15:41 28/11/2023 Tại Điều 4, Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15, được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 3, khóa XV, ngày 14-6-2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, đã quy định cụ thể 5 nguyên tắc hoạt động của Cảnh sát cơ động.
Theo đó, Cảnh sát cơ động hoạt động dựa trên các nguyên tắc sau:
Một là. Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an. Đây là nguyên tắc tổ chức và hoạt động chung cho toàn lực lượng vũ trang, bao gồm: lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là vấn đề mang tính nguyên tắc và đã được quy định trong Hiến pháp. Trong khi đó, Cảnh sát cơ động là lực lượng thuộc Công an nhân dân.
Do vậy, Luật quy định nguyên tắc này nhằm thống nhất nhận thức về Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt của Cảnh sát cơ động, xác định tầm quan trọng của Cảnh sát cơ động, đồng thời định hướng ưu tiên đầu tư, trang bị cho lực lượng này tiến thẳng lên hiện đại, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân.
Đồng thời, việc quy định nguyên tắc trên cũng tương đồng với quy định về nguyên tắc của các lực lượng vũ trang khác được quy định tại các luật hiện hành như Luật Cảnh vệ năm 2017, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020.
Hai là. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Ba là. Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn mà Đảng và Nhà nước giao phó trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Cảnh sát cơ động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động của mọi cá nhân, tổ chức đều phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động vừa là công dân, vừa là người thực thi pháp luật, bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.
Do đó, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động phải nắm vững và thực hiện nghiêm chỉnh liên nghiên mọi quy định của pháp luật trong hoạt động của mình theo đúng chức trách được phân công, không được lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, nên Nhân dân chính là mục tiêu cốt lõi để mọi lực lượng trong xã hội hoạt động, bảo vệ.
Phải dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh tổng thể của Nhân dân và linh hoạt trong việc áp dụng các biện pháp công tác của Công an thì Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát cơ động nói riêng mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Do vậy, Luật đã quy định nguyên tắc “Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” và “Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”.
Bốn là. Kết hợp chặt chẽ biện pháp vũ trang với các biện pháp công tác khác của lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Với chức năng là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, quá trình thực hiện nhiệm vụ, Cảnh sát cơ động sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu.
Tuy nhiên, Cảnh sát cơ động là một lực lượng thuộc Công an nhân dân, do vậy, Cảnh sát cơ động cũng được sử dụng các biện pháp công tác khác như: pháp luật, vận động quần chúng, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ. Do vậy, để phát huy cao nhất hiệu quả của biện pháp vũ trang, Luật quy định nguyên tắc “Kết hợp chặt chẽ biện pháp vũ trang với các biện pháp công tác khác của lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao”.
Năm là. Bảo đảm sự chỉ đạo, chỉ huy tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Với đặc thù là đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung, được tổ chức theo 2 cấp (trung ương là Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, địa phương là các phòng, trung đoàn thuộc Công an cấp tỉnh), hoạt động của Cảnh sát cơ động có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, đến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Do đó, Luật đã quy định nguyên tắc thứ 5 này để phù hợp với đặc thù về tổ chức và tính chất nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động.
Ngoài ra, Luật Cảnh sát cơ động đã lược bỏ nguyên tắc tại Pháp lệnh Cảnh sát cơ động quy định về việc “thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động” để phù hợp với Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về “… thống nhất thực hiện chế độ thủ trưởng đơn vị đồng thời làm bí thư cấp ủy, kết thúc việc thực hiện quy định số 216-QĐ/TW ngày 09/12/2013 của Ban Bí thư về thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động”.
KC
09:45 21/11/2024