15:56 19/03/2020 Trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, các “kịch bản” ứng phó đã được ngành Du lịch thành phố xây dựng, triển khai với các giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm biến thách thức thành cơ hội...
Du lịch Hải Phòng gặp nhiều thách thức khi lượng khách tiếp tục giảm trong mùa dịch Covid-19
Theo ông Vũ Huy Thưởng-Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng, mục tiêu năm 2020, ngành du lịch Hải Phòng đón và phục vụ trên 10 triệu lượt khách. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do tác động của dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến với thành phố chỉ đạt hơn 1 triệu lượt, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, trong tháng 2, lượng khách chỉ đạt 469.430 lượt, giảm 9,42%. Nhất là lượng khách quốc tế giảm sâu, khoảng gần 16%. Dự kiến, trong tháng 3 khách du lịch tiếp tục giảm.
Hệ quả dẫn đến các hoạt động kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Từ các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú đến các nhà hàng ăn uống, các điểm vui chơi đều vắng khách, doanh thu sụt giảm. Đại diện của Công ty Vietravel Hải Phòng cho biết: Dịch Covid-19 bùng phát đã tác động lớn đến ngành du lịch trong nước. Đối với Vietravel, ngoài việc doanh thu bị giảm mạnh, sẽ chịu thêm chi phí visa, thanh toán cho các đối tác hàng không, khách sạn, nhà hàng, xe vận chuyển… Từ ngày 23-1, công ty đã phải hủy toàn bộ tour đến Trung Quốc và ngược lại. Du khách nếu chọn đến các điểm chưa bị ảnh hưởng của dịch bệnh hoặc sẽ được hoàn tiền 100% giá trị của tour. Hiện công ty đã hủy khoảng 60 đoàn khách Trung Quốc sang Việt Nam với khoảng 1.000 người.
Được biết đến thời điểm này, ngành Du lịch đã xây dựng 3 kịch bản đối phó diễn biến dịch, mỗi thời điểm sẽ có kế hoạch riêng để ổn định thị trường. Để tháo gỡ cho ngành, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Hải Phòng - một trong những thị trường du lịch trọng điểm của miền Bắc ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời để du lịch sớm phục hồi. Trong đó miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các các doanh nghiệp du lịch trong 3 quý đầu năm 2020; giảm 50% thuế VAT vào quý 4 năm 2020 và quý 1 năm 2021; Cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 và đến hết tháng 6 năm 2021. Bên cạnh đó, thành phố giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí trong năm 2020; Giảm giá điện của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch bằng với mức giá điện áp dụng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh khác, đồng thời triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch gồm: giảm suất vay, chậm trả lãi, có các khoản vay ưu đãi mới… Để thu hút du khách, thành phố miễn phí cấp thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ 1-4 đến hết ngày 30-4, mở rộng danh mục các nước, các vùng lãnh thổ có tiềm năng gửi khách du lịch đến Việt Nam được xét cấp thị thực điện tử…
Đáng nói, cũng trong kịch bản hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch, Sở Du lịch Hải Phòng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các hãng hàng không hỗ trợ các đơn vị lữ hành trong việc hoàn tiền hủy vé máy bay do bị hủy nhiều tour nội địa, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia… Các ngân hàng giãn nợ, giảm tiền vay cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, lữ hành, vận tải du lịch, khu du lịch, vui chơi giải trí.
Thời gian tới, sẽ còn vô vàn khó khăn, bởi thế ngoài các chính sách hỗ trợ thì nhiệm vụ trước mắt của ngành Du lịch thành phố là tìm giải pháp kích cầu để khắc phục đà suy giảm này. Hải Phòng đang từng giờ, từng ngày nỗ lực tổ chức phòng, chống dịch hiệu quả. Đối với ngành Du lịch, công tác phòng, chống dịch đang là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu khi tất cả cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm đến được yêu cầu thường xuyên phun khử khuẩn, dọn vệ sinh sạch sẽ, bảo đảm các quy định, các tiêu chí “du lịch an toàn” trong mùa dịch.
Cũng theo ông Vũ Huy Thưởng, trong bối cảnh hiện nay, Sở Du lịch đang vận động các doanh nghiệp liên kết, giảm các loại phí, giá, tạo các chương trình, tour du lịch hấp dẫn, chất lượng cao, giá cả hợp lý để thuyết phục khách hàng. Cùng với đó, Sở tiếp tục triển khai kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch Hải Phòng tại các Hội chợ du lịch trọng điểm tại Hà Nội, Hồ Chí minh; tham gia trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch tại các triển lãm ở các tỉnh, thành khác. Khi công bố hết dịch, đồng thời Sở xây dựng chương trình truyền thông, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức cuộc thi cảm nhận về Hải Phòng trên mạng xã hội. Sở cũng quan tâm đến việc củng cố cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đào tạo, đào tạo lại đối với cấp quản lý, lao động trực tiếp để khi hết dịch, du lịch Hải Phòng có hệ thống cơ sở vật chất, nguồn nhân lực tốt đáp ứng ngay mọi nhu cầu của khách hàng…
Có thể thấy, trước thách thức của dịch Covid-19, ngành Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hải Phòng nói riêng đang nỗ lực hết mình với các giải pháp, “kịch bản” ứng phó, đặc biệt coi đây là thời cơ để ngành tái cơ cấu, thúc đẩy phát triển thị trường tiềm năng. Các đơn vị, doanh nghiệp cũng có dịp nhìn lại mình để hướng tới cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch; tăng cường công tác liên kết; tổ chức quảng bá du lịch một cách bài bản và qua đó nhấn mạnh: Việt Nam, Hải Phòng là điểm đến an toàn, thân thiện với du khách trong và ngoài nước.
Xuân Hạ
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh