22:11 25/04/2019 Ngày 23-4, HĐND tỉnh Hải Dương đã tổ chức kỳ họp thứ 9 (kỳ họp bất thường) khoá XVI (nhiệm kỳ 2016 - 2021) dưới sự chủ tọa của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển. Cùng dự kỳ họp có các ông: Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương cùng 54 trong tổng số 62 đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI. Theo đó, kỳ họp đã thông qua 2 nội dung quan trọng là Nghị quyết về việc sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư (KDC) để thành lập các thôn mới, KDC mới trên địa bàn tỉnh và chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn.
Thành lập 164 thôn, KDC
Tại kỳ họp, ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đọc Tờ trình về việc sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, (KDC) để thành lập các thôn mới, KDC mới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị thành lập 164 thôn, KDC (gồm 98 thôn và 66 KDC) trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập 276 thôn, KDC; chia tách 10 thôn.
Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI), bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nêu rõ, sau sắp xếp thôn, khu dân cư, dự kiến số người hoạt động không chuyên trách toàn tỉnh giảm 548 người. Qua khảo sát, toàn Hải Dương hiện có 10 thôn thuộc 10 xã tại 5 huyện có quy mô lớn đề nghị chia tách; 264 thôn, KDC không đủ tiêu chuẩn 50% quy mô hộ gia đình và 79 thôn, KDC liên quan phải sáp nhập.
Trên cơ sở đó, BTV các huyện ủy, thành ủy đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng đề án sắp xếp (73 xã, phường, thị trấn xây dựng đề án sáp nhập thôn, KDC; 10 xã xây dựng đề án chia tách thôn).
Được biết, việc lấy ý kiến nhân dân được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Ủy ban MTTQ tỉnh, cơ bản theo hình thức cử tri đại diện hộ gia đình. Tổng số có 291 thôn, KDC lấy ý kiến cử tri. Trong đó, 202 thôn, KDC thuộc diện sáp nhập và 79 đơn vị liên quan; 10 thôn đề nghị chia tách. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri.
Kết quả, 285 đơn vị được nhân dân đồng tình ủng hộ, nơi đồng ý cao nhất là 100%, thấp nhất là 52%. Riêng huyện Bình Giang có 3 thôn: Ngọc Mai (xã Hưng Thịnh), Quang Tiền (xã Bình Minh), Tào Khê (xã Thúc Kháng) đã lập đề án sáp nhập với 3 thôn liên quan và tổ chức lấy ý kiến cử tri của 6 thôn nhiều lần, song tỷ lệ đều không đạt trên 50% theo quy định.
Theo Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương, sau khi lấy ý kiến cử tri, HĐND của 83 xã, phường, thị trấn đã thông qua đề án sắp xếp thôn, KDC. Trong đó, 10 xã có thôn chia tách và 42 xã, phường, thị trấn có thôn, KDC thuộc diện sáp nhập thông qua kỳ họp HĐND thường kỳ; 31 xã, phường, thị trấn thông qua kỳ họp bất thường.
Các huyện, thành phố: Chí Linh, Thanh Miện, Ninh Giang và Gia Lộc có 100% cấp xã thông qua kỳ họp HĐND thường kỳ. Đến nay, với địa phương đã hoàn thành việc thông qua HĐND cấp xã về Đề án sáp nhập, chia tách thôn, KDC, các huyện, thành phố đang hoàn thiện hồ sơ gửi về Sở Nội vụ thẩm định. Dự kiến, sau sắp xếp, số người hoạt động không chuyên trách toàn tỉnh giảm 548 người, từ 6.443 người xuống còn 5.895 người.
Trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại Kinh Môn
Ông Nguyễn Minh Hùng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kinh Môn cho biết, Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn, huyện đã triển khai các bước bảo đảm đúng quy trình, được nhân dân đồng thuận cao, đã bảo đảm các tiêu chí của đô thị loại 4 là điều kiện để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét công nhận Kinh Môn là thị xã.
HĐND tỉnh Hải Dương thông qua các Nghị quyết
Ngay sau kỳ họp này, Kinh Môn tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND tỉnh hoàn thành các tài liệu trình Chính phủ và các cơ quan chức năng công nhận Kinh Môn là thị xã. Huyện cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành thực hiện các giải pháp phát triển thị xã; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển dịch vụ, phát triển Khu di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Nhẫm Dương; tiếp tục nâng cao chất lượng nông thôn mới; tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân; tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý đô thị, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế, đô thị.
Đồng thời, Kinh Môn tiếp tục triển khai một số dự án khu đô thị trên địa bàn, các dự án giao thông tạo động lực thúc đẩy nhanh kinh tế - xã hội; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, sắp xếp, sáp nhập các trường theo kế hoạch; bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục giảm nghèo xuống dưới 2%; chủ động phòng chống tội phạm, mở rộng mạng lưới an ninh nhân dân đến các thôn xóm, khu phố; thực hiện đưa công an chính quy về cấp xã.
Để bảo đảm các nghị quyết của HĐND tỉnh sớm được triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị UBND tỉnh chủ động phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục trình Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để thị xã Kinh Môn có thể được thành lập trong thời gian sớm nhất, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân địa phương và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Cấp ủy, chính quyền huyện Kinh Môn cần tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, nhân dân Kinh Môn tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, xây dựng Kinh Môn là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế vùng của tỉnh Hải Dương.
Đối với Nghị quyết sắp xếp, chia tách, sáp nhập các thôn, KDC để thành lập thôn, KDC mới, cần sớm chỉ đạo các cơ quan tham mưu đề xuất hướng dẫn hoạt động của bộ máy, các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương mới thành lập. Quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt thôn, KDC mới. Duy trì và thực hiện chủ trương Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, KDC.
Ban hành quy chế (sửa đổi) Quy chế hoạt động thôn, KDC cho phù hợp. Rà soát, cập nhật chính xác thực trạng cơ sở vật chất của các thôn, KDC mới và tham mưu cụ thể nội dung liên quan đến chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp. Các thôn, KDC mới phải hoạt động ổn định ngay sau khi thành lập; không làm gián đoạn và ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị, quản lý Nhà nước ở địa phương.
Cấp ủy chính quyền, các hội, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động để việc thành lập thôn, KDC mới không làm xáo trộn đời sống sinh hoạt của nhân dân; đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân và cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn.
HIẾU CHUNG
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết