CÔNG AN NAM ĐỊNH: GÓP PHẦN GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA CÁC LỄ HỘI ĐẦU XUÂN

15:15 27/02/2018

Lễ khai Ấn Đền Trần và Lễ hội chợ Viềng là hai lễ hội đầu xuân lớn nhất của tỉnh Nam Định nói riêng và của miền Bắc nói chung, được tổ chức với quy mô lớn, trang trọng, tiết kiệm, văn minh.

Cả hai lễ hội đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương, du khách trong nước, quốc tế. Làm nên thành công đó có sự góp phần không nhỏ của Công an Nam Định.

1. Lễ hội chợ Viềng 2 ngày 1 đêm, bán rủi mua may

Nam Định nức tiếng với 2 lễ hội chợ Viềng, chợ Viềng Chùa - huyện Nam Trực và chợ Viềng Phủ - huyện Vụ Bản. Chợ Viềng Chùa nổi tiếng với các mặt hàng đồ cổ, đồ giả cổ và công cụ nông nghiệp. Còn chợ Viềng Phủ là phiên chợ của cây cảnh và thịt bò. Cả 2 phiên chợ đều mang nghĩa “mua may bán rủi”, cầu một năm thịnh vượng. Người bán không nói thách quá cao, người mua không mặc cả quá lời bởi quan niệm những nỗi “băn khoăn” về giá cả sẽ làm mất đi tính tâm linh của phiên chợ này. 

Chợ Viềng Nam Định là phiên chợ đặc trưng của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với đầy đủ những mặt hàng vừa truyền thống vừa mang “bản sắc” địa phương - từ những trò chơi dân gian, những công cụ nhà nông như cuốc, xẻng, thúng, mủng… đến sản phẩm của những làng nghề hàng trăm năm tuổi trong và ngoài tỉnh.

Nơi đây không bán mua những sản phẩm ngoại lai hào hoáng đắt tiền. Phiên chợ lại mang ý nghĩa mua may, bán rủi nên chắc hẳn du khách đã đến với chợ Viềng Nam Định không thể tay không trở về.

Khác với sự xô bồ của những phiên chợ thông thường, chợ Viềng Nam Định còn mang ý nghĩa tâm linh. Chợ Viềng Chùa Nam Trực là nơi có chùa Đại Bi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chợ Viềng Phủ Vụ Bản là nơi có quần thể di tích Phủ Dày thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh – một trong tứ bất tử, vị thánh của tín ngưỡng tứ phủ, mà bản chất của nó là tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng có cội nguồn lâu đời và độc đáo của Việt Nam.

Vậy nên, đến với lễ hội chợ Viềng, du khách không chỉ du xuân, mua bán lấy may mà còn có dịp vào chùa lễ Phật (Chùa Đại Bi), vào đền lễ thánh (Đền Giáp Ba, Đền Giáp Tư), nghiên cứu làng xã với cơ cấu làng: Giáp nhất, Giáp nhì, Giáp ba, Giáp tư (chợ Viềng Nam Trực) hay thành tâm lễ mẫu (chợ Viềng Vụ Bản). Đặc biệt, từ khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì du khách về với chợ Viềng ngày càng thêm đông.

2. Lễ khai Ấn Đền Trần

Lễ hội khai Ấn Đền Trần có ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc, là dịp để nhân dân tưởng nhớ, tri ân về một trang sử hào hùng của dân tộc với các võ công, văn trị thời Trần, 3 lần kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông thắng lợi. Cũng bởi ý nghĩa lịch sử, nhân văn đó mà nghi lễ khai Ấn và Lễ hội Đền Trần đã được kiểm kê, nghiên cứu và được Bộ Văn hóa thể thao du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ khai Ấn đầu xuân tại Đền Trần, tỉnh Nam Định diễn ra vào giờ Tý đêm 14 rạng ngày 15 Tháng Giêng. Rằm Tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu, là tuần trăng đầu tiên của một năm. Theo tư duy của cư dân nông nghiệp lúa nước thì ngày này có ảnh hưởng đến công việc của cả năm. Còn giờ Tý là thời điểm chuyển giao giữa ngày cũ sang ngày mới, trong thập nhị chi thì chi Tý đứng đầu. Với tư duy như vậy nên Lễ khai Ấn đầu xuân có ý nghĩa chấm dứt những ngày nghỉ tết, bắt đầu công việc của một năm mới.

Trước kia, Lễ khai Ấn chỉ diễn ra trong phạm vi làng Tức Mặc, số người tham dự ít, vì vậy các lá Ấn được phát ngay tại buổi lễ. Những năm gần đây, do lượng khách tham dự và có nhu cầu xin lá Ấn quá đông, các lá Ấn được đóng dấu từ trước, đựng trong hòm gỗ sơn son. Khi tiến hành lễ Khai ấn, các hòm ấn được dâng lên ban thờ các vua, việc khai ấn chỉ đóng một số lá mang tính tượng trưng, sau đó hòm ấn được chuyển ra ngoài phát cho nhân dân tham dự.

Lá Ấn Đền Trần có đóng 3 ấn, gồm: “Trần Miếu tự điển”: tức điển lệ thờ tự tại miếu nhà Trần, “Tích phúc vô cương”: tức ban phúc lộc dài lâu mãi mãi và “Trần Miếu”: tức Miếu nhà Trần. Như vậy Ấn “Trần Miếu tự điển” không phải là ấn hành chính vì nó không gắn với một đơn vị hành chính hay chức quan nào, mà chỉ mang ý nghĩa về điển lệ thờ tự ở miếu nhà Trần.

Tuy nhiên do Lễ khai Ấn diễn ra vào giờ thiêng, lá Ấn được đóng vào giờ thiêng, trong một không gian thiêng nên dân gian quan niệm, khi có Ấn Đền Trần cũng như lộc Vua, lộc Thánh ban cho để hy vọng có sự che chở, phù hộ trong cuộc sống.

Nhu cầu tham gia các nghi lễ có tính chất tâm linh cùng ước nguyện các thế lực siêu nhiên phù hộ là chính đáng, có ở bất cứ ai không kể sang hèn. Tuy nhiên, nên hiểu theo nghĩa, cầu ước để cống hiến, để phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông xưa mà miệt mài trau dồi tri thức, sức khỏe, giữ tâm sáng, làm việc thiện để xã hội tốt đẹp lên.

Ấn đền Trần sẽ là ấn đem lại nhiều niềm vui, hạnh phúc khi mỗi người đến với đền Trần gạt bỏ những toan tính lợi lộc, hiểu đúng giá trị đích thực và đúng với tâm của người đi lễ .

3. Công an Nam Định góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của các lễ hội đầu xuân

Vào ngày làm việc đầu tiên của năm mới, trong khi mọi người còn đang hẹn hò du xuân thì cán bộ chiến sỹ Công an Nam Định lại trắng đêm với lễ hội chợ Viềng. Mặc dù, thời điểm chính thức diễn ra phiên chợ là vào đêm mùng 7 rạng sáng ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch, vậy nhưng từ mùng 5 tết, các hộ kinh doanh đã đến chợ trưng bày hàng hóa.

Và từ sáng ngày mùng 6 tết, du khách từ nhiều tỉnh thành đã đến chợ du xuân. Mấy năm gần đây, lượng du khách về dự chợ Viềng và du xuân năm sau đều cao hơn năm trước khiến cho nạn ùn tắc giao thông luôn rình rập, áp lực ANTT luôn đè nặng lên lực lượng công an, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông.

Để an toàn cho khách du chợ, đồng thời tạo ấn tượng đẹp về một phiện chợ cầu may đầu năm của mảnh đất Nam Định văn hiến, hàng năm, Giám đốc Công an tỉnh đều tăng cường hàng trăm CBCS cùng Công an 2 huyện Nam Trực, Vụ Bản triển khai các phương án phân luồng giao thông, thắt chặt an ninh từng phút giây.

Theo phân công nhiệm vụ, lực lượng CSGT, cảnh sát cơ động Công an tỉnh sẽ đảm nhận an ninh, ATGT tại vòng ngoài. Còn vòng trong, tại các đền, phủ và chợ, nhiệm vụ giữ gìn ANTT do Công an 2 huyện Vụ Bản, Nam Trực và công an xã nơi diễn ra phiên chợ đảm trách.

Lực lượng công an có mặt tại tất cả các trục đường dẫn vào chợ Viềng. Các chiến sỹ công an đứng giữa 2 làn đường để phân luồng giao thông. Càng về đêm, du khách về dự chợ càng đông thêm, song các anh đều kiên trì bám chốt trọn đêm mùng 7 đến hết ngày mùng 8 để lễ hội chợ Viềng diễn ra an toàn.

Khép lại 2 ngày trắng đêm với lễ hội chợ Viềng, Công an Nam Định lại tiếp tục trắng đêm với lễ khai Ấn đền Trần đầu xuân vào đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Vấn đề được quan tâm nhiều nhất là đảm bảo đêm khai Ấn diễn ra trang nghiêm theo đúng nghi thức truyền thống, giao thông được thông suốt và an toàn cho du khách về dự lễ.

Với mục tiêu đó, mỗi dịp khai Ấn đầu xuân, Giám đốc Công an tỉnh đều huy động hơn 2.000 CBCS, tạo thành 5 vòng bảo vệ với 23 chốt, nhiều tổ đảm bảo an ninh và tuần tra giải quyết giao thông trật tự trong suốt thời gian diễn ra lễ khai Ấn.

Theo Giám đốc Công an tỉnh Nam Định, Thiếu tướng Đặng Văn Sinh cho biết: Mọi nỗ lực giữ gìn an ninh, an toàn các lễ hội đầu xuân của cán bộ chiến sỹ Công an Nam Định đều nhằm mục tiêu cao nhất là góp phần gìn giữ giá trị truyền thống và phát huy nét đẹp văn hóa của các lễ hội đầu xuân trên địa bàn tỉnh.

Qua thực tiễn công tác bảo vệ ANTT các lễ hội đầu xuân cho thấy, để Lễ hội chợ Viềng và Lễ khai Ấn Đền Trần Nam Định diễn ra an toàn, trang nghiêm, chỉ nỗ lực của Công an Nam Định là chưa đủ. Mà rất cần sự chung sức của du khách thập phương. Chỉ cần đi chậm lại một chút, nhường nhau một chút, gửi xe đúng nơi quy định thì giao thông sẽ luôn thông suốt, an ninh được đảm bảo và các lễ hội đầu xuân của tỉnh Nam Định sẽ lưu lại ấn tượng đẹp.

BÍCH MẬN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông