Điều kỳ diệu từ cầu Nguyễn Trãi

18:46 26/07/2022

Kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố khóa 16 đã nhất trí thông qua nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư (lần 2) dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi. Đây là sự cân nhắc, điều chỉnh cần thiết để bảo đảm dự án có tính khả thi cao và có nhiều thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện. Theo sự điều chỉnh này, tổng mức đầu tư của dự án tăng từ 5.375 tỷ đồng lên 6.331 tỷ đồng, tăng hơn 956 tỷ đồng nhưng mang tính thuyết phục cao và nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của HĐND thành phố.

 

Cây cầu mơ ước

 

Bắc qua sông Cấm, Hải Phòng đã có những cây cầu mang dấu ấn lịch sử khác nhau và đều khắc ghi từng giai đoạn phát triển của thành phố như cầu Kiền, cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ… Trong giai đoạn phát triển mới, Hải Phòng cần có nhiều hơn những cây cầu bắc qua sông Cấm và cầu Nguyễn Trãi là niềm mơ ước, là sự trăn trở từ lâu của các thế hệ lãnh đạo thành phố nay đã chính thức được triển khai, mang lại niềm vui và sự phấn khởi, tự hào cho người dân thành phố.

Đây cũng là thời điểm thuận lợi nhất để thực hiện dự án vì khu đô thị mới; khu trung tâm chính trị - hành chính; khu trung tâm hội nghị - biểu diễn bắc sông Cấm đang được xúc tiến vô cùng khẩn trương, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Thành phố mới Thủy Nguyên cũng đang được kỳ vọng sẽ hình thành trong năm 2025. Bởi vậy, cầu Nguyễn Trãi là yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển của Hải Phòng.

 

Theo mục tiêu đề ra, cầu Nguyễn Trãi sẽ gánh trên mình sứ mệnh là trục kết nối khu đô thị hiện hữu vói khu đô thị mới bắc sông Cấm và các khu công nghiệp như: VSIP, Phà Rừng, Minh Đức, Đình Vũ...; rút ngắn cự ly vận chuyển hàng hóa tới Cảng hàng không quốc tế Cát Bi cũng như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; quốc lộ 10; quốc lộ 18…, mở ra những dư địa phát triển mới vô cùng rộng mở cho huyện Thủy Nguyên và thành phố Hải Phòng.

 

                                                            Một trong những phương án kiến trúc của cầu Nguyễn Trãi   

Điều đáng nói, cầu Nguyễn Trãi là cây cầu mơ ước nhưng lại là nỗi trăn trở lớn của thành phố bởi tổng kinh phí đầu tư quá lớn. Đã có lúc, thành phố tính tới phương án vay vốn nước ngoài để thực hiện.

Nhưng như thế cũng có nghĩa là phải chấp thuận nhà thầu nước ngoài thực hiện; nguyên vật liệu cũng sẽ do nước ngoài cung cấp là chủ yếu. Bởi thế, từ nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15, Hải Phòng nung nấu quyết tâm xây dựng cầu bằng chính nội lực của mình. Và điều đó bây giờ đã trở thành hiện thực. Đây mới chính là niềm tự hào lớn lao của người dân thành phố.

Xứng tầm đô thị Hải Phòng

Với ý nghĩa đó, dự án cầu Nguyễn Trãi với những điều chỉnh hợp lý lần này sẽ là cây cầu kết cấu vĩnh cửu vượt sông Cấm với chiều dài 1,45km; bề rộng cầu chính khoảng 26,5m; cầu dẫn 23,5m; gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp; xây dựng cầu nhánh xuống đường Lê Thánh Tông… 

                                                               Một trong những phương án kiến trúc của cầu Nguyễn Trãi

Cùng với đó, thành phố sẽ mở rộng đường Nguyễn Trãi từ 18m hiện tại lên 41,5m. Trong đó, mặt cắt của đường dẫn cầu Nguyễn Trãi rộng 23,5m; lòng đường gom hai bên cầu đoạn có tường chắn và dưới gầm cầu rộng 7,5m, vỉa hè hai bên đường 1m, dải cây leo trang trí dọc tường chắn hai bên 0,5m; lòng đường gom 2 bên cầu đoạn không có tường chắn rộng 6m, vỉa hè hai bên rộng 3m, kết nối với đoạn tuyến hiện tại có bề rộng khoảng 50,5m.

Không những thế, thành phố còn xây dựng đường ven sông nối từ cầu Hoàng Văn Thụ tới nút giao giữa đường Ngô Quyền và Lê Lai với chiều dài khoảng 2,3km, bề rộng nền đường 28m và 40m; xây dựng tuyến đường kết nối giữa tuyến đường ven sông trong dự án với đường Hoàng Diệu. Như vậy, cảng Hoàng Diệu sẽ phải di dời bao gồm cả khu cảng trong phạm vi từ đường Hoàng Diệu, Lê Thánh Tông tới bờ sông Cấm và cả khu ga đường sắt trước Cảng.

Với quy mô và cách làm như vây, cầu Nguyễn Trãi có quy mô lớn hơn, bề thế hơn, cùng với các tuyến đường trong phạm vi dự án tạo nên tính kết nối liên hoàn, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu phát triển của cả khu vực đô thị cũ và đô thị mới của Hải Phòng, xứng tầm sự phát triển đột phá của thành phố trong thời gian tới.

Điều làm người dân thành phố Hải Phòng hân hoan hơn cả là cầu Nguyễn Trãi được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thành phố là chủ yếu (4.639 tỷ đồng), còn lại 1692 tỷ đồng là vốn ngân sách Trung ương. Theo ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, dự án vừa xây dựng cầu qua sông Cấm, vừa chỉnh trang đô thị vùng phụ cận.

Vì thế, Ban đã đề xuất chia thành 2 dự án thành phần gồm xây dựng công trình (tổng mức đầu tư 4.416 tỷ đồng) và thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (tổng mức đầu tư 1.915 tỷ đồng). Tách ra như vậy sẽ phù hợp với điều kiện thực tế và thuận lợi hơn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Cũng theo ông Đỗ Tuấn Anh, dự kiến dự án sẽ khởi công năm 2023; hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2024. Hiện phương án thi tuyển kiến trúc lần 2 đã hoàn tất. Ban quản lý dự án đang tổng hợp, báo cáo UBND thành phố phê duyệt phương án kiến trúc tối ưu nhất, đẹp nhất, được cộng đồng dân cư đánh giá cao nhất.

Thành phố cũng đang xem xét phân kỳ bố trí vốn thực hiện dự án, bắt đầu từ năm 2022. Như thế, dự án cầu Nguyễn Trãi đang đi đúng đường găng tiến độ và nhất định sẽ tạo nên một dấu ấn mới, một biểu tượng phát triển mới; sẽ tạo nên nhiều điều kỳ diệu cho thành phố Hải Phòng trên con đường thực hiện nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, trở thành thành phố hiện đại, ngang tầm các đô thị lớn của Đông Nam Á trong tương lai gần.

                                                                                                                                            Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông