Chuyên mục Luật Cảnh sát cơ động: Quy định về việc vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để chống khủng bố, giải cứu con tin

17:31 08/12/2023

Tại Điều 13, Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15, được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 3, khóa XV, ngày 14-6-2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về việc “Vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để chống khủng bố, giải cứu con tin” của Cảnh sát cơ động.

Theo đó, việc vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố.

Trường hợp vào trụ sở của cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của pháp luật về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.Trường hợp vào trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và chỗ ở của thành viên các cơ quan này tại Việt Nam phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Một trong những điểm mới so với Pháp lệnh là Luật Cảnh sát cơ động đã quy định cụ thể một số hoạt động của Cảnh sát cơ động liên đến hạn chế quyền con người, quyền công dân, bao gồm:

Bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt (Điều 11); Tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự (Điều 12); Vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để chống khủng bố, giải cứu con tin (Điều 13).

Nội dung các Điều luật này được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển quy định của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, luật hóa các quy định về hoạt động bảo vệ mục tiêu, bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát cơ động hiện đang được quy định tại các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013, thống nhất với quy định của pháp luật Việt Nam, tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với thực tiễn hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động.

Việc luật hóa các hoạt động của Cảnh sát cơ động sẽ tạo nền tảng pháp lý vững chắc để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Qua đó, tạo niềm tin trong Nhân dân, gắn kết cộng đồng xã hội và bảo đảm cho các hoạt động xã hội diễn ra ổn định.

Đồng thời, quy định trên cũng nâng cao vị trí, vai trò của Cảnh sát cơ động, nâng cao ý thức pháp luật, góp phần tạo sự đồng thuận và chuyển biến tích cực về nhận thức trong các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, người dân và toàn xã hội đối với vị trí, vai trò của Cảnh sát cơ động, hỗ trợ và thúc đẩy hiệu quả hoạt động của lực lượng này.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông