Giữ gìn nét đẹp văn hóa chốn tâm linh

09:56 27/10/2022

Có một điều khá mừng là dịp này, tới các đền, chùa trên địa bàn thành phố, người vãng cảnh, đi lễ rất ít còn bắt gặp những hình ảnh không đẹp như: mặc phản cảm, nói năng cư xử thiếu văn hóa, tệ nạn bói toán ở chốn tâm linh. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc tích cực của ngành văn hóa, ban quản lý các di tích và quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của mỗi người dân, du khách…
Quang cảnh ngày thường tại Cây đa mười ba gốc

Khi tự giác được đánh thức

Ông Phạm Đức Thiết Trưởng ban Quản lý các di tích – Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cho biết: “Hiện nay, tại các đền, chùa, miếu mạo, di tích lịch sử - văn hóa hầu như không còn xảy ra tình trạng du khách xô đẩy, chen lấn, thắp hương không đúng quy định, ăn mặc kệch cỡm, chửi tục, gây mất trật tự chốn linh thiêng. Tệ nạn bói toán, lừa gạt lòng tin của du khách cũng đã được giảm thiểu đáng kể do các lực lượng chức năng, trực tiếp là Ban Quản lý quyết liệt vào cuộc xử lý triệt để. Cùng với đó, vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường ở các khu vực này được cải thiện nhiều từ khi ban quản lý bố trí thêm các nhà vệ sinh công cộng và thùng rác. Tuy nhiên, vẫn khó tránh việc người đi lễ hay có thói quen cài tiền vào mâm lễ đã vô tình thu hút kẻ gian đến ăn trộm. Ban Quản lý chúng tôi rất mong du khách và người đi lễ luôn nâng cao cảnh giác, gửi tiền lễ vào các hòm công đức để tránh tình trạng trên và cũng là để giữ gìn sự tôn nghiêm của chốn tâm linh”.

Bên mâm lễ được sửa soạn tươm tất, ông Giang Mạnh Mật 64 tuổi (du khách đến từ Hưng Yên) đi cùng đoàn chia sẻ, đây là lần thứ hai ông đến lễ tại Miếu cây đa mười ba gốc (phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền). Đi đền, chùa xuất phát từ cái tâm của mỗi người nên ông luôn sửa soạn chu đáo nhất có thể từ cách ăn mặc cho đến đồ lễ… để cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp. Mặc dù không phải người Hải Phòng nhưng ông Mật rất yên tâm khi đến đây do ANTT tốt, người dân hòa nhã, các dịch vụ bên cạnh miếu rất văn minh.

Đáng nói, trước đây, thanh niên đến lễ đền, chùa theo tâm lý đám đông, thấy ở đâu đông vui thì đến, đến với tâm thái như đi… quán bar, vũ trường nên có những trường hợp ăn mặc “thiếu vải”, không nghiêm túc, nhất là ăn nói thô tục, thiếu văn hóa. Vậy nhưng thời gian gần đây, những trường hợp đó gần như không còn. Đặc biệt, điều thay đổi rõ ràng nhất đó là những người đến đi lễ rất nhẹ nhàng, văn minh, từ tốn khiến không gian chốn đền chùa thêm thâm nghiêm…

Thảng hoặc có một vài trường hợp vô tình mặc trang phục phản cảm,  ban quản lý thậm chí chính người dân sẽ ngay lập tức nhắc nhở, có nơi còn tạo điều kiện cho mượn quần áo phù hợp để mặc khi vào làm lễ. Còn với những trường hợp cố tình vi phạm sẽ mời ra thẳng thừng

Có thể nói, để có được kết quả khả quan trên là nhờ công tác tuyên truyền kết hợp với các biện pháp cụ thể mà ngành văn hóa cùng ban quản lý di tích đã, đang triển khai tích cực các quy định, chế tài được ban hành chính từ Ngành văn hóa từ thành phố tới cấp cơ sở. Tại các cơ sở thờ tự tín ngưỡng trên toàn địa bàn thành phố hiện đều gắn biển nội quy, quy định rõ những điều không được làm để người dân thực hiện.

Một điểm mới nữa, đó là hiện nay, những bộ quần áo Phật tử được khá nhiều người Hải Phòng ưa chuộng và lựa chọn khi đi lễ đền, chùa bởi tính phù hợp và tiết kiệm thời gian phối đồ. Thay vì phải chọn lựa đồ cho phù hợp khi đi lễ bái thì giờ đây là sự tiện lợi. Số người đi lễ ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu mua lễ phục càng lớn. Không chọn những bộ lễ phục có màu trầm như nâu, xanh than.. truyền thống, các nam thanh, nữ tú chuộng màu sắc sáng nhẹ nhàng và nhã nhặn hơn song vẫn giữ nguyên kiểu dáng để phù hợp với lứa tuổi. Trên thị trường hiện phổ biến 2 loại lễ phục: thường nhật và nghi lễ. Sự phổ biến của lễ phục đã thực sự góp phần làm giảm tình trạng ăn mặc phản cảm nơi đền, chùa. Đáng tiếc ở Hải Phòng hiện chưa có nhiều cửa hàng bán quần áo đi lễ, vậy nên người có nhu cầu mua thường sẽ đặt may, mua tại các gánh hàng rong gần chùa hoặc mua trên các sàn thương mại điện tử.

Thói quen đốt vàng mã giảm mạnh

Kể từ năm 2010 trở lại đây, từ khi có Nghị định 75 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đốt đồ vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, đền, miếu, nơi công cộng, người dân thành phố Cảng cũng đã từng bước chuyển đổi thói quen và chấp hành.

Đơn cử ở Đền Nghè. Tọa lạc tại ở vị trí trung tâm thành phố và là Di tích văn hóa lịch sử lâu đời, hàng ngày Đền đón tiếp nhiều lượt người đến lễ, đặc biệt là vào những ngày mồng 1, ngày rằm, những ngày lễ tết.., việc thắp hương trong Đền đã được Ban Quản lý tại đây quy định khá nghiêm ngặt từ nhiều năm nay. Hiện, người đi lễ chỉ được phép thắp hương ở ngoài Đền để tránh gây ô nhiễm môi trường, cháy nổ. Các mâm lễ cũng không được quá nhiều, chỉ bao gồm một ít tiền vàng, trái cây, hoa tươi. Mọi người phải cúng lễ trong trật tự, không được chen lấn, xô đẩy tránh tình trạng kẻ xấu móc túi như trước đây.

Ông Đỗ Xuân Trung Phó Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng cho biết, lượng vàng mã được đốt tại Đền Nghè đã giảm rất nhiều. Người đến lễ hiện nay chỉ đốt một chút tượng trưng và tuyệt nhiên không có trường hợp nào tiến mã lớn. Nửa tháng một lần, các nhân viên môi trường sẽ đến thu gom tro. Nhìn chung người dân đã rất ý thức trong việc đốt vàng mã.

Vẫn còn những tồn tại cần khắc phục

Một số người dân ở đường Đà Nẵng, quận Ngô Quyền  chia sẻ: gần đây, đến chùa Phổ Chiếu cầu bình an, sức khỏe họ đã bị một số “ông đồ” ngồi gần cổng chùa chèo kéo viết sớ, mua lễ. Bình thường đi, các lễ mua ở nơi khác dao động từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng. Song ở một số quầy quanh chùa giá tăng vọt từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng 1 lễ hoa và rượu.

Việc chèo kéo khách có thể không còn như những năm trước đây, nhưng việc buôn bán đồ lễ xem ra vẫn còn lộn xộn về giá cả của một số tiểu thương “ăn bám” cửa đền, chùa. Vậy nên tình trạng này cần được cơ quan chức năng vào cuộc và phải có giá niêm yết để thể hiện nét văn minh chốn linh thiêng và đảm bảo sự công bằng cho mọi người cùng hoạt động dịch vụ tại đây.

Bên cạnh đó, thói quen cài tiền vào đĩa hoa, quả hay vứt tung trên sập để lễ, mặc dù hòm công đức để ngay bên cạnh vẫn còn tồn tại. Buổi trưa rất vắng người, bên cạnh ban thờ là hòm công đức, nhưng trên mâm quả vẫn có người đặt tiền lẻ lên lễ. Đây là một nét chưa văn hóa nơi tôn nghiêm cần được chấn chỉnh.

Những phật tử thường xuyên đi lễ chùa cho biết: Giáo lý nhà Phật không giáo hóa cho mọi người là phải tiến tiền vàng. Việc đặt tiền trên ban thờ Phật lại càng sai. Vì Phật ở trong tâm, chỉ cần chén nước, đĩa hoa cũng chứng lễ. Việc nhà chùa đặt hòm công đức cho mọi người đến bỏ một chút tiền để nhà chùa đèn nhang hàng ngày, nhiều thì tu tạo. Đây là việc làm tốt, nhưng cách hành xử của người đi lễ chùa “ném” tiền khắp nơi là chưa đúng.

Đi lễ đền, chùa không chỉ giúp cho người dân giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn của ông bà tổ tiên mà còn hướng con người tới chân – thiện – mỹ. Bởi vậy, mỗi người cần hiểu và tự giác hành xử sao cho đúng góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng.

Lan Phương

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông