09:30 29/11/2023 Tại Điều 5, Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15, được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 3, khóa XV, ngày 14-6-2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về công tác xây dựng Cảnh sát cơ động.
Theo đó, Nhà nước xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển Cảnh sát cơ động. Cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam có trách nhiệm tham gia xây dựng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh.
Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Công an nhân dân, nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Do vậy, công tác chăm lo xây dựng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát cơ động nói riêng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Về trách nhiệm của Nhà nước trong xây dựng Cảnh sát cơ động bao gồm nhiều nội dung: lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng, thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật; xây dựng, củng cố tổ chức; công tác cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; bảo đảm vật chất, hậu cần, kỹ thuật..., nhằm xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Đồng thời, Luật Cảnh sát cơ động đã thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa các lực lượng hải quân, phòng không - không quân, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật, cảnh sát biển, tình báo, cơ yếu, an ninh, cảnh sát cơ động; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 5/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới xác định ưu tiên kinh phí, đầu tư trang bị phương tiện đảm bảo cho lực lượng Cảnh sát cơ động tiến thẳng lên hiện đại.
Quyết định số 31/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát cơ động đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Theo đó, để thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Luật Cảnh sát cơ động đã quy định “ưu tiên nguồn lực phát triển Cảnh sát cơ động”.
Đây là quy định mang tính nguyên tắc, qua đó tạo cơ sở pháp lý để xây dựng các quy định cụ thể, bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện ngân sách của nhà nước trong từng thời kỳ nhưng vẫn đảm bảo được những yêu cầu tiến bộ của sự phát triển khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, một trong những đặc điểm quan trọng nhất của Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát cơ động nói riêng là từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ.
Do đó, việc các cơ quan, tổ chức và công dân tham gia xây dựng Cảnh sát cơ động có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng.
Nội dung tham gia gồm: phối hợp với Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; tự giác thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Cảnh sát cơ động; giám sát, tham gia ý kiến đối với các hoạt động của Cảnh sát cơ động; khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động.
Hình thức, mức độ tham gia cũng khác nhau như: phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động trong xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh.
KC
09:45 21/11/2024