Chuyên mục Luật Cảnh sát cơ động: 7 quyền hạn của Cảnh sát cơ động

09:41 07/12/2023

Tại Điều 10, Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15, được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 3, khóa XV, ngày 14-6-2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về “Quyền hạn của Cảnh sát cơ động”.

Theo đó, Cảnh sát cơ động có 7 quyền hạn cơ bản sau:

Một là. Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Điều 15 của Luật này.

Hai là. Được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ;

b) Bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;

c) Sử dụng tàu bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho Cảnh sát cơ động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

Ba là. Ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Bốn là. Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Năm là. Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam theo quy định tại Điều 16 của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan.

Sáu là. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện, trừ công trình quốc phòng, khu quân sự, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng; được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân theo quy định tại Điều 13 của Luật này để chống khủng bố, giải cứu con tin.

Bảy là. Các quyền hạn khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và quy định của pháp luật có liên quan.

Trong 7 quyền hạn trên của Cảnh sát cơ động được quy định tại Luật này, có 5 quy định về quyền hạn được kế thừa tại Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, 2 quyền hạn được bổ sung thêm, gồm: (1) Được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự đê làm nhiệm vụ: Chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; Bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; Sử dụng tàu bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho Cảnh sát cơ động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự; (2) Ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Việc bổ sung 2 quyền hạn nêu trên tại Luật Cảnh sát cơ động nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho Cảnh sát cơ động hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất được giao và thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, kế thừa quy định tại khoản 3, Điều 7 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động về việc quy định Cảnh sát cơ động có quyền hạn “xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, tại khoản 4, Điều 10 Luật Cảnh sát cơ động đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn Cảnh sát cơ động có thẩm quyền “Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính” vì thẩm quyền và những lĩnh vực Cảnh sát cơ động được xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với thẩm quyền được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để chống khủng bố, giải cứu con tin sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, Luật Cảnh sát cơ động thiết kế 3 điều quy định cụ thể về các nội dung này đảm bảo chặt chẽ, tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan (gồm các Điều 13, 15 và 16).

Đối với thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin. So với Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, tại Luật bổ sung thêm cụm từ "thiết kế của phương tiện". Vì để thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin trên các loại phương tiện có thiết kế phức tạp, kích thước lớn như máy bay, tàu thủy, tàu hỏa..., Cảnh sát cơ động cần được cung cấp thiết kế để lựa chọn phương án tác chiến phù hợp, tránh thương vong, tổn thất cho lực lượng.

Việc cung cấp sơ đồ, thiết kế thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước hoặc các đơn vị khác trong Công an nhân dân, phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn để đáp ứng nhanh nhất yêu cầu, nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin.

Đồng thời, điều luật cũng loại trừ việc yêu cầu cung cấp sơ đồ, thiết kế các công trình quốc phòng, khu quân sự, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. Trường hợp xảy ra khủng bố tại các khu vực này sẽ do lực lượng Quân đội chủ trì xử lý, Cảnh sát cơ động sẽ tham gia phối hợp khi có yêu cầu và được cấp có thẩm quyền điều động.

Và so với Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, Luật Cảnh sát cơ động không quy định thẩm quyền trưng dụng tài sản. Vì theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 thì thẩm quyền này thuộc Bộ trưởng Bộ Công an và không được ủy quyền cho cấp dưới.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông