Dịch vụ vui chơi cho trẻ - cần sự đầu tư xứng tầm

15:19 28/05/2022

Theo thông lệ, dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6 hàng năm cũng là thời điểm học sinh các trường phổ thông trên địa bàn thành phố nghỉ hè. Nhưng vấn đề đặt ra là, các em sẽ làm gì, chơi ở đâu, khi vấn đề sân chơi cho trẻ của thành phố vẫn là điều bất cập, trở thành bài toán khó cho cả các bậc phụ huynh và nhà đầu tư dịch vụ.

Một góc khu dịch vụ vui chơi cho trẻ trong khuôn viên Cung văn hóa thiếu nhi thành phố

          Cách đây vài chục năm, có thể nói Hải Phòng có cơ sở hạ tầng vui chơi giải trí cho mọi tầng lớp nói chung và trẻ em nói riêng đáng để nhiều địa phương mơ ước, khiến mảng dịch vụ này thực sự trở thành một tiểu ngành trong không gian kinh tế thành phố.

          Quá trình đầu tư xã hội hóa đã giúp thành phố có nhiều tụ điểm vui chơi, đem đến diện mạo mới lạ từ công nghệ cao, mà những điểm đến như vườn hoa Kim Đồng, Cung văn hóa Thiếu nhi, vườn hoa Ngã 5 Kiến An, Công viên Rồng Biển, khu trải nghiệm “Nhà cánh diều”… một thời hằn sâu trong ký ức trẻ thơ. Cùng hàng loạt các dịch vụ vận động thể thao như nhà trượt pa-tanh, các CLB võ thuật, nhà bóng, nhà phao, bóng bi, bóng bàn, bể bơi… rộ lên ở các trung tâm văn hóa, thể thao từ nội đến ngoại thành.

          Đó là câu chuyện của nhiều năm trước, còn thời gian gần đây, mảng thị trường dịch vụ cho trẻ em đã co cụm dần. Những khu vực vui chơi truyền thống đã được chuyển hóa sang dạng hình sinh hoạt cộng đồng khác, ngay cả “chiến lũy” nổi tiếng bậc nhất là vườn hoa Kim Đồng cũng được cải tạo, giờ đây cơ bản phù hợp với hoạt động của người lớn.

Trao đổi với một số người từng tham gia dịch vụ này, có nhiều nguyên nhân được đưa ra, trong đó có nguyên nhân về thiết bị dịch vụ, khi mọi thứ nhanh chóng lạc hậu trước tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ giải trí thế giới.

          “Nhiều thiết bị công nghệ mới muốn thu hút trẻ nhỏ đòi hỏi diện tích lớn, đầu tư vốn cao, mà hiện điều này gần như nằm ngoài khả năng của những nhà đầu tư truyền thống” – bà Nguyễn Thị T., chủ một cơ sở dịch vụ cũ ở vườn hoa Kim Đồng chia sẻ.  Cũng liên quan đến vườn hoa Kim Đồng, kể từ khi các dạng hình dịch vụ vui chơi cho trẻ được quy quy hoạch lại, chuyển về khuôn viên Cung văn hóa Thiếu nhi, hoạt động rất èo ọt.

Bởi lẽ đầu tư manh mún, trò chơi không mới, nhưng chủ đầu tư lại muốn thu hồi vốn nhanh, khiến giá dịch vụ lên cao không thu hút được khách. Thời gian qua, một phần diện tích khu vực này lại được cải tạo thành công viên, hoạt động dịch vụ cho trẻ em cũng bị ảnh hưởng.

Trẻ em trải nghiệm tại một khu dịch vụ cộng đồng do tư nhân đầu tư

          Chị Hoàng Thị M., một phụ huynh ở quận Ngô Quyền chia sẻ, Chủ nhật vừa rồi khi các con chị đã thi xong, chị cho các cháu đến chơi ở tụ điểm dịch vụ Cung văn hóa Thiếu nhi. Nhưng các cháu không mấy hào hứng, bởi không gian hẹp có phần bí bách, một số dạng hình đã quá lạc hậu.

Theo chị M., còn một nguyên nhân rất quan trọng nữa, đó là sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong lĩnh vực giải trí, sự ra đời liên tiếp với các thế hệ trò chơi điện tử khác nhau, từ dịch vụ Internet-game công cộng đến máy tính tại gia và Smarphone, với sức hấp dẫn của nó đã góp phần cộng hưởng, bóp chết các ngành dịch vụ truyền thống.

          Người bỏ tiền chơi đã gặp khó, người làm dịch vụ xem ra còn khó hơn. Một chủ sân ô tô điện ở khu dịch vụ than rằng: “Tôi làm nghề này sớm, nhưng vì xe của mình cũ lại ở vị trí xấu nên giờ không cạnh tranh được, chỗ khác chật quá họ mới đến chỗ mình…”.

Có lẽ vì lý do tế nhị nên ông chủ này không tiết lộ giá thuê mặt bằng, nhưng theo ông phân tích thì với mức phí thu như hiện nay, may lắm thì đủ chi phí nhân công, chưa nói đến chuyện khác. Vì làm nghề này mang nhiều tính thời vụ, tính ra cả năm thì dài rộng, nhưng thời gian hoạt động thực tế chẳng được bao nhiêu, tổng doanh thu thấp cũng là dễ hiểu.

          Nhìn vào tổng thể, nói Hải Phòng thiếu vắng sân chơi cho trẻ cũng chưa hẳn đúng. Trên thực tế, tại các trường học mầm non và bậc tiểu học, những năm gần đây nhờ nguồn ngân sách và xã hội hóa, không gian các sân trường được cải tạo, nâng cấp khá mạnh mẽ.

Điều quang trọng là phải đem đến cho trẻ sự vô tư, thoải mái sau thời gian nặng tải vì học tập

Có thế thấy ở bất cứ trường học nào thuộc hai cấp này cũng có những thiết bị giải trí khá tốt như cầu trượt, đu quay, vườn cổ tích… Mặc dù vậy, đến nay mảng đầu tư này cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu cho trẻ trong năm học, còn vào dịp hè rất khó đưa vào dịch vụ, một phần vì không gian hẹp, một phần vì đầu tư chưa đến tầm, một phần vì cơ chế.

Ở góc độ khác, Hải Phòng cũng đã và đang có nhiều nhà đầu tư lớn vào mảng dịch vụ du lịch nói chung và khoảng riêng dành cho trẻ em nói riêng. Có thể kể như không gian thuộc Hon Dau Resort khu du lịch Đồ Sơn, khu trải nghiệm Hai Bà Trưng ở quận Dương Kinh hoặc một số điểm sinh hoạt cộng đồng khác.

Nhưng chi phí cho các dịch vụ này không hề nhỏ, theo anh Lê Văn D., một phụ huynh khác ở quận Lê Chân, thì để cho các con chơi thoải mái ở những điểm này, cộng với tiền ăn uống phải mất tiền triệu cho mỗi chuyến. Vì vậy đây không thể coi là sân chơi mà là vấn đề sự kiện, may ra mỗi năm nhà có điều kiện mới được một lần.

Hoặc như chị Vũ Thu T., phụ huynh có con đang học ở một trường THCS trên địa bàn quận Ngô Quyền chia sẻ, mới đây con gái chị tham gia chuyến đi trải nghiệm tại khu dịch vụ B.S (huyện Kiến Thụy) do Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức, nhưng cả phụ huynh và học sinh đều thất vọng.

Bởi điểm dịch vụ này chỉ hợp cho người lớn “check in” còn lại đa số không hợp với trẻ em, khi mà khu vui chơi chưa được phép hoạt động, trong khi chi phí lại quá đắt so với chất lượng dịch vụ. “Tiền vé vào khu dịch vụ 150 nghìn đồng/cháu, tiền ăn 380 nghìn đồng/bữa/cháu, tiền nghỉ một lát buổi trưa mỗi cháu cũng mất 100 nghìn đồng, chưa kể tiền xe trích từ quỹ lớp…” – chị DT. cho biết.

Ở một diễn biến liên quan, mỗi khi hè về một số gia đình thường cho con vào các CLB chuyên đề như thể thao, võ thuật, âm nhạc, bơi lội… Nhưng ngay cơ sở phục vụ như Cung văn hóa thiếu nhi và hệ thống các nhà văn hóa quận, huyện hiện khó đáp ứng hết nhu cầu của học sinh.

Còn các tụ điểm du lịch dù thành phố có khá nhiều, nhưng không thể đáp ứng nhu cầu thường xuyên cho trẻ em, hơn nữa đây cũng chỉ là phân khúc chủ yếu dành cho những gia đình dư dả, còn lại phần lớn các gia đình nghèo đành để con cái mình “trôi tự do”.

          Thiết nghĩ, dịch vụ sân chơi trẻ vừa là thị trường nhưng cũng là một ngành khoa học giáo dục, việc quan tâm định hướng có ý nghĩa rất quan trọng cho tương lai của trẻ, rất cần sự đầu tư xứng tầm. Tiếc rằng, trong khi các công trình dành cho người lớn đang tưng bừng, thì sân chơi cho trẻ em ngày càng lâm vào tình cảnh yếu kém. Nhất là vào thời điểm này, khi tiếng trống hè đã điểm.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông