14:54 24/11/2017 Những ngày này, người dân phường Đông Khê, quận Ngô Quyền đã bắt đầu chuẩn bị cho một mùa lễ hội vào ngày 14 tháng Giêng (Âm lịch) tại ngôi đình. Qua mấy thế kỷ, Đình Đông Khê, di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia luôn sống trong tâm thức, là niềm tự hào của bao thế hệ người dân nơi đây…
Đình Đông Khê là Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia
Đình Đông Khê là một trong những đài tưởng niệm, nơi tôn thờ Đức Ngô Quyền Vương. Tương truyền, khu vườn Quyến, làng Đông Khê ngày ấy chính là nơi Ngô Quyền yết bảng chiêu mộ người hiền tài, luyện tập quân sỹ để chuẩn bị cho thế trận Bạch Đằng năm 938.
Nghiên cứu địa hình xưa thấy rằng khu vườn Quyến có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, rất phù hợp với thuật dùng binh, bởi đây là dải đất nổi cao, xung quanh có lạch thoát triều bao bọc. Từ đây có thể dùng thuyền ra Sông Cấm, tới sông Lạch Tray dễ dàng, thuận cho việc tiến và lui binh.
Ngày ấy dân làng Đông Khê đã cho dựng một cây cầu gỗ gọi là Cầu Gù để nối liền xóm thôn với đồn binh của Ngô Quyền. Khi Ngô Quyền qua đời, nhân dân địa phương suy tôn Người là Phúc thần và tạc tượng thờ ở miếu Chè. Sau này, đình làng được xây dựng, nhân dân Đông Khe rước thần vị Ngô Vương về thờ tại đình chung và tôn vinh Ngài là thành hoàng làng.
Đình Đông Khê được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836), do Quan án Nguyễn Thế Nho, một người có thế lực trong làng, đứng chủ hưng công. Đình Đông Khê được các nhà sử học đánh giá là một ngôi đình lớn, dấu ấn kiến trúc mang phong cách thời Nguyễn. Sau nhiều lần trùng tu, kiến trúc của đình còn khá nguyên vẹn.
Đình Đông Khê có bố cục mặt bằng hình chữ Đinh đơn giản gồm 7 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Trước đình xây ngũ môn gồm: cổng giữa kiểu tam quan và 2 cổng bên tường hồi, đối nhau, kiểu nhất môn, hai tầng tám mái quen thuộc.
Cổng chính tam quan được tạo bởi 2 cột đồng trụ cao, phía dưới tạo dáng thất cổ bồng, phía trên là các đấu vuông thót đáy chồng lên nhau đặt lên khối đèn lồng; đỉnh cột đắp kim nghê theo lối tượng tròn.
Hai cổng bên trông như ngôi lầu 2 tầng 8 mái thường gặp trong các công trình kiến trúc nghệ thuật cổ Việt Nam. Hiên tường đường được bó bằng những phiến đá xanh lớn, mài nhẵn, kích thước xấp xỉ mặt bàn.
Mái đình xòe rộng, được làm theo kiểu “mái đao tầu thực”, với 4 mái đao cong vút, tạo cho cả khối kiến trúc nặng nề như đang được nâng lên, nhẹ nhàng và thanh thoát. Bờ nóc đắp bằng vôi vữa để trơn.
Hồi long đắp thủy quái Ma-Ka-Ra, với ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa. Thủy quái là một đầu rồng nổi khối lớn, miệng há rộng đang ngậm bờ nóc, đuôi xoắn tròn đặt trên nóc tường hồi.
Góc mái đắp nghê chầu, trong tư thế hùng dũng, mang tư cách là một vật linh, có sức mạnh “vũ trụ”. Đầu đao tạo dáng “rồng chầu phượng đón” và lá cúc lật.
Giữa bờ nóc đắp nổi đồ án hổ phù đội mặt nguyệt; hổ phù nổi khối lớn, 2 tay to, xòe sang 2 bên nắm lấy bờ nóc, miệng ngậm chữ thọ lớn, trông rất dữ tợn. Mặt nguyệt tròn xung quanh có các tua mây mảnh dẹt bay lên, tựa như quầng lửa.
Mái đình lợp ngói mũi hài, xen lẫn ngói vảy rồng, rêu phong cổ kính.
Đình Đông Khê là 1 di tích mang dấu ấn nghệ thuật thời Nguyễn
Tòa tiền đường là kiến trúc trọng yếu nhất của đình Đông Khê. Khung chịu lực được làm hoàn toàn bằng gỗ lim nguyên cây, đồ sộ và chắc chắn.
Tòa nhà được chia làm 7 gian và được tạo bởi 6 bộ vì giữa và 2 bộ vì đốc hồi. Mỗi vì kèo gồm 4 gian hàng chân cột với 2 cột cái và 2 cột con. Tổng cộng có 12 cột cái và 20 cột con.
Các cột đều cao to, thẳng tắp, được kê trên chân tảng bằng đá vôi lớn. Chân tảng được tạo dáng tròn trên, vuông dưới rất vững chãi, đồng thời đó cũng là biểu tượng của càn khôn, của tư duy vũ trụ luận Phương Đông cổ truyền, cầu mong cho công trình được trường tồn. Đặc biệt các cột vẫn giữ nguyên những lỗ mộng, dấu vết của Sàn đình xưa.
Các chi tiết trong đình Đông Khê được chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo
Xưa đình Đông Khê có hệ thống cửa gỗ kiểu “bức bàn cánh bướm” chạy suốt 5 gian trung tâm và 2 gian hồi lắp cửa sổ trấn song. Hai vì kèo tòa tiền đường có cấu trúc tương tự nhau, theo kiểu “chồng rường đấu”: Đội xà nóc lớn là một dép gỗ hình thang ngửa, mặt ngoài khắc chìm chữ thọ và trụ nóc.
Dép này nằm trên đấu nóc hình chữ nhật. Đấu nóc nằm giữa lưng thanh rường thứ nhất, rường này làm nhiệm vụ đội đôi hoành thứ nhất. Thanh rường đầu tiên được kê trên thanh rường thứ 2 qua 2 đấu vuông thót đáy, tạo thành hình chữ nhị. Dân gian quen gọi kiểu vì này là “chồng rường con nhị”.
Lễ hội tại đình Đông Khê được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng (Âm lịch) hằng năm
Rường thứ 2 đội đôi hoành thứ 2, được kê trên đôi rường ngắn nằm trên lưng câu đầu, ở vị trí đội hoành. Rường ngắn nằm trên lưng câu đầu qua 2 đấu vuông, một đầu đỡ rường trên, đầu kia đội đôi hoành thứ 3.
Câu đầu là 1 thân gỗ lớn, nối 2 đầu cột trong 1 bộ vì bằng cách khớp mộng, rất phổ biến trong kiến trúc nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 16 - thế kỷ 18.Câu đầu bào soi hình cỏ măng, dưới bụng tạo ô hình chữ nhật, trong lòng ô khắc chìm chữ Hán.
Đầu câu đầu đội đôi hoành thứ tư. Dưới bụng câu đầu có đầu dư hình rồng truyền thống. Đầu dư lớn, chạm khắc tỉ mỉ, trau chuốt, thân rồng được phủ 1 lớp ria hình đao mác lớn, kiểu đao mác đầu thế kỷ 17-18.
Đuôi đầu dư, tức đuôi rồng cong lên đội đôi hoành thứ 5. Từ thân cột cái nhô ra kết cấu “thuận chồng ba con” để đỡ hoành thứ 6, 7, 8. Khoảng trống giữa các thuận được nong ván gỗ dầy trông như vì cốn mê. Nối cột cái với cột con là xà nách lớn, bào soi hình vỏ măng…
Liên kết dọc của kiến trúc tiền đường là hệ thống xà thượng (xà nối các cột cái, cột trốn) và xà hạ (xà nối các cột con) bào soi vỏ măng. Khoảng cách giữa xà thượng và xà hạ với hoành mái có lắp lá gió bằng ván gỗ dày.
Lễ hội tại đình Đông Khê vào tháng Giêng hằng năm thu hút đông đảo người dân và du khách
Hậu cung là 3 gian chuôi vồ phía sau tiền đường, chiều rộng bằng gian trung tâm và 2/3 tả gian và hữu gian tiền đường. Hai mái ngói hậu cung nằm yên vị trên 3 vì kèo bằng gỗ lim và tường hồi đốc.
Các vì kèo có kết cấu tương tự nhau cũng gồm 4 hàng chân cột như tòa tiền đường. Cũng như nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật cổ khác, cái khéo léo trong kỹ thuật kiến trúc tòa hậu cung đình Đông Khê là việc xử lý kết cấu khi lắp ghép toà hậu cung với tòa tiền đường.
Theo các nhà sử học, Đình Đông Khê được xây dựng vào giữa thế kỷ 19 nhưng lại là 1 di tích ẩn chứa tiếng nói mỹ thuật thời Lê. Đó là cầu nối quan trọng để các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nghệ thuật dân tộc giai đoạn chuyển tiếp giữa 2 vương triều Lê - Nguyễn.
Với những giá trị về kiến trúc, năm 1997, đình Đông Khê được công nhận là Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia.
Xuân Hạ
15:05 08/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh