10:24 13/10/2019 Đánh giá về kết quả của du lịch Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND TP – Trưởng ban chỉ đạo phát triển du lịch thành phố Lê Khắc Nam nêu rõ. Du lịch Hải Phòng đang trở mình mạnh mẽ với mục tiêu vươn ra biển lớn, sống với biển và làm giàu từ biển, khẳng định hướng đi đúng đắn là củng cố, phát triển kinh tế để làm nền tảng cho ổn định quốc phòng an ninh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
“Trường Thành Farm”, mô hình du lịch cộng đồng ở huyện An Lão
Nhưng bên cạnh đó, nhìn về tổng thể thì du lịch Hải Phòng còn nhiều việc phải làm, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, còn tụt hậu nhiều so với các địa phương khác.
Cụ thể là hiệu quả kinh tế du lịch thấp, cơ cấu và tỷ trọng du lịch trong nhóm ngành dịch vụ còn nhỏ bé, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ. Sản phẩm du lịch mới chỉ dựa trên khai thác giá trị sẵn có, chưa độc đáo, hấp dẫn, bắt kịp xu hướng và nhu cầu thị hiếu của du khách.
Đáng chú ý là Hải Phòng chưa phát huy được vai trò phát luồng khách du lịch đến bằng đường biển, hàng không của cả vùng. Những hạn chế này cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra trong một buổi làm việc với lãnh đạo thành phố.
Nhìn về góc độ du lịch biển, một trong những yếu tố hạn chế hiện chưa có lời giải là tính mùa vụ, vì đặc thù của các khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng nghiêng về mùa hè, nên gần tiềm năng chỉ được khai thác phân nửa.
Chưa kể đi sâu vào chi tiết, bên cạnh những bất cập về năng lực lưu trú, chất lượng và giá cả dịch vụ, thì các cơ sở vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm ở Hải Phòng còn manh mún, hệ thống chợ phần nhiều hỗn độn, không đủ đề thỏa mãn yêu cầu phục vụ khách du lịch.
Mặt khác, thành phố cũng chưa thực sự chú ý đến thương hiệu văn hóa ẩm thực trong du lịch, vốn dĩ nhiều nơi đã khai thác rất hiệu quả.
Nhìn ở chiều ngược lại, quá trình phát triển hạ tầng du lịch nói riêng và hạ tầng kinh tế nói chung đặt ra cho Hải Phòng một bài toán nan giải về tính bền vững, khi xung đột giữa phát triển và bảo tồn đang hiện hữu.
Dù được đầu tư mạnh mẽ về vật chất, nhưng hạ tầng du lịch vẫn dựa trên nền tảng khai thác các yếu tố tự nhiên, mà Cát Bà và Đồ Sơn là điển hình. Trong khi đó, đa dạng sinh học thể hiện dưới dạng hữu hình như rừng, biển, núi, sông và sinh vật cư trú là yếu tố quan trọng bậc nhất đối với du lịch.
Nhưng khi du lịch phát triển, sức ép khai thác sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến giá trị tự nhiên. Có thể thấy rõ, việc mở rộng diện tích phục vụ cho ngành du lịch, tạo ra các cơ sở lưu trú, dịch vụ giải trí đã khiến không gian đa dạng sinh học tự nhiên đang bị thu hẹp.
Đảo Bạch Long Vỹ, điểm nhấn trên bản đồ du lịch biển Hải Phòng
Dù mang lại những lợi ích không thể phủ nhận về kinh tế - xã hội, nhưng xét về mặt bảo tồn đa dạng sinh học, thì sự tổn hại của những dự án quy mô lớn đã làm thay đổi nghiêm trọng kết cấu tự nhiên, chưa kể những ảnh hưởng đến các dòng hạ lưu, khu vực nuôi trồng, khai thác và vùng bãi đẻ thủy sản ven bờ.
Ngoài ra, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch còn mang đến những hệ quả tiêu cực khác. Một trong những tổn thất nặng nề nhất mà các khu du lịch Hải Phòng đang phải gánh chịu, đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường. Theo tỷ lệ thuận, lượng khách tăng, dịch vụ càng tăng thì nguồn thải càng cao, bao gồm cả chất thải rắn và nguồn nước.
Hơn nữa, nhu cầu sử dụng của khách du lịch cũng khiến nguồn thực phẩm tự nhiên bị cạn kiệt, thậm chí bị hủy diệt, thay vào đó người ta phải tái tạo từ nguồn nuôi trồng, nhưng vì phục vụ tại chỗ nên cũng ảnh hưởng môi trường không kém.
Theo kết quả nghiên cứu, những năm qua môi trường biển Hải Phòng suy thoái rất nhanh, việc khai thác bừa bãi ven bờ đã làm tiêu hủy môi trường sinh sản của các sinh vật thủy tự nhiên.
Ở một tài liệu khác, báo cáo cho thấy mỗi năm có hàng nghìn tấn chất thải sinh hoạt, nhiên liệu, cặn dầu, nước rửa tàu lẫn chất thải rắn, mạt kim loại, sơn và các chất tẩy rửa trong quá trình hoạt động thải ra sông, biển. Chưa kể những nguy cơ về biến đổi khí hậu và ô nhiễm lối sống từ du lịch, phá vỡ văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương.
Gần đây, những vấn đề liên quan đến môi trường, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học được thành phố quan tâm nhiều hơn, nhưng quá trình thực hiện chưa thực sự đem lại hiệu quả.
Điều đáng nói là, bản thân việc quy hoạch vùng bờ cũng gặp nhiều lúng túng, mâu thuẫn và manh mún giữa các dự án đan xen công nghiệp – dịch vụ - du lịch - thủy lợi – nông nghiệp – thủy sản – văn hóa xã hội...
Nhiều công trình dự án dở dang không những xâm hại đến giá trị đa dạng sinh học, mà còn làm cho bản đồ du lịch thành phố luôn bị nham nhở.
Mặt khác, thời gian qua trên địa bàn thành phố có khá nhiều mô hình du lịch cộng đồng xuất hiện, nhưng vẫn nặng tính tự phát và chưa rõ ràng cơ chế hoạt động. Đây là một bài toán còn nhiều ẩn số của Hải Phòng.
Nói như vậy, nghĩa là Hải Phòng cần tiếp tục có những đợt rà soát sâu hơn, đánh giá đầy đủ tác động, rút ra những bài học cả thành công và chưa thành công để đề xuất những giải pháp mới.
Đáng mừng là, mới đây trên nền tảng định hướng các Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lực phát triển bền vững kinh tế biển và Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng.
Tại các chương trình hành động, Ban Thường vụ Thành ủy đều xác định rõ, Hải Phòng cần xây dựng du lịch biển có quy mô, tầm cỡ quốc gia, có vị trí trong khu vực theo hướng bền vững, gia trị gia tăng cao.
Hy vọng trong tương lai gần, Hải Phòng sẽ xứng đáng không chỉ là trung tâm du lịch biển của Việt Nam mà còn là điểm đến hấp dẫn mang tầm quốc tế, hòa nhịp vào mục tiêu phát triển mà thành phố đang hướng tới.
Để đạt được điều đó, hơn lúc nào hết, cả thành phố cần chung tay vào cuộc, bởi lẽ mục tiêu sẽ khó có thể thành công nếu nhận thức của cả chính quyền, doanh nghiệp, du khách và nhân dân không đạt được sự đồng thuận.
Lê Minh Thắng
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh