Chuyển đổi số tại Hải Phòng Kết hợp nhuần nhuyễn giữa nâng cao nhận thức và đầu tư hạ tầng

18:25 04/08/2022

Năm 2022, Hải Phòng chọn chuyển đổi số là một trong 3 nội dung của chủ đề năm, thể hiện rất rõ quyết tâm tạo nên sự đột phá trong lĩnh vực này. Bởi vậy, chuyển đổi số được coi là “từ khóa” của năm, các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và cả người dân cùng tích cực tham gia vào công cuộc “tìm kiếm” để chọn lựa phương thức chuyển đổi số thích hợp nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất, góp phần vào kết quả chung của toàn thành phố.

                                                                Nâng cao nhận thức để dẫn dắt hành động

        Trên thực tế, khái niệm chuyển đổi số vẫn còn khá xa lạ với nhiều người, kể cả các cấp lãnh đạo, CBCC, viên chức chứ chưa nói tới người dân. Bởi thế, trong chương trình, kế hoạch chuyển đổi số năm 2022, Hải Phòng đặt tuyên truyền, nâng cao nhận thức lên hàng đầu để từ đó dẫn dắt hành động. Cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; các quận, huyện, phường, xã; các doanh nghiệp; các tổ chức hội… đều vào cuộc; các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố dành thời lượng đáng kể, thường xuyên, liên tục để tuyên truyền phổ biến về chuyển đổi số.

       Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng năm 2022 cũng là một cách tuyên truyền về chuyển đổi số khá hiệu quả của Hải Phòng.

                                       

BCĐ chuyển đổi số thành phố họp xác định nhiệm vụ chủ yếu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

          Cũng chưa bao giờ mà các cuộc hội thảo, hội nghị, các cuộc họp về chuyển đổi số lại được tổ chức với số lượng lớn, tần suất dày đặc như trong 6 tháng đầu năm qua tại Hải Phòng. Các chủ đề như:“Chữ ký số và Lưu trữ điện tử tập trung - Nền tảng xây dựng Chính quyền số và Công dân số”; “Hạ tầng và bảo mật phục vụ chuyển đổi số”; “Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong chuyển đổi số lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo”; “ Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong chuyển đổi số lĩnh vực Y tế”; “An toàn thông tin trong chuyển đổi số”; “Phương pháp luận về Chuyển đổi số”; hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số doanh nghiệp Hải Phòng đột phá tăng trưởng”;  “Thúc đẩy hình thành chuỗi đô thị thông minh vùng đồng bằng sông Hồng kết nối khu vực và quốc tế”;  “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”… thực sự cần thiết và bổ ích.

      Các hội thảo đã thu hút hàng ngàn lượt cán bộ công chức và các doanh nghiệp Hải Phòng tham dự, chia sẻ, trao kinh nghiệm; từng bước nâng nhận thức cho cán bộ đảng viên, nhân dân về chuyển đổi số, thúc đẩy chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội của thành phố Hải Phòng.

          Đáng chú ý, thực hiện nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố ban hành tới 8 kế hoạch thực hiện các mục tiêu của công cuộc chuyển đổi số. Ban chỉ đạo về chuyển đổi số của thành phố trực tiếp làm việc với các ngành, đơn vị, địa phương, nằm tình hình và  định hướng  về chuyển đổi số. Việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, thúc đẩy chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025 giữa UBND thành phố với Bộ Thông tin và Truyền thông và tổ chức các chuyến học tập kinh nghiệm triển khai thực hiện chuyển đổi số tại Cục Tin học hóa, Tập đoàn FPT, Tập Đoàn Viettel và tỉnh Quảng Ninh,Thái Nguyên, Huế, Lạng Sơn… giúp định hình các bước đi về chuyển đổi số của Hải Phòng.

                                                      Tăng cường đầu tư phát triển nền tảng số, hạ tầng số

            Theo Sở Thông tin Truyền thông, đến nay, UBND  thành phố đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thực hiện một số nội dung để xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng với tổng mức đầu tư 308 tỷ đồng. Hiện dự án đã hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế theo quy định. Dự án sẽ đầu tư hạ tầng trung tâm dữ liệu, kho dữ liệu dùng chung, cổng dữ liệu mở phục vụ người dân.

                                      

Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) và Sở TTTT thành phố Hải Phòng ký thỏa thuận hợp tác phối hợp tăng cường quản lý và phát triển tài nguyên Internet trên địa bàn thành phố

      Cùng với đó, hệ thống quản lý văn bản chỉ đạo điều hành được triển khai đến 100% các cơ quan nhà nước từ thành phố tới cấp xã, sử dụng hệ thống văn bản điều hành, tích hợp chữ ký số chuyên dùng để thực hiện ký số văn bản điện tử, đạt 82,6% văn bản được ký số phát hành trên mạng. 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp hộp thư điện tử công vụ để trao đổi thông tin. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cũng khá cao, hiện đạt 27,9% (toàn quốc đạt 17%). Các đơn vị có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao trên 80% là Sở Nội vụ (100%), Sở Khoa học và Công nghệ (99,7%), Sở Công Thương (99,2%), Sở Văn hóa và Thể thao (98,8%), Sở Tài chính (96,4%), Sở Du lịch (81,8%), UBND quận Hải An (92,2%), UBND huyện Kiến Thụy (80,6%).

      Đồng thời, thành phố cũng hoàn thành thiết lập việc thanh toán trực tuyến trên Hệ thống Một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến cho 12 Sở, ban, ngành có dịch vụ phát sinh phí, lệ phí; hoàn thành kết nối tích hợp, chia sẻ dữ liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh; hoàn thành kết nối liên thông giữa Hệ thống một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến thành phố với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử để thực hiện các dịch vụ công thiết yếu (đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử và cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân).

          Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai thí điểm trung tâm điều hành thông minh, kết nối 21 camera giám sát một cửa, thử nghiệm giám sát điều hành giao thông thông minh.

        Đáng chú ý, thành phố giao 58 nhiệm vụ về chuyển đổi số  cho 21 đơn vị thực hiện, tổng kinh phí dự kiến thực hiện 470 tỷ đồng.

                                               

                                                      Khai trương điểm đăng ký tên miền quốc gia “.vn” tại Hải Phòng

     Về hạ tầng số dùng chung, thành phố đã hoàn thành kết nối kênh truyền số liệu chuyên dùng tới 251/253 sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố (đạt 99,2%). Đã hoàn thành đưa vào khai thác mới 214 trạm BTS công nghệ 4G, đưa tổng số trạm BTS trên toàn địa bàn thành phố lên 2.224 trạm, tăng 11% so với số liệu thống kê cuối năm 2021. Hạ tầng băng thông rộng di động 4G đã được phủ đến 100% cấp huyện và cấp xã trên địa bàn thành phố, chất lượng băng thông di động vượt mốc 40 Mbps (đứng thứ 24/63 tỉnh, thành – tăng 20 bậc so với tháng 5/2022); tốc độ băng rộng cố định của Hải Phòng hiện đạt ~ 60 Mbps (đứng thứ 38/63 tỉnh, thành – trung bình cả nước là 73,5 Mbps), tăng ~7,7% so với cùng kỳ tháng 6/2021.

          Phát huy kết quả đó, từ nay tới cuối năm, thành phố tiếp tục  thực hiện một số nội dung để xây dựng Chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025.  Trong đó, năm 2022 thực hiện đầu tư Trung tâm dữ liệu dùng chung, xây dựng nền chia sẻ tích hợp dữ liệu, xác thực điện tử, kho dữ liệu dữ liệu dùng chung, cổng dữ liệu mở,  phục vụ xây dựng chính quyền số. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và phát triển Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện, bảo đảm  hoàn thành chỉ tiêu tối thiểu 60% hồ sơ trực tuyến và hoàn thiện hệ thống một cửa và dịch vụ công trực tuyến theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ.

      Cùng với đó, thành phố triển khai công tác số hoá dữ liệu chuyên ngành, phát triển kho dữ liệu dùng chung hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân; triển khai phần mềm đất đai VBDLIS tại Hải Phòng liên thông hệ thống một cửa điện tử  và dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai,cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 trong lĩnh vực đất đai, hoàn thành đưa dữ liệu quận Hồng Bàng, Đồ Sơn, huyện An Dương lên cổng thông tin đất đai thành phố phục vụ người dân.

          Đồng thời, phối hợp Bộ Thông tin và Tuyền thông tổ chức tập huấn cho 30.000 CCVC toàn thành phố trên nền tảng học trực tuyến; vận hành hiệu quả mô hình thử nghiệm Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ số tiếp nhận, giải quyết phản ánh kiến nghị của người dân; đẩy mạnh triển khai các nền tảng ký số, triển khai sổ sức khoẻ điện tử, học bạ điện tử, thanh toán điện tử nhằm thúc đẩy phát triển xã hội số; triển khai xây dựng trung tâm giám sát bảo đảm an toàn thông tin, xây dựng môi trường số an toàn./.

                                                                                                                                            Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông