Chuyện thời cuộc: Tiên học lễ, hậu học văn

    21:23 07/12/2023

    Từ lâu, nhiều thế hệ học sinh Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Đây được coi là vấn đề cốt yếu nhất của văn hóa học đường đã tồn tại với thời gian từ xa xưa vì là một triết lý giáo dục ở Việt Nam. “Tiên học lễ, hậu học văn” hiểu theo ý nghĩa đơn giản là: con người trước hết phải rèn luyện đạo đức, tu dưỡng nhân cách của bản thân, sau đó mới đến học những kiến thức văn hóa, nâng cao vốn hiểu biết cho mình. Cũng chính bởi vậy, lẽ “tôn sư trọng đạo” luôn được cha ông xưa và các thế hệ hôm nay đề cao trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử.

    Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, đạo lý “tôn sư trọng đạo” đáng quý ấy giờ đã bị mai một, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất đó là nhiều cơ sở giáo dục hiện nay dường như lo dạy chữ hơn dạy người cùng căn bệnh thâm căn cố đế thành tích trong giáo dục…

    Mấy ngày nay, thông tin cô giáo bị nhóm học sinh lớp 7 ở Tuyên Quang chốt cửa, dồn vào góc lớp, chửi bới, ném dép vào đầu khiến cô giáo ngất xỉu tại chỗ đã gây rúng động dư luận.

    Rất nhiều người tỏ ra phẫn nộ trước hành vi hỗn láo, ngang ngược của nhóm học sinh này. Đây là một hồi chuông báo động về tình trạng suy thoái đạo đức nghiêm trọng trong một bộ phận học sinh.

    Ảnh cắt từ clip cô giáo ở tỉnh Tuyên Quang bị học sinh ép vào góc tường, chửi bới

    Ngay khi sự việc xảy ra, chính quyền sở tại đã vào cuộc xác minh và cho biết, nguyên nhân xuất phát từ khúc mắc giữa giáo viên và học sinh trong trường. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những chỉ đạo sát sao trong xử lý tình huống này.

    Cụ thể, hiệu trưởng nhà trường đã bị tạm dừng chức vụ để các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, cho dù có khúc mắc giữa giáo viên và học sinh thì những việc làm và lời nói của các học sinh đối với giáo viên như thế là không thể chấp nhận được.

    Mới thấy, để những vụ việc tương tự không xảy ra ngay tại học đường, không ai khác, chính giáo viên và nhà trường phải có trách nhiệm chủ động giải tỏa ngay những bất ổn ấy.

    Điều quan trọng nữa, học sinh đến trường được thầy cô truyền thụ kiến thức và đạo đức làm người thì gia đình cũng phải giáo dục con hiểu thế nào là “tôn sư trọng đạo”.

    Và như lời một vị tiến sĩ ngành giáo dục đã nói “Khi phụ huynh coi thường, không tôn trọng thầy cô giáo của con mình thì làm sao dạy con phải kính trọng thầy cô”.

    TRUNG KIÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông