Giá gạo tăng – Cơ hội hay thách thức?

22:21 03/10/2019

Khác hẳn với thông lệ hàng năm, khi vụ lúa màu chuẩn bị được được thu hoạch, là lúc giá gạo sẽ giảm do lượng gạo cũ được bán tháo để lấy chỗ cho các loại gạo mới. Nhưng diễn biến năm nay lại có xu hướng ngược lại, trong lúc diện tích lúa ở các huyện đã bắt đầu chín vàng, thì hầu hết các loại gạo trên thị trường đều tăng giá, dù mức tăng chưa phải là đột biến.

Giá gạo trên thị trường Hải Phòng tăng khoảng 5% trong thời gian gần đây

          Cơ hội?

          Khoảng hai tuần trở lại đây, giá gạo trên địa bàn thành phố tăng khoảng 5% so với mức ổn định gần một năm qua.

Cụ thể giá bán lẻ gạo bình dân nhất tại thị trường tự do như BC, Si… tăng từ 13.000 đồng lên 14.000 đồng/kg, gạo Bắc hương Nam Định tăng từ 14.000 đồng lên 15.000 đồng/kg, thóc tăng từ 9.000 lên 10.000 đồng/kg.

Duy chỉ có các loại gạo ngon vẫn giữ giá khá ổn như Hương lài sữa, Tám thơm Điện Biên… và rẻ nhất hiện nay là các loại gạo nguyên liệu như tẻ Q và tấm có giá bình quân 12.000 đồng/kg

Có thể khẳng định, trong bối cảnh thị trường hiện nay thì với mức tăng 5% so với lạm phát chung của cả năm là điều chưa đáng kể, thậm chí gạo còn nằm trong nhóm hàng giảm phát nếu so sánh với giá ít nhất 5 năm trở lại đây.

Hơn nữa, từ lâu các sản phẩm nông nghiệp luôn được nhắc đến như là những mặt hàng cần phải được kích cầu ổn định về giá, đảm bảo cho thu nhập của người nông dân không bị thiệt thòi.

Nên việc tăng giá của gạo thời gian gần đây vẫn được coi là hiện tượng tích cực, phù hợp với yêu cầu của nông nghiệp, khi các chi phí đầu vào như phân bón hóa học, giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật và các sản phẩm hỗ trợ khác đều tăng.       

Theo đánh giá của những người có kinh nghiệm, việc tăng giá gạo hiện nay hoàn toàn do khách quan, nguyên nhân chủ yếu là thiên tai.

Thứ nhất là tình trạng hạn hán đến lũ lụt phức tạp ở miền Nam và miền Trung, khiến cho lượng gạo từ phía Nam ra Bắc giảm đáng kể.

Thứ hai, do càng về cuối năm, lượng gạo thu gom phục vụ cho các hợp đồng xuất khẩu càng lớn, ít nhiều tác động trở lại với gạo lưu thông nội địa.

Thứ ba, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam về sản xuất gạo là Thái Lan đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, nên rất có thể một số khách hàng truyền thống của Thái Lan sẽ phải nhập khẩu thêm gạo từ Việt Nam.

 Thêm nữa, chính sách sử dụng lương thực của Mỹ để sản xuất năng lượng, không những giảm nguồn xuất khẩu gạo của Mỹ, mà còn mở rộng thêm thị trường cho gạo nguyên liệu.

Nghĩa là những nguyên nhân này đang là cơ hội tốt cho người sản xuất gạo Việt Nam?

Vụ lúa mùa đang chuẩn bị được thu hoạch đại trà   

          Và thách thức?

Cơ hội thì đã rõ, giá gạo tăng không những giúp thị trường thêm căn cứ để cân bằng tỷ trọng lạm phát, đời sống người nông dân được cải thiện, mà còn giúp Việt Nam khẳng định vị thế “cường quốc” trong xuất khẩu gạo, từ đó thúc đẩy thuận lợi sản xuất nông nghiệp trong nước.

Theo một số liệu thống kê, tính đến tháng 9 cả nước đạt tổng lượng xuất khẩu khoảng 5,2 triêu tấn gạo, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, nhập khẩu nhiều gạo nhất từ Việt Nam vẫn là Philippines với 36,1% thị phần, tiếp theo là các quốc gia như Úc, Bờ Biển Ngà, Iraq, Hồng Kông, Tanzania, Arab Saudi và Indonesia.

          Mặc dù chiếm vị trí chủ đạo trong nhóm hàng xuất khẩu, tuy nhiên so với những mặt hàng thiết yếu khác, gạo không còn vị trí độc tôn trong việc dẫn dắt giá cả thị trường, mà quyền lực ấy đã thuộc về năng lượng, tiền tệ…

Nhưng nói gì thì nói, gạo là thứ hàng hóa vẫn tiềm ẩn nguy cơ biến động nếu việc kiểm soát thị trường không được áp dụng hợp lý. Xuất khẩu tăng, việc quản lý lỏng lẻo sẽ dẫn đến tình trạng thu gom, đầu cơ, làm giá… điều đã xảy ra gây náo loạn thị trường trong nước cách đây hơn 10 năm trước.

Cụ thể vào thời điểm cuối năm 2008, giá gạo có lúc tăng tới 100%/ngày, nhiều cửa hàng lương thực ở Hải Phòng phải gỡ bỏ bảng giá.

Dù cũng vì lý do gạo bị dồn cho xuất khẩu, nhưng kinh nghiệm của năm 2008 đã thể hiện rõ sự lúng túng của nguồn dự trữ quốc gia, trước phản ứng của thị trường, chưa kể sự buông lỏng hoặc thao túng của một bộ phận quản lý.

Trên thực tế nhu cầu gạo của thế giới rất lớn, khảo sát của chương trình lương thực thế giới (WFP) cho thấy, hiện có khoảng gần 60 quốc gia đâng lâm vào khủng hoảng hoặc đang gặp khó khăn về lương thực.

Những năm gần đây, một số nước sản xuất gạo lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Mỹ đang siết chặt việc xuất khẩu, khiến một phần không nhỏ các hợp đồng được đẩy về phía Việt Nam. Đó là điều kiện tốt, nhưng vẫn nhiều người lo cần phải có biện pháp phòng ngừa bảo đảm an ninh lương thực.

Trở lại với thị trường Hải Phòng, số liệu thống kê của Sở NN&PTNT cho thấy, vụ mùa năm nay cả thành phố đạt diện tích gieo cấy 32.327,3ha, giảm 2.747,8 so với vụ mùa năm trước.

Diện tích gieo cấy lúa giảm do nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân hết sức đáng chú ý là tình trạng nông dân bỏ ruộng ngày càng tăng. Điều tích cực là, trong một số đợt giá gạo biến động, kể cả năm 2008, thị trường gạo Hải Phòng được coi là nằm trong số những địa phương bị ảnh hưởng thấp nhất.

Tuy nhiên, ngoài nhu cầu sinh hoạt, một khối lượng lương thực lớn được điều tiết hỗ trợ ngành chăn nuôi, chế biến thực phẩm khác, nên Hải Phòng vẫn phải nhập gạo từ miền Nam hoặc các địa phương lân cận như Nam Định, Hải Dương, Thái Bình… và cả Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản.

          Diễn biến thị trường hiện chưa có gì phức tạp, nhưng với những thông tin trên, thì có thể thấy gạo đang ẩn chứa nhiều điều, nhất là ở thời điểm nhạy cảm cuối năm.

Rõ ràng chính sách an ninh lương thực là một “quốc kế” cực kỳ quan trọng, nếu không được thường xuyên đưa lên thành thời sự thì hậu quả cũng khó lường.  

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông