú, các linh vật, bố cục đăng đối qua từng lớp cửa võng, kiến trúc của chùa Đông Khê ngày nay vẫn mang đậm nét phong cách nghệ thuật thời Nguyễn đầu thế kỷ 20.

Từ gian giữa nhà tiền đường và chạy dọc vào mấy vì gỗ của  đáy chuôi vồ được treo các bức hoành phi. Ngoài các lớp cửa võng sử dụng kỹ thuật chạm thủng, sơn son thếp vàng trên mỗi vì cột làm tăng thêm vẻ đẹp của công trình. Diềm trang trí của các bức đại tự, cuốn thư được chạm khắc hình long cuốn thủy, cây cổ thụ thiêng hóa long, cỏ cây, hoa lá chữ thọ.

Một trong những kiến trúc không thể thiếu tạo ra vẻ bề thế đến hoàn chỉnh của chùa Đông Khê là nhà thờ tổ 7 gian, phía trái tòa phật điện là nhà Thờ mẫu. Còn nhà khách được xây dựng bên phải tòa phật điện. Kết cấu vì nóc mái của gian mang đậm lối kiến trúc dân tộc truyền thống, nóc mái kiểu kẻ chồng đấu sen, điểm xuyết một vài thức chạm bong trên đấu kê cột trốn trên kẻ.

Bên cạnh đó còn có những công trình kiến trúc làm tăng thêm vẻ đẹp cổ kính của chùa là cổng tam quan ngoài, vườn tháp, cổng-gác chuông sâu bên trong cùng các công trình khác…

Tam quan chùa Đông Khê

Khác với các ngôi chùa khác, tam quan của chùa Đông Khê được trang trí đắp vẽ trên cả 2 tầng đao mái cổng, lợp ngói cổ, bờ nóc mái đắp hình lá guột hóa  long.

Trên ba ô chữ nhật lớn, phân cách giữa đao mái phía trên nóc cổng có độ cao nhất trong ba cửa. Hàng chữ Hán như đặt lọt khít vào ba ô chữ nhật tên chữ của ngôi chùa là “Nguyệt Quang Tự”. Tầng mái thứ 2 xòe rộng hơn theo thể hạ thách đao. Góc mái được tạo cong bởi lớp sóng cuộn của mây cụm, như nâng bổng cả 2 tầng mái.

Hai cổng bên cũng được xây, đắp, trang trí nghệ thuật tương tự cổng chính giữa nhưng độ cao thấp hơn cổng chính giữa. Ngoài tên chữ của chùa, trên từng trụ chữ nhật của từng lớp cổng tam quan được đề lên câu đối chữ Hán ca ngợi cảnh chùa.

Từ tam quan ngoài đến lớp cổng 2 tầng cũng là gác chuông cửa chùa. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc truyền thống với bộ xà hoành, vì nóc mái ngói lợp cùng 4 mái đao cong vuông vức, tạo ra phần trụ âm thanh của chuông. Toàn bộ phần nóc mái được xây cất gối tường chồng lên phần kết cấu bê tông.

Cũng chính tại gác chuông, người ta có thể dễ dàng thu vào tầm mắt diện mạo sinh động của khu vườn cảnh trước tòa phật điện. Đó là quang cảnh một hồ nước nhỏ được viền quanh một lan can hình bát giác, trên có gắn đắp hình các con trong bộ tứ linh, tượng trưng cho vũ trụ, trung tâm là đôi rồng uốn khúc, đối xứng nhau cùng chầu về cùng một hương án.

Giữa hồ nước là tượng phật Quân Thế Âm Bồ tát đứng trên tòa sen, tay cầm ống nước Cam Lồ tưới cho chúng sinh muôn loài, thể hiện ước muốn về cuộc sống tốt đẹp của người dân bao đời.

Theo các nhà nghiên cứu, chùa Đông Khê là một công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật có quy mô đồ sộ. Đây không chỉ là một công trình lớn tiêu biểu cho kiến trúc chùa làng Việt Nam mà còn chứa nhiều di vật gỗ, đá kim loại có giá trị lịch sử, mỹ thuật và văn hóa cổ truyền như: bia ký, đôi sấu đá, quả chuông đồng, các bộ tượng Phật,…     

Không chỉ đẹp về kiến trúc nghệ thuật, Chùa Đông Khê còn được đánh giá cao bởi những đóng góp cho cách mạng qua 2 cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, chùa Đông Khê đã hết lòng giúp đỡ, ủng hộ cách mạng qua nhiều phong trào hũ gạo ủng hộ kháng chiến, áo ấm mùa đông gửi người chiến sỹ.

Với những giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử,  năm 1997, đình Đông Khê được công nhận là Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia.

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông