Hải Phòng - MẠNH TAY VỚI DỰ ÁN “TREO”, “TRẢI CHIẾU” CHIẾM CHỖ - Bài 1: Lãng phí lớn về nguồn lực đất đai

10:07 13/10/2023

Dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, thậm chí “treo bền vững” tới hàng thập kỷ không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai, bức xúc trong Nhân dân mà còn phát sinh những hệ lụy xấu về thu hút vốn đầu tư, trở thành rào cản và “điểm nghẽn” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Mạnh tay, kiên quyết xử lý vấn nạn này đang là vấn đề nóng bỏng và Hải Phòng đã nằm trong “top đầu” cả nước về thu hồi đất do vi phạm pháp luật…

Khu đất rộng 400.000m2 nằm phía trái tuyến đường từ cầu Rào đi quận Đồ Sơn thuộc phường Tân Thành, quận Dương Kinh đang bị nhầm lẫn với... bãi chăn, thả gia súc của người dân bởi cỏ dại mọc tràn lan. Phía cổng ra vào được quây thành ô chuồng nuôi nhốt trâu.

Thế nhưng ít ai biết đây từng là Dự án Khu dân cư đô thị Tân Thành được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bằng Quyết định số 220/QĐ-UBND ngày 14/2/2011. Chủ đầu tư Dự án là Cty CP Đầu tư phát triển đô thị Vạn Xuân. Một người dân tại đây cho hay: “Khu vực này trước của người dân địa phương cấy lúa, nuôi trồng thủy sản sau đó được nhà nước thu hồi đất giao cho doanh nghiệp. Gần 13 năm bị bỏ hoang, người dân tiếc của chăn thả trâu, bò, dê, nuôi vịt. Khoảng hơn 2 năm trước, một số hộ còn “xé rào” vào đào ao nuôi tôm, cá”.

Cỏ mọc um tùm phía trong dự án Bảo tàng Hải dương học tại phường Bàng La, Đồ Sơn

Tìm hiểu được biết, Dự án trên có quy mô rộng tới 420.426,9m2 cho một khu đô thị mới và sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ với hàng loạt công trình như: Nhà ở sân vườn hiện đại (biệt thự đơn lập và song lập), nhà ở liền kề, nhà chung cư, nhà ở xã hội, trung tâm thương mại, trường học, nhà trẻ mẫu giáo, công viên cây xanh… Quyết định của UBND thành phố cũng quy định rõ: Sau 1 năm, nếu Cty CP Đầu tư phát triển đô thị Vạn Xuân chưa triển khai thì UBND TP sẽ xem xét giao cho đơn vị khác thực hiện quy hoạch này. Tuy nhiên đến nay, Dự án vẫn “treo bền vững” và im lìm với một tấm pa-nô “công bố quy hoạch” đã bị thời gian cùng gió mưa làm cho tơi tả. Kết cục, ngày 30/1/2020, UBND thành phố đã có Quyết định số 196/QĐ-UBND phê duyệt phương án hoàn trả giá trị đầu tư hợp pháp cho chủ đầu tư với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Tương tự là Dự án Bảo tàng Hải dương học, diện tích hơn 11ha nằm trên khu đất rộng dưới chân đê biển, giáp rừng ngập mặn thuộc phường Bàng La, quận Đồ Sơn. "Đắp chiếu" đã từ nhiều năm nay, khu đất trước là nơi các hộ dân nuôi trồng thuỷ sản, trồng đặc sản táo muối Bàng La. Hiện nó được xây tường bao bằng gạch cao chừng 5m, cổng khoá trái. Bao quanh tường bao là cây, cỏ dại và ao thả cá của người dân địa phương.

Được biết, ngày 9/4/2010, UBND thành phố có thông báo thu hồi hơn 11ha đất nói trên. Sau khi được giao đất, dự án cũng đã triển khai một vài hạng mục nhỏ thì gặp khó khăn về mặt bằng. Đến năm 2018, công tác GPMB dự án mới hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay, phần lớn các hạng mục của dự án vẫn dang dở, để lại khung cảnh hoang tàn, tiêu điều, gây lãng phí đất. Tháng 4/2023, UBND quận Đồ Sơn đã tiến hành rà soát, thống kê, đưa dự án này vào danh sách sử dụng đất được giao chậm 24 tháng theo quy định.

Đáng nói, Hải Phòng là một trong những địa phương có tốc độ đô thị phát triển nhanh và được đầu tư hiện đại. Tuy nhiên, một số hạn chế vẫn bộc lộ. Theo đó nhiều dự án giao đất, cho thuê đất sai phạm, chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực đất đai rất lớn. Điều đáng nói, việc dự án “quây tôn”, dự án “treo” để đấy nhiều năm tồn tại khá nhiều ở các quận, nhất là những nơi có tốc độ đô thị hóa cao. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, thành phố đã thực hiện thu hồi đất do vi phạm quy định tại Điểm I, khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai đối với 31 trường hợp, tổng diện tích hơn 455ha; gia hạn sử dụng đất đối với 72 trường hợp, tổng diện tích hơn 466ha.

Cũng theo sở này, những địa phương có số lượng dự án chậm tiến độ nhiều nhất, gồm: Dương Kinh, Đồ Sơn, Cát Hải, Thủy Nguyên, Lê Chân… Đơn cử thêm tại quận Đồ Sơn là trường hợp Công ty CP Xây dựng số 15 - Vinaconex thuê đất từ năm 2008 với diện tích hơn 21.000m2 tại phường Vạn Hương để thực hiện Dự án khu biệt thự và nhà nghỉ bán theo cơ chế kinh doanh. Sau 10 năm, dự án mới chỉ dừng lại ở hạng mục san lấp mặt bằng, xây đường nội bộ và chủ đầu tư đã ký hợp đồng bán đất cho các nhà thầu thứ cấp hầu hết các lô đất. Hiện tại, khu đất của dự án bị để hoang hóa, cỏ mọc um tùm. Trường hợp nữa là Dự án làng biệt thự cao cấp Vạn Hương của Công ty CP Daso có tổng diện tích hơn 53ha. Theo đó, sau gần 10 năm, công ty mới hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trên diện tích đất giao lần 1 là 32,20ha. Phần còn lại vẫn “án binh” và không triển khai theo cam kết với thành phố. Rồi dự án thuộc Công ty CP Kho vận và Hàng hải Việt Nam thuộc khu I, phường Vạn Sơn được thành phố giao đất từ năm 2007 với diện tích hơn 2.800m2 để xây dựng khách sạn Vilogi. Tuy nhiên, đã hơn chục năm nay, khu đất vẫn để hoang hóa, gây lãng phí đất, mất mĩ quan đô thị…

Không chỉ để “đất vàng” bị hoang hóa, một số dự án còn sử dụng đất sai mục đích, chủ đầu tư buông lỏng quản lý để đất bị lấn chiếm. Điển hình là dự án nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn của Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng trên địa bàn phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn. Được sử dụng hơn 1,2ha đất song chủ đầu tư đã cho cá nhân thuê lại, dẫn đến tình trạng tư nhân hóa, tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Một trường hợp khác là dự án thuộc Công ty CP Thương mại dịch vụ và Xây dựng Hải Phòng thuộc khu Bách hóa cũ, phường Vạn Sơn cùng quận Đồ Sơn. Dự án được UBND thành phố phê duyệt cho phép sử dụng đất từ năm 1995. Sau hơn 20 năm, dự án không được đưa vào sử dụng, một phần diện tích bị để hoang, một phần bị một số hộ dân lấn chiếm… Báo cáo mới đây nhất của UBND quận Đồ Sơn cho thấy, hiện có đến 8 khu đất trên địa bàn quận không được đưa vào sử dụng 12 tháng liên tục, gồm: Dự án xây dựng khách sạn Vilogi; khu đất của Công ty CP ASC Việt Nam; Dự án văn phòng và nhà nghỉ của Công ty CP Xây dựng Hải Phòng; Dự án Trung tâm Quản lý và Khai thác các công trình thể thao Hải Phòng; Dự án nhà nghỉ Công ty CP Xây dựng và Phát triển Đầu tư Hải Phòng; Dự án nhà ở kinh doanh của Hội Phụ nữ; khu đất của Công ty CP Thương mại Dịch vụ và Xây dựng Đại Việt Phát và Dự án xây dựng Viện Điều dưỡng - Bộ Xây dựng.

Tổng diện tích 8 khu đất này là 16.111m2. Cùng với đó là 4 dự án đưa đất vào sử dụng chậm 24 tháng gồm: Dự án khu du lịch dịch vụ tổng hợp và ẩm thực tập trung; Dự án cơ sở nghiên cứu Viện Tài nguyên Môi trường biển và hai dự án khác của Công ty CP DaSo Hải Phòng. Tổng diện tích các dự án này là 727.820m2. Ngoài 12 dự án trên, hai khu du lịch nghỉ dưỡng với số vốn đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng, thực hiện trên diện tích 1.000m2 của Tập đoàn Himlam ở Đồ Sơn cũng không có động thái triển khai (khởi công từ năm 2016).

Đáng nói nữa, dự án “treo” còn tồn tại hàng chục năm ngay cả những nơi xa xôi thuộc các huyện An Dương, An Lão, Tiên Lãng, Cát Hải... Trong khi hàng ngàn hộ nông dân vốn canh tác trên những thửa đất đó nay bị mất tư liệu sản xuất. Điển hình như Dự án của Công ty CP Thương mại Nam Mỹ tại xã Phù Long, huyện Cát Hải; Dự án của Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh vừa bị thu hồi.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc xử lý, lập hồ sơ thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm nói trên rất khó khăn. Nguyên nhân là trong nhiều năm, việc kiểm tra không được thực hiện thường xuyên, biện pháp xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với tổ chức, doanh nghiệp vi phạm. Việc triển khai Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND ngày 29/3/2016 về nhiệm vụ, giải pháp thu hồi diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, chậm đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên đất còn thiếu kiên quyết…

(Còn nữa)

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông