15:24 11/02/2025 Sáng 11/3, tại Khu di tích lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia Đền – Chùa Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Minh Thề-Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia Xuân Ất Tỵ năm 2025. Dự lễ khai mạc có các đồng chí: Đặng Bá Cường-Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng Ban Nội chính Thành uỷ; Trịnh Văn Tú-Phó Giám đốc Sở VH&TT, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Kiến Thuỵ
Tương truyền, làng Hòa Liễu xưa kia là vùng đất hoang đầy lau sậy, chỉ có chim trời trú ngụ. Khi người dân đến khai hoang lập ấp, đặt tên là "Lan Điểu" (đọc lệch là Lan Niểu) với ý nghĩa "Chim phượng hoàng đậu cành lan, hương thơm dịu mát" ngụ ý tôn vinh nơi đất lành chim đậu.
Từ cuối thế kỷ 13, trên vùng đất đầy ắp các tục lệ văn hóa này, chùa Hòa Liễu được xây dựng với tên Thiên Phúc Tự, là một trong những chùa tháp tráng lệ của phủ Dương Kinh xưa. Đến triều Mạc giữa thế kỷ 16, Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (trong văn tế cúng là Vũ Thị Ngọc Toản)-vợ của Thái Thượng Hoàng Mạc Đăng Dung) đến ấp Lan Niểu (Làng Hòa Liễu ngày nay), thấy đồng đất chua mặn, nghèo khó nhất vùng, đã bỏ tiền của, làm chủ hưng công, vận động 35 vị Hoàng Thân Quốc Thích, quan lại cấp cao triều đình nhà Mạc góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ.
Ngoài việc trùng tu chùa, làm mới tượng Phật, Thái Hoàng Thái Hậu xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào 2 thước ruộng cúng Tam Bảo. Sau này, nhiều người noi gương cũng tậu ruộng cúng Chùa lên tới 47 mẫu 3 sào 8 thước, dân quen gọi là ruộng nhà Thánh điền....
Diện tích đất này, một phần để nhà chùa cấy, một phần để chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc và cấp cho những gia đình binh lính giải quyết khó khăn, số dư ra cho cấy đấu thầu thu hoa lợi làm của công làng, lập quỹ nghĩa thương...
Điều đặc biệt trong hệ tư tưởng phong kiến thần quyền lúc đó là vào năm 1561, Thái Hoàng Thái Hậu và dân làng lập ra Hịch văn Hội Minh Thề, với những giá trị lớn lao về đạo đức, lối sống, phép tắc ứng xử trong cộng đồng. Bài hịch rất ngắn gọn, súc tích, quy định trực tiếp những điều được làm, phải làm và những điều không được làm cho tất cả các thành phần từ Hương chức đến Dân thôn.
Hịch văn định rõ: "Nếu lấy của công làm việc công được thần linh ủng hộ. Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công về làm của tư, nguyện cầu thần linh đả tử. Trên từ cụ gia, dưới đến 18 tuổi ở dân thôn, trong làng vườn tược buồng cau, trái chuối, ngoài đồng lúa mạ, hoa màu, mọi người đều chính trực, không tham lam vơ vét. Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử".
Cái độc đáo của Hịch văn Minh Thề là gắn liền những quy phạm cuộc sống đời thường với yếu tố tâm linh. Những ý tưởng nhân văn của Hịch Văn vì thế mà thấm sâu vào tâm thức, máu thịt của mỗi người dân, không chỉ xưa kia mà cho đến ngày nay còn tỏa sáng.
Cảm nhận sâu sắc giá trị của Hịch văn Hội Minh Thề, đời Vua Tự Đức triều nhà Nguyễn năm thứ 6 (1853), đời Vua Duy Tân năm thứ nhất (1901) đều đã có sắc chỉ phong làng Hòa Liễu là Hoàng Làng. Đáng chú ý, gần một thế kỷ thực dân Pháp đô hộ Việt Nam nhưng không phủ nhận Hịch văn hội Minh Thể, mà còn cảm nhận giá trị sâu sắc của "Văn minh Hịch hội".
Từ đó cho dịch nội dung Hịch văn Hội Minh Thề ra tiếng Pháp để lưu truyền. Bởi vậy, Hịch văn Hội Minh Thề ra đời, đi vào đời sống và được người dân Hòa Liễu, xã Thuận Thiên gìn giữ, tuân thủ, duy trì suốt nhiều thế kỷ như viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa truyền thống của người dân địa phương.
Trải qua biến cố, thăng trầm lịch sử, Hội Minh Thề dần bị mai một. Sau khi cụm Di tích Đền - Chùa Hòa Liễu được Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba và công nhận Di tích Lịch sử Văn hóá cấp Quốc gia (năm 1993), Nhân dân địa phương tổ chức Hội làng vào dịp đầu xuân để tưởng nhớ công ơn trời biển của Thái Hoàng Thái Hậu và bắt tay vào phục dựng Lễ hội truyền thống.
Sau nhiều năm bị gián đoạn, năm 2002 Hội Minh Thề chính thức được khôi phục trên nền cốt của hội Minh Thề xưa.
Với giá trị và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Hội Minh thề, ngày 8/5/2017 Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 1852 công nhận Hội Minh Thề của làng Hòa Liễu là Di sản Văn hoa phi vật thể Quốc gia.
Có thể nói, trong tiến trình lịch sử, Hịch văn Minh Thề trở thành một hệ tư tưởng mở, luôn bồi đắp thêm những giá trị mới cho phù hợp, có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương. Đồng thời phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người được kế tục qua nhiều thế hệ, có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài, được cộng đồng đồng thuận và cam kết bảo vệ.
Thông qua Lễ hội, người dân làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên bày tỏ sự biết ơn đến Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn-Người có công lao với làng xã, xây dựng mở mang chùa chiền trong vùng, luôn chở che, phù hộ để nhân dân gửi gắm ước vọng cuộc sống no đủ, hạnh phúc.
Hoạt động Lễ hội mang những giá trị sâu sắc, độc đáo, đặc biệt có tính thời sự về xây dựng trật tự, kỷ cương, tinh thần thượng tôn pháp luật, phòng chống tham nhũng lãng phí cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Qua đó giáo dục, định hướng nhân cách sống, phẩm chất đạo đức trung thực, chí công vô tư.
Đây cũng là sợi dây kết nối tình làng nghĩa nước, tình yêu thương đùm bọc, tinh thần tương thân tương ái trong xã hội, trong cộng đồng làng xã, làm phong phú thêm nét đẹp Văn hóa của miền quê đất Cảng.
Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia Đền - Chùa Hòa Liễu, nằm trong cụm Di tích Vương triều Mạc, ngày 17/1/2025 Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Thành Long, đã ký Quyết định số 152 công nhận xếp hạng Di tích Đền - Chùa Hòa Liễu nằm trong cụm Di tích Nhà Mạc ở Dương kinh là Di tích Quốc gia Đặc biệt.
Đó không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ của di tích mà còn là sự ghi nhận công lao của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Thuận Thiên nói chung, thôn Hòa Liễu nói riêng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Đền - Chùa Hòa Liễu là cụm di tích với những giá trị tiêu biểu và quan trọng, là một trong 5 di tích trên địa bàn huyện Kiến Thụy được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt.
Trình bày diễn văn khai mạc, Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên - Phạm Văn Tài nhấn mạnh: Đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta ngàn năm để lại, chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thuận Thiên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hơn nữa giá trị của Di tích Quốc gia Đặc biệt Đền - Chùa Hòa Liễu, nơi có Lễ Hội "Minh Thề" đến các tầng lớp nhân dân, du khách trong và ngoài nước; khai thác, phát huy hiệu quả giá trị di tích đi đôi với bảo tồn, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.
UBND xã xây dựng quy chế, cụ thể hóa kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị Đền và chùa Hòa Liễu tương xứng với di tích Quốc gia Đặc biệt, để Đền và chùa Hòa Liễu luôn là nơi gắn kết cộng đồng, nơi bảo tồn, giao lưu văn hóa, là điểm đến ấn tượng của huyện Kiến Thụy và thành phố Hải Phòng.
Coi đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Là sức mạnh nội sinh, để Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Thuận Thiên phát huy sức mạnh đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh.
Lễ hội Minh Thề năm nay diễn ra trong 3 ngày (Ngày 11, 12, 13/2/2025 - Tức ngày 14, 15, 16 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Ngay sau phần lễ sẽ có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức trong 3 ngày diễn ra lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoạn.
KC
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Căn cứ để xác định nạn nhân
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu
Đặc sắc Lễ hội Minh Thề - Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia Xuân Ất Tỵ 2025
Sẵn sàng cho Lễ đón danh hiệu Cụm di tích quốc gia đặc biệt Từ Lương Xâm
Khai mạc Hội thi Truyền thống Vật Dân tộc thời Mạc lần thứ IV năm 2025
Nhựa Tiền Phong: Cầu nối yêu thương - trao mơ ước, nối niềm tin