Giữ vững khối đại đoàn kết trước đại dịch Covid-19

11:12 07/03/2021

Theo số liệu cập nhật, đến nay dịch Covid-19 đã “xâm chiếm” gần như toàn bộ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với số ca nhiễm lũy kế lên tới 115 triệu, và hàng triệu người đã tử vong. Cùng với đó, đại dịch đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, tạo ra những khủng hoảng mạnh mẽ làm đứt gãy những chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong kết cấu hội nhập quốc tế.

Một chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 khu vực cửa ngõ vào thành phố Hải Phòng

          Là quốc gia có biên độ hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam nằm trong nhóm những nước có nhiều nguy cơ và cũng phát hiện những ca nhiễm Covid-19 sớm ngay từ đầu năm 2020. Đến nay chúng ta đã trải qua 4 làn sóng dịch bệnh, bao gồm làn sóng du nhập, làn sóng cộng đồng và cả những làn sóng chưa xác định.

Trước đại dịch Covid-19, các giải pháp quyết liệt đã được triển khai, cho thấy phản ứng nhanh của hệ thống y tế Việt Nam. Chúng ta có quyền ngẩng cao đầu, khi lần lượt hạ gục các đợt tấn công của Covid-19, trở thành điểm sáng để nhiều quốc gia lớn phải thán phục và học tập. Hơn một năm trôi qua, quãng thời gian đầy chông gai, thách thức, nhưng cũng là minh chứng rõ nét của tinh thần quật khởi và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc mang tên Việt Nam.

Mặc dù đợt dịch bùng phát lần này diễn ra tương đối phức tạp, do Virus chủng mới gây ra, có cường độ lây lan nhanh trong cộng đồng, việc truy vết F0 gặp nhiều khó khăn, nhất là trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Nhiều địa phương đang phải gánh chịu những áp lực rất lớn, từ sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội cũng như những mục tiêu phấn đấu khác. Nhưng thêm một lần, cả nước đã chung tay cùng những địa phương có dịch, vững vàng đối mặt với nguy nan.

Với Hải Phòng, địa phương nằm giữa “vòng vây” dịch bệnh ở cả 4 giai đoạn, sau một năm “giữ sạch lưới nhà”, đã xuất hiện 4 ca mắc. Nhưng cũng như những đợt bùng phát trước, ngay lập tức cả hệ thống phòng, chống Covid-19 của Hải Phòng đã được kích hoạt, từ kinh nghiệm đạt được ở các giai đoạn đầu, Hải Phòng đã tự tin, bình tĩnh nhưng không kém phần quyết liệt, quyết tâm trước đại dịch, giờ đây hiệu quả đã hết sức rõ ràng. Điều đó càng củng cố vững chắc niềm tin chiến thắng, trước cuộc chiến không tiếng súng nhưng cũng vô cùng khốc liệt.

Điều vô cùng xúc động là, dù ở đâu, thời khắc nào, từ cán bộ, đảng viên, đến các tầng lớp Nhân dân và các lực lượng vũ trang, niềm tin và khí thế cũng hiển hiện cao độ. Tất cả kết tụ thành khối đoàn kết, chung sức, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Kể cả những người buôn bán nhỏ, những người làm nghề tự do, vốn dĩ đã gặp rất nhiều khó khăn lúc bình thường, nay lại càng khó, thậm chí có lúc đến mức nghiêm trọng. Nhưng hầu như tuyệt đối trong số họ đều sẵn sàng cống hiến, hy sinh để góp phần vào cuộc chiến chống dịch bệnh, cũng như đặt niềm tin vào các giải pháp mà Chính phủ và thành phố đang triển khai.

Chưa dừng lại ở đó, trong mỗi đợt dịch bùng phát, tinh thần chia sẻ của Hải Phòng trong cuộc chiến phòng, chống “giặc” dịch cũng phát huy cao độ. Trong đó, hình ảnh những bác sỹ, điều dưỡng viên Hải Phòng tiên phong mở đường tiến thẳng vào tâm dịch chi viện cho Đà Nẵng, đã để lại ấn tượng hết sức sâu lắng trong cộng đồng.

Mới đây, khi Hải Dương lâm vào hoàn cảnh vô vàn thách thức, Hải Phòng đã kịp thời hỗ trợ tỉnh bạn 5 tỷ đồng và 500 nghìn khẩu trang y tế. Tinh thần ấy làm sống lại những trang sử oai hùng của một dân tộc oai hùng, đã từng dồn hết lực để làm lên sự vĩ đại của các cuộc kháng chiến vệ quốc.

Cần phải thấy rằng, dịch bệnh là kẻ thù vô hình, mức độ lây lan không theo bán kính hay chu vi, không theo địa giới hành chính, mà len lỏi xâm nhập. Thời gian qua các địa phương trong đó có Hải Phòng đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản, áp dụng nhiều giải pháp phòng, chống dịch.

Lẽ tất nhiên, do hoàn cảnh địa lý, vị thế và tập quán văn hóa, trong bối cảnh chưa có tiền lệ, phương pháp áp dụng ở mỗi địa phương có thể sẽ không đồng nhất, nhưng đều chung một tinh thần quyết liệt và quyết tâm. Mặt khác, trong quá trình triển khai biện pháp áp dụng, những tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế - xã hội là điều không thể tránh khỏi.

Đối với Hải Phòng, Hải Dương hay Quảng Ninh cũng vậy, như đã nói ở trên, Hải Phòng nắm giữ vị thế giao thương cửa ngõ quốc tế ra biển, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ nhiều phía.

Lực lượng phòng hóa Quân khu 3 phun hóa chất khử khuẩn trên địa bàn Hải Phòng

Từ hiệu quả áp dụng các giải pháp quyết liệt ngay trong thời gian đầu Covid-19 xuất hiện, mà Hải Phòng đã giữ vững trận tuyến trong suốt một năm trời giữa vòng vây phong tỏa của dịch. Kể cả khi xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên, việc phản ứng thần tốc kết hợp với tư duy phòng, chống chủ động từ người dân, Hải Phòng đã kiểm soát gần như tuyệt đối mức độ lây lan.

Nhưng từ nguyên nhân dẫn đến 4 ca dương tính với Covid-19 phát hiện tại Hải Phòng, hoặc như câu chuyện hàng mấy chục thanh niên tụ tập từ địa phương bạn phóng xe máy “thông chốt kiểm soát” xâm nhập Hải Phòng, khiến người Hải Phòng có quyền lo lắng về những kẽ hở do có người cố tình lách lỏi, từ đó họ đòi hỏi những biện pháp cứng rắn hơn. Việc lãnh đạo thành phố liên tục ban hành các chính sách linh hoạt phòng, chống dịch bệnh, âu cũng là đáp ứng nguyện vọng của người Hải Phòng.

Xuất phát từ lý do đó, những người bị tác động có phản ứng trái chiều là diễn biến tâm lý hết sức tự nhiên. Chẳng hạn chủ hàng không thể lưu thông hàng hóa như lúc bình thường không dịch, lái xe và phương tiện phải dành thời gian, công sức, thậm chí là tiền bạc để thực hiện thêm nhiều điều kiện, người nông dân không thể tiêu thụ nông sản vì thị trường bị phong tỏa…

Trong khi  đó, chính sách cũng tác động rất lớn đến nhận thức người dân, rất có thể tư duy phòng, chống dịch của người Hải Phòng qua thời gian tác động ấy cũng khắt khe hơn nhiều so với nhận thức của người ở địa phương khác. Chỉ có điều, dịch bệnh có khiến xã hội thực thể bị giãn cách, nhưng công nghệ thông tin đã khiến các luồng tư tưởng có điều kiện xung đột trực tiếp. nên trên các trang mạng xã hội thời gian qua đã xuất hiện những tình huống “bút chiến”, thể hiện quan điểm bất đồng của nhiều người với những nhận thức khác nhau.

Đáng tiếc là, từ ý kiến bất đồng, “lời qua, tiếng lại’ dẫn đến những tình huống thiếu kiểm soát cảm xúc, đôi khi các cuộc “khẩu chiến” trở nên gay gắt, vượt qua giới hạn liên quan đến dịch bệnh. Từ đó phát sinh sự phân hóa thành tư tưởng cục bộ địa phương, vùng miền.

Thậm chí nhìn từ góc độ khác, đây chính một trong những mầm mống chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, rất dễ tạo cơ hội để những thế lực thù địch, chống phá khai thác, cố ý xuyên tạc sự thật để khoét sâu thêm, đi ngược lại vòng quay thuận chiều vốn dĩ được đa số người dân tin tưởng và hòa nhịp.

Thực tế thì giữa các địa phương, nhất là Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Ninh thời gia qua không hề có chuyện “ngăn sông, cấm chợ” như một số quan điểm đề cập. Các giải pháp quyết liệt chỉ nhằm một mục đich chung duy nhất là ngăn ngừa và đẩy lùi dịch bệnh. Hàng ngày các cấp ủy Đảng, Chính quyền của các địa phương liên tục trao đổi thông tin, đã không ngừng vận động, trên cơ sở bám sát thực tiễn, đi đến thống nhất các biện pháp, nhằm vừa đạt được mục tiêu trên, vừa hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực khác đối với người dân.

Thiết nghĩ, sự chia sẻ những quan điểm trái chiều hoang báo, ít nhiều cũng gây ảnh hưởng không tốt, làm tổn thương những người đã, đang nỗ lực quên mình vì sức khỏe cộng đồng. Diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, trước kẻ thù không xác định hình hài, chúng ta đã đạt được những thành tựu ban đầu tuyệt vời, nhưng cũng cần phải thấy rằng điều đó chưa phải là tất cả, bởi chỉ khi nào thế giới yên ổn, lúc đó mới có thể khẳng định sự thành công thực sự của Việt Nam.

Trên nền tảng ấy, chúng ta càng thêm tin tưởng vào tương lai của con thuyền dân tộc, dưới sự chèo lái vững vàng của Đảng và Nhà nước, như chúng ta đã từng vượt qua các cuộc chiến trước đó. Xin dẫn lời của Bí Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành để kết thúc bài viết: “Cố lên đồng bào ta ơi”!

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông