Chuyên đề dạy học tích hợp liên môn: Giảm tải, phát huy năng lực học sinh

11:28 09/12/2017

Trong 3 năm liên tiếp, ngành GD-ĐT Hải Phòng đã chỉ đạo quyết liệt để các nhà trường, giáo viên tích cực rà soát chương trình nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục. Một trong những hoạt động đem lại hiệu quả cao là việc các nhà trường chủ động tổ chức các chuyên đề môn học, liên môn, tích hợp. Thông qua đó, chương trình học tại nhà trường được giảm tải, đồng thời phát huy cao nhất năng lực của học sinh...

 

Màn hát ráp trong chuyên đề tích hợp Trường THCS Chu Văn An

Rà soát, bổ sung kiến thức

Cuối tháng 10-2017, Trường THCS Hồng Bàng (quận Hồng Bàng) tổ chức Chuyên đề dạy học liên môn Lịch sử - Ngữ văn theo chủ đề “Sáng mãi trang sử Hồng Bàng”. Tại buổi học chuyên đề diễn ra trong thời gian tương đương 6 tiết học, các học sinh đã được xem hình ảnh tư liệu, nghe các cựu chiến binh kể chuyện lịch sử, đồng thời trình bày diễn thuyết nhóm và trả lời các câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm.

Đáng chú ý là trước đó, các học sinh đã được các thầy cô giáo hướng dẫn cách tra cứu tài liệu, tìm kiếm thông tin và hoàn thành chuyên đề nhóm để báo cáo. Thông qua chuyên đề đã giúp các em hào hứng tiếp thu kiến thức, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập, đồng thời thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng bộ quận Hồng Bàng - đơn vị đầu tiên của thành phố Hải Phòng nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đây là một chuyên đề dạy học liên môn cấp thành phố nhằm triển khai việc dạy học sử dụng tài liệu giáo dục lịch sử Đảng bộ quận Hồng Bàng tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận. Theo Trưởng phòng GD-ĐT quận Hồng Bàng Nguyễn Thị Nhất, Ban tuyên giáo quận ủy, Phòng GD&ĐT quận Hồng Bàng tham mưu việc đưa nội dung lịch sử Đảng bộ quận Hồng Bàng vào chương trình học môn Lịch sử, thông qua đó khắc sâu kiến thức, đồng thời khơi dậy niềm tự hào của học sinh tại một địa phương có truyền thống anh hùng của thành phố Cảng. Có thể dễ dàng nhận thấy đây là một sáng kiến.

Cô giáo Vũ Thị Việt Hoa, giáo viên tổ Văn Sử trường THCS Hồng Bàng cho hay, môn Lịch sử vốn đã được coi là khó, nay tích hợp thêm lịch sử đảng bộ địa phương với hàng tập tài liệu dày mà phải truyền đạt cho học sinh vào vỏn vẹn vài tiết học là việc không dễ dàng. Thông qua việc xây dựng chuyên đề có áp dụng đổi mới phương pháp dạy này đã giúp các em học sinh hào hứng hơn trong việc nghiên cứu, tìm tài liệu và thể hiện ra những kiến thức mình nắm bắt được bằng nhiều hình thức khác nhau, phong phú và sáng tạo.

Trải nghiệm, khám phá trong quá trình học

Nếu như ở chuyên đề liên môn của trường THCS Hồng Bàng thiên về việc rà soát, bổ sung kiến thức trong nhà trường thì ở chuyên đề tích hợp của trường THCS Chu Văn An, việc đổi mới phương pháp học mang dấu ấn đậm nét hơn. Khoảng giữa tháng 11-2017, Trường THCS Chu Văn An tổ chức hội thảo dạy học theo chủ đề tích hợp môn Mỹ thuật “Bảo tồn và quảng bá tranh dân gian Đông Hồ”.

Trong chuyên đề dạy học tích hợp, được sự hỗ trợ của cô giáo, các nhóm học sinh đã tham gia vào các phần: khởi động, hình thành kiến thức, báo cáo thuyết trình nhóm và giao lưu, hỏi đáp các câu hỏi về đề tài mà nhóm mình đã xây dựng. Thông qua đó, đã làm cho các học sinh có hiểu biết sâu rộng hơn về văn hóa dân gian, mà cụ thể ở đây là tranh dân gian Đông Hồ; những ảnh hưởng của nó vào văn hóa, đời sống xã hội và những ứng dụng từ văn hóa dân gian vào hiện đại. Đặc biệt, các hoạt động kiểm tra, đánh giá kiến thức được chuyển hóa thành các phần hỏi đáp, thuyết trình bằng nhiều hình thức như hát ráp, múa dân gian, xây dựng video-clip... đã gây hứng thú cho buổi học chuyên đề.

Đáng chú ý là để chuẩn bị cho chuyên đề này, các nhóm học sinh của nhà trường đã được đi trải nghiệm, khám phá tại nơi sản sinh ra dòng tranh truyền thống Đông Hồ, như: các cơ sở sản xuất, khu di tích lịch sử, các làng nghề, danh lam thắng cảnh... để khám phá thực tế, đưa vào bài học. Tại đây, các em đã được “mắt thấy, tai nghe”, tự mình tham gia vào quá trình sáng tạo một dòng tranh đặc trưng của văn hóa Kinh Bắc.

Thoát ly khỏi sách vở, được trải nghiệm thực tế, đắm mình trong dòng chảy của văn hóa dân gian để rút ra những kiến thức, hoàn thành bài luận báo cáo cuối chuyên đề là một phương pháp học tập tạo được hứng thú cho học sinh, giúp cho việc tiếp thu kiến thức đạt hiệu quả cao hơn.

Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục

Ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thực hiện lộ trình đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá ở các trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực của học sinh trên tinh thần Nghị quyết 29 - NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sau khi Quốc hội thông qua Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên sẵn sàng đáp ứng mục tiêu đổi mới, trong đó tăng cường năng lực dạy học theo hướng “tích hợp, liên môn” là một trong những vấn đề cần ưu tiên.

Các học sinh Trường THCS Chu Văn An hào hứng thảo luận tại chuyên đề

Trong 3 năm học gần đây, ngành GD-ĐT Hải Phòng chỉ đạo quyết liệt để các địa phương, các nhà trường và giáo viên chủ động rà soát, xây dựng các chuyên đề dạy học theo chủ đề môn học, liên môn, tích hợp. Qua đó, mỗi năm ngành GD-ĐT có gần 20 chuyên đề dạy học tích hợp, liên môn cấp thành phố đạt chất lượng tốt, nhiều chuyên đề cấp quận, huyện, cấp trường. Riêng năm học 2017-2018, đã có hơn 10 chuyên đề cấp thành phố được tổ chức.

Thông qua đó, các phòng GD-ĐT, các nhà trường, giáo viên đã rà soát chương trình dạy học để nâng cao chất lượng; giữa các giáo viên có sự phối hợp trong quá trình dạy học; đặc biệt là học sinh được học tích cực, tự lực và sáng tạo, được tổ chức học ở trong lớp, ngoài lớp, trong trường, ngoài trường, ở nhà và cộng đồng, đặc biệt quan tâm đến hoạt động thực hành và ứng dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Một số hạn chế bộc lộ trong việc triển khai dạy học liên môn, tích hợp tại Hải Phòng là tại một số địa phương, đơn vị, một số cán bộ, giáo viên ngại thay đổi, chưa hiểu rõ và thích ứng với việc đổi mới dẫn đến hiệu quả của các chuyên đề chưa cao, chưa tìm tòi, sáng tạo trong quá trình dạy học...

Việc đổi mới giáo dục là cần thiết, song cần đồng bộ và đạt hiệu quả cao. Thiết nghĩ, ngành GD-ĐT cần triển khai tập huấn, khuyến khích xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và chủ đề tích hợp, liên môn phù hợp với phương pháp dạy học tích cực và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương, nhà trường.

Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng các giáo viên cốt cán, đẩy mạnh nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong trường phổ thông, trang bị kiến thức cho giáo viên bộ môn và quan trọng là tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của giáo viên, học sinh và xã hội về đổi mới dạy và học trong nhà trường...

HẢI HẬU

 

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông