16:05 25/09/2017 Có tay nghề vững, được rèn luyện tác phong công nghiệp và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp nhưng không ít lao động xuất khẩu sau khi về nước vẫn đối diện với khó khăn tìm việc làm. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính là chưa có chính sách cụ thể cho người lao động tái hòa nhập khi trở về…
Loay hoay tìm việc
Lóng ngóng tìm kiếm thông tin tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố, anh Trần Quốc Cường, sinh 1983, ở huyện Thủy Nguyên mong muốn tìm được công việc phù hợp với công việc đã được lao động tại Hàn Quốc là thợ cơ khí công nghiệp. Hơn 2 năm làm việc tại nước ngoài với mức lương khoảng 25 triệu đồng/tháng, anh Cường đã trả đủ số vốn vay đầu tư xuất khẩu lao động và còn dành dụm được ít vốn liếng khi trở về nước. Dù với kinh nghiệm làm việc và kỹ năng khá vững nhưng anh Cường cho biết, đến nay vẫn loay hoay tìm kiếm công việc cho bản thân.
“Do không thể tìm công việc thợ cơ khí phù hợp nên thời gian qua tôi chỉ làm những việc buôn bán nhỏ giúp gia đình. Ngoài nguyện vọng được quay trở lại Hàn Quốc làm việc, hiện tôi mong muốn được làm tại các doanh nghiệp nước ngoài để tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng đã có…”, anh Cường chia sẻ.
Cũng trở về nước hơn 2 năm nay song anh Phạm Thanh Bình vẫn chưa tìm được việc làm. Theo anh Bình, trước đây anh từng làm công nhân tại Nhật Bản với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng. Hết thời hạn hợp đồng, anh Bình trở về nước rồi từng mang hồ sơ đi xin việc ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp với hy vọng mình có tay nghề dễ tìm việc làm song rất khó khăn vì các đơn vị nhận tuyển dụng khác dây chuyền sản xuất hoặc chỉ lao động phổ thông với mức lương thấp, vài triệu đồng mỗi tháng, không đủ nuôi sống gia đình.
Anh Bình chia sẻ: doanh nghiệp ở Nhật Bản trả lương cao, nhưng đòi hỏi người lao động có tay nghề tốt, thái độ làm việc nghiêm túc và ý thức kỷ luật cao. Do đó, khi về nước, tôi rất tự tin với những kinh nghiệm tích lũy được có thể xin được việc làm phù hợp, thu nhập tươn xứng nhưng rất khó khăn nên đành chuyển hướng sang ngành nghề kinh doanh nhỏ.
Theo tìm hiểu, không ít lao động có tay nghề và tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật lao động tốt, song khi về nước vẫn không tìm được việc làm phù hợp. Một lao động từng đi xuất khẩu lao động chia sẻ, khi về nước, mặc dù có chút vốn liếng nhưng sau rất dễ bị rơi vào cảnh “cạn ví” vì số tiền có được vừa phải lo trả nợ vừa lo cuộc sống nên hầu hết mong muốn có được công việc phù hợp để phát huy tay nghề đã học được từ nước ngoài. Vấn đề là ở chỗ, người lao động không nắm bắt được thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp FDI, còn nếu xin việc tại các doanh nghiệp khác thì thu nhập lại không tương xứng.
Trong khi đó, theo Sở LĐTB&XH, từ năm 2009 đến nay, thành phố có hơn 8.000 người xuất khẩu lao động, góp phần giải quyết công ăn việc làm và tạo động lực xóa đói giảm nghèo. Thống kê cho thấy, có khoảng 20-30% số người xuất khẩu lao động sau khi hết hạn hợp đồng, trở về nước không tìm được việc làm thì tái hợp đồng, tiếp tục ra nước ngoài làm việc hoặc chuyển sang làm công việc kinh doanh tự do hoặc các ngành nghề khác…
Không để lãng phí nguồn nhân lực
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân của thực trạng lao động xuất khẩu trở về nước có tay nghề, song khó tìm được việc làm phù hợp là do chính sách giải quyết “hậu xuất khẩu lao động” chưa được quan tâm đúng mức. Ông Nguyễn Hữu Cường- Trưởng phòng Việc làm (Sở LĐTB&XH) nhìn nhận: Lực lượng lao động sau khi trở về nước đúng thời hạn hợp đồng có tay nghề cao cũng như trình độ ngoại ngữ được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, vấn đề là hiện ngành vẫn chưa có con số thống kê chính xác về số lao động sau khi hồi hương, cũng như việc họ có tìm được việc làm phù hợp như từng làm khi ở nước ngoài hay không. Trong khi đó, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiện chỉ ghi chung chung là “khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận tuyển dụng người lao động về nước vào làm việc và khuyến khích tạo việc làm”. Cũng vì vậy mà cơ quan quản lý từ TW tới địa phương chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ đối với nguồn lao động này. Để hỗ trợ người lao động theo ông Cường thì Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), trước tiên cần xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động xuất khẩu để các địa phương cùng quản lý, khai thác phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Trước thực tế một số lao động sau xuất khẩu lao động về nước gặp khó khăn tìm kiếm việc đại diện Sở LĐTB&XH cho biết, trước mắt người lao động sau khi hồi hương có nhu cầu tìm kiếm việc làm có thể đăng ký tại Sàn giao dịch việc làm thành phố. Qua các phiên giao dịch, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trong đó ưu tiên tuyển dụng lao động có trình độ tay nghề, kinh nghiệm. Với những lao động có nhu cầu tái xuất khẩu lao động, theo quy định được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Ngân hàng CSXH thành phố.
THỦY NGUYÊN
18:01 14/11/2024
10:46 07/07/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết