09:40 26/03/2022 Sau hơn hai năm kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và bùng phát ở Việt Nam, có thể nói tổn thất đối với nền kinh tế thành phố nói riêng và cả nước nói chung là rất lớn, trong đó nặng nề nhất phải nói đến ngành du lịch cũng như các dịch vụ liên quan. Giờ đây, dù dịch bệnh vẫn tiếp tục gia tăng, nhưng việc nhận diện cũng như phương pháp tiếp cận của chúng ta đã thay đổi, khi chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn. Điều này chính là cơ hội để tái tạo kinh tế du lịch, khơi lại tiềm năng của ngành “công nghiệp không khói”.
Kỳ vọng trở lại thời hoàng kim của du lịch biển Đồ Sơn
Hệ lụy khách quan
Những năm trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện (2020), du lịch và dịch vụ liên quan của Hải Phòng có bước bứt phá mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2015 – 2020, thành phố đã thu hút nguồn vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng, đầu tư vào các dự án hạ tầng du lịch. Có thể kể như đảo Vũ Yên của VinGroup, hệ thống cáp treo của SunGroup và những công trình rất lớn khác tập trung ở hai trung tâm Cát Bà và Đồ Sơn.
Về hạ tầng dịch vụ, thành phố cũng xuất hiện ngày càng nhiều các khách sạn cao cấp, khu lưu trú hiện đại... điểm nhấn có thể kể là khách sạn 45 tầng cũng do VinGroup đầu tư. Cùng với đó là hệ thống giao thông được nâng cấp, đầu tư mới, đưa Hải Phòng trở thành một trong số ít các địa phương sở hữu cả 5 dạng hình giao thông bao gồm đường biển, đường sông, đường sắt, hàng không và đường bộ.
Nhờ vậy, lượng khách du lịch đến Hải Phòng ngày một đông, và đạt con số 7,8 triệu lượt vào năm 2019, trong đó du khách quốc tế đạt tỷ lệ khá cao. Đây chính là nền tảng quan trọng để Đại hội XVI Đảng bộ thành phố xác định du lịch cùng với thương mại là một trong 3 trụ cột kinh tế của Hải Phòng. Trong đó điểm nhấn là “xây dựng, phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn, Vũ Yên trở thành trung tâm du lịch quốc tế, phát huy các giá trị di sản văn hóa lịch sử đặc biệt của Hải Phòng, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước”… phấn đấu đến năm 2025 đón từ 20 triệu lượt khách trở lên.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, du lịch là một trong những ngành kinh tế bị tổn thất lớn nhất, khi hầu như phải ngưng trệ hoạt động, kéo theo nhiều phân ngành liên quan như dịch vụ lưu trú, lữ hành, ăn uống, thương mại… cùng với sự xáo trộn của nguồn nhân lực.
Nhiều công trình hạ tầng du lịch chưa kịp vận hành khai thác một cách đầy đủ đã phải tạm dừng, mà công trình cáp treo trên địa bàn huyện Cát Hải là một ví dụ. Đây là những thách thức không nhỏ đối với ngành du lịch cả nước cũng như Hải Phòng, trong tiến trình phục hồi và phát triển.
Bước sang năm 2022, do sự dịch chuyển nguồn lây từ nhiều địa phương trên cả nước, Hải Phòng trở thành một trong những khu vực bùng phát dịch Covid-19 mạnh mẽ nhất, khiến cho ngành du lịch, dịch vụ liên quan tiếp tục bị ảnh hưởng. Theo số liệu thống kê, tổng lượng du khách trong hai tháng đầu năm lưu trú tại Hải Phòng chỉ đạt khoảng 709 nghìn lượt, giảm 18,13% so với cùng kỳ năm 2021. So sánh này cho thấy mức độ sụt giảm của khách du lịch đến thành phố là rất lớn, bởi năm 2021 cũng là thời điểm du lịch suy thoái vì dịch bệnh.
Lẽ tất nhiên, các ngành dịch vụ liên quan, nhất là dịch vụ lưu trú, lữ hành cũng không thể tăng trưởng, bởi đối tượng phục vụ chính là du khách. Cũng theo số liệu thống kê, trong hai tháng đầu năm 2022 doanh thu dịch vụ lưu trú chỉ đạt 219,1 tỷ đồng, giảm 19,78%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 2.612,4 tỷ đồng, giảm 18,37% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ đạt khoảng 1 tỷ đồng, giảm 95,8%... so với cùng kỳ năm trước.
Tuyến cáp treo ra đảo Cát Bà trước cơ hội khai thác dịch vụ hiệu quả
Cơ hội rà soát để bứt tốc
Có thể nói, sự suy giảm hiện hữu của du lịch, dịch vụ là đáng lo ngại, nhưng nguyên nhân xuất phát từ yếu tố khách quan, nằm chung trong thách thức mang tính toàn cầu. Điều quan trọng là, hiện dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát khá tốt, cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp đã có cách nhìn và tiếp cận mới với dịch bệnh, tâm lý lo ngại đã dần qua. Đây là lúc chúng ta xốc lại hệ thống đẻ tập trung phục hồi, phát triển toàn diện các ngành kinh tế, trong đó có du lịch.
Về mặt thời điểm, theo thông lệ thì dịp này cũng chính là lúc các hoạt động du lịch biển, vốn là thế mạnh của Hải Phòng khởi động. Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân thành phố, năm nay nhân kỷ niệm 67 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2022), thành phố sẽ phục hồi trở lại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, sau hai năm tạm hoãn vì dịch bệnh. Đây là điểm nhấn quan trọng, với nhiều sự kiện được tổ chức kèm theo, sẽ tạo ra sức hút đối với du khách, đồng thời thúc đẩy hoạt động của các dịch vụ khác như dịch vụ lưu trú, lữ hành, ăn uống, vận tải khách…
Cùng với đó, nếu tình hình tiếp tục ổn định, thì mùa du lịch cũng chính thức khai trương, mà cũng theo thông lệ từ trước, với Cát Bà thường từ đầu tháng 4 và với Đồ Sơn từ tháng 5. Được biết để tận dụng cơ hội này, vừa qua thành phố Hải Phòng đã tổ chức Chương trình Famtrip “Hải tần Phòng thủ - Góc nhìn mới”, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp du lịch trên cả nước, nhằm quảng du lịch thành phố. Cùng với nhiều ngành dịch vụ liên quan cũng đang được rà soát, củng cố hạ tầng, tái tạo đầu tư trở lại hoạt động.
Bên cạnh đó, nhìn từ chính sách vĩ mô cấp độ cả nước, việc mở lại các đường bay quốc tế, mở cửa cho du khách nước ngoài vào Việt Nam, nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh… là những cơ hội để hạ tầng du lịch khai thác hiệu quả. Đối với Hải Phòng đó là Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, là hệ thống dịch vụ du khách đường thủy, đường bộ và tuyến cáp treo Cát Hải, cộng hưởng với hệ thống lưu trú văn minh, hiện đại được đầu tư trong thời gian qua.
Chưa hết, theo những người có kinh nghiệm về du lịch, kể cả hệ thống hơn 24 nghìn cơ sở chế biến, dịch vụ ăn uống các cấp độ cũng là nguồn lực rất lớn khi tham gia phục vụ du khách. Đơn cử từ những dịch vụ quy mô rất nhỏ nhưng đã góp phần làm thăng hoa thương hiệu ẩm thực Hải Phòng như bánh đa cua, bún cá cay, bánh mỳ cay…
Vấn đề đặt ra là, những gì diễn ra trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành vừa qua cũng là dịp để ngành du lịch rà soát, điều chỉnh, trên nền tảng loại bỏ những sản phẩm không hiệu quả và chưa phù hợp, làm mới mình theo hướng nâng cao chất lượng.
Bên cạnh đó các cơ chế, chính sách cũng cần chủ động, kịp thời hơn để tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch thích ứng trong hoàn cảnh mới. Tựu chung, đã xác định là trụ cột, kinh tế du lịch cũng cần những bước đi trên nền tảng vững chắc, để phát triển bền vững.
Lê Minh Thắng
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh