Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Cảnh sát cơ động

16:06 19/04/2022

Sáng ngày 19-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Đồng chí Lã Thanh Tân, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở ngành thành phố liên quan.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng Lã Thanh Tân phát biểu tại hội nghị

Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động có 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trên cơ sở văn bản trình của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức lấy ý kiến đối với 15 nội dung trong dự thảo luật còn có quan điểm khác nhau, như về giải thích từ ngữ; về vị trí, chức năng, phạm vi, nguyên tắc hoạt động của Cảnh sát cơ động; về xây dựng Cảnh sát cơ động; về nhiệm vụ, quyền hạn, biện pháp công tác, điều động, phối hợp, trang bị, chế độ chính sách… của Cảnh sát cơ động.

Đại tá Lương Công Thành, Trưởng Phòng trinh sát, BCH Bộ đội biên phòng Hải Phòng phát biểu ý kiến tại hội nghị

Tại hội nghị, các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với bố cục, nội dung dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, cho rằng dự thảo luật đã trải qua nhiều lần tham gia ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu cho lực lượng Cảnh sát cơ động thực thi nhiệm vụ. Riêng với Điều 2 (giải thích từ ngữ) của dự thảo luật, các đại biểu đề nghị chọn phương án 1, giữ lại Điều 2, khoản 1, quy định: “Biện pháp vũ trang là cách thức, phương pháp sử dụng sức mạnh tinh thần, thể chất, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ”. Bởi lẽ, “biện pháp vũ trang” tuy đã được quy định trong Luật CAND, Luật An ninh mạng và một số luật khác, nhưng đều chưa có giải thích cụ thể.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta quy định nhiều lực lượng sử dụng biện pháp vũ trang, nhưng mỗi lực lượng có phương pháp, cách thức, quy mô, cấp độ áp dụng khác nhau. Do đó, lựa chọn phương án 1, tức là giữ lại Điều 2, khoản 1, dự thảo luật quy định về “biện pháp vũ trang” của lực lượng Cảnh sát cơ động là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật, phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phương pháp, cách thức, mức độ sử dụng biện pháp vũ trang của Cảnh sát cơ động, không điều chỉnh chung với các lực lượng khác có sử dụng biện pháp vũ trang…

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng Lã Thanh Tân cảm ơn, trân trọng tiếp thu các ý kiến phát biểu của đại biểu để tập hợp, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trình kỳ họp Quốc hội trong thời gian tới.

THẾ KHOA

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông