Hướng dẫn kỹ năng xử lý các tình huống cháy, nổ, thoát nạn khi có cháy xảy ra tại Trung tâm thương mại, siêu thị

    20:37 20/03/2024

    Là nơi tập trung đông người, chứa nhiều hàng hóa dễ cháy, Trung tâm thương mại, siêu thị là những địa điểm luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất cao. Khi sự cố không may xảy ra nếu không được phát hiện, dập tắt kịp thời, đám cháy rất dễ cháy lan ra diện rộng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, người dân, các hộ kinh doanh buôn bán và Ban Quản lý các Trung tâm thương mại, siêu thị cần trang bị một số kỹ năng xử lý các tình huống cháy, nổ, thoát nạn khi có cháy xảy ra tại Trung tâm thương mại, siêu thị sau:

    Ban Quản lý Trung tâm thương mại, siêu thị cần: niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ; tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ (áptomát) cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng và từng quầy, gian hàng của hộ kinh doanh. Bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng, dãy hàng dễ cháy nhằm hạn chế cháy lan. Bố trí cầu thang thoát nạn riêng biệt, có lối ra ngoài trực tiếp. Bố trí phòng lánh nạn tạm thời, lối thoát nạn dự phòng.

    Có giải pháp ngăn lửa, chống tụ khói trong cầu thang thoát nạn. Cửa đi lối thoát nạn mở theo chiều thoát nạn, được làm bằng vật liệu không cháy; cửa vào buồng thang thoát nạn là cửa chống cháy và có cơ cấu tự đóng. Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho từng tầng, từng khu vực, từng ngành hàng, có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn trên đường và hướng thoát nạn.

    Cần lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động theo quy định; trang bị phương tiện chữa cháy phục vụ việc thoát nạn, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy; thành lập Đội PCCC cơ sở có đủ lực lượng để tổ chức thường trực, tuần tra phát hiện cháy; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, hướng dẫn thoát nạn và cứu người cho lực lượng này. Xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu người trong tình huống xảy ra cháy phức tạp nhất. Khi cháy, nổ xảy ra phải tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho Cảnh sát PCCC & CNCH, số máy 114, cho Công an nơi gần nhất, đồng thời tổ chức bằng mọi cách dập tắt cháy và cứu người theo phương án chữa cháy, thoát nạn của cơ sở.

    Các hộ kinh doanh, buôn bán cần chấp hành nghiêm các quy định về an toàn PCCC, trong đó đặc biệt chú ý quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt. Không đốt hương, đốt vàng mã, đun nấu, hút thuốc; quản lý chặt chẽ các hàng, chất dễ cháy; sử dụng an toàn điện và thiết bị điện (tắt các thiết bị khi không cần thiết và khi đóng quầy…). Không tự ý câu móc điện. Không lấn chiếm, cơi nới ảnh hưởng đến lối đi chung và khoảng cách chống cháy. Không tàng trữ, buôn bán trái phép các chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ. Cần tìm hiểu, học tập để trang bị kiến thức về PCCC, biết cách sử dụng thiết bị chữa cháy tại chỗ và kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra.

    Đối với người dân khi tham gia hoạt động tham quan, mua bán tại Trung tâm thương mại, siêu thị phải chú ý không mang theo chất dễ cháy, chất nổ. Không tự ý sử dụng hoặc làm phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt. Tuyệt đối chấp hành các nội quy, quy định về an toàn PCCC khác. Trước khi tham gia hoạt động cần quan sát kỹ các lối thoát nạn đề phòng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra thì kịp thời thoát nạn an toàn;

    Khi có sự cố cháy, nổ cần bình tĩnh suy xét, tìm và di chuyển ra lối thoát nạn sẵn có theo đèn chỉ dẫn Exit hoặc nghe thông báo hướng dẫn qua hệ thống truyền thanh. Trên đường đi hãy thông báo cho mọi người biết có cháy đang xảy ra; nếu có điều kiện hãy tham gia hướng dẫn, hỗ trợ người già, trẻ em, người tàn tật thoát ra nơi an toàn, tham gia chữa cháy, cứu tài sản. Đặc biệt, để hạn chế đến mức tối đa thiệt hại về người và của do hỏa hoạn gây ra, mỗi người dân cần thực hiện các kỹ năng sau:

    Tìm cách dập lửa. Khi phát hiện có đám cháy chúng ta không được hoảng hốt, sợ hãi, phải giữ được bình tĩnh để tìm cách giải quyết. Bạn phải nhanh chóng quan sát tìm xem vị trí ngọn lửa và khói ở đâu. Nếu đám cháy nhỏ bạn nên tìm cách dập lửa, có thể dùng bình bột, bình khí CO2, chăn ướt hoặc những thứ khác mà bạn có thể kiếm được ngay quanh đó có khả năng dập lửa. Trong trường hợp đám cháy quá lớn không thể dập lửa thì phải nhanh chóng tìm cách thoát hiểm. Hét lên cho mọi người cùng biết để cùng thoát hiểm, ngay sau đó hãy lập tức gọi cho Cảnh sát PCCC theo số 114 để được trợ giúp.

    Trong lúc thoát hiểm cần tìm kiếm các lối đi an toàn. Lối thoát nạn an toàn là lối thoát không bị khói, bụi, sản phẩm cháy và không bị đám cháy ảnh hưởng hoặc đe dọa đến tính mạng con người. Các lối ra phải dễ thấy và các lối đi vào được đánh dấu rõ ràng bằng biển báo hướng dẫn. Trước khi mở cửa khi xảy ra hỏa hoạn, bạn cần cẩn thận kiểm tra nhiệt độ của cửa trước.

    Trước khi mở cửa, hãy đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm, đừng mở - mặt kia của cánh cửa đang cháy. Dùng mu bàn tay để thử, không dùng lòng bàn tay. Vì lòng bàn tay bị bỏng sẽ cản trở việc thoát thân của bạn khi bạn bò hay xuống thang cứu hỏa. Nếu quả đấm cửa mát, và bạn không nhìn thấy khói quanh cửa, bạn có thể mở cửa rất chậm và cẩn thận. Khi mở cửa, nếu bạn thấy lửa bùng lên, hay có khói xông vào phòng, hãy đóng cửa thật nhanh, đảm bảo chắc chắn rằng nó đã được đóng chặt. Khi thoát ra ngoài, chỉ mở cửa bạn cần và đóng tất cả các cửa đang mở để ngăn đám cháy lan nhanh.

    Trong quá trình thoát hiểm, để chống nhiễm khói, bạn cần lấy khăn thấm nước che kín miệng, mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc có thể sử dụng mặt nạ chống khói khi được trang bị. Cúi hoặc bò sát xuống sàn nhà. Nếu luồng khói tới từ trên cao hoặc ngay trong khu vực, hãy nhanh chóng di chuyển ra cửa thoát hiểm và đi xuống các tầng dưới. Nếu khói xuất phát từ tầng dưới, bạn hãy tìm cách di chuyển ngược lên trên tầng thượng để tránh ngạt khí. Khi muốn thoát ra khỏi đám lửa, ngoài việc dùng khăn thấm nước che miệng, mũi, phải dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy thoát nhanh ra ngoài qua đám lửa để tránh bị cháy quần áo gây bỏng da.

    Tuyệt đối không sử dụng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn. Vì khi có sự cố cháy, nổ nguồn điện sẽ bị cắt nên thang máy sẽ bị dừng. Bạn cần bình tĩnh di chuyển theo đường cầu thang bộ. Nếu không thể tìm một lối thoát an toàn hoặc nhận được sự trợ giúp của người khác, bạn có thể thoát ra từ cửa sổ, ban công hay nhảy qua mái nhà bên cạnh. Ngoài ra, bạn cũng nên ngắt cầu dao điện nơi xảy ra đám cháy, điện gây cháy nổ sẽ khiến đám cháy bùng phát nhanh hơn.

    Trường hợp quần áo của bạn bị cháy đừng chạy vòng quanh, hãy nằm xuống, bao trùm ngọn lửa bằng áo khoác hay chăn để phá vỡ nguồn cung cấp oxi cho lửa. Sau đó lăn vòng quanh để dập lửa. Chú ý tuyệt đối không nhảy vào bể bơi, hồ nước trong khu vực cháy vì rất có thể lửa đã làm nóng nước, có thể gây bỏng toàn thân khi nhảy vào.

    Trường hợp không thể thoát ra ngoài ngay lập tức vì lửa hay khói đã chặn mất lối thoát, nếu bạn ở tầng trệt hãy tìm cách ra ngoài bằng cửa sổ, ném chăn, gối, đệm xuống đất ở bên ngoài để đỡ bạn. Nếu không thể mở cửa sổ, hãy dùng vật nặng để đập vỡ nó ở góc cuối, khi chạm vào các mép sắc cần dùng vải, khăn mặt hay chăn để tránh bị cứa vào tay. Hạ trẻ xuống càng thấp càng tốt trước khi thả bé xuống để người lớn đỡ trẻ nếu có thể. Hạ thấp cơ thể bạn bằng cách đặt tay lên bậc cửa sổ trước khi thả mình xuống.

    Trường hợp không thể ra ngoài, hãy tập hợp mọi người vào một phòng tốt nhất (có cửa sổ có thể mở được), mở cửa sổ ra để hít thở và gọi giúp đỡ. Hãy ngăn khói và lửa vào qua cửa bằng cách chặn các khe hở quanh cửa với khăn trải giường, chăn, quần áo ướt hoặc băng dính. Nhúng ướt miếng vải che lên miệng để không hít khói độc. Cố gắng bằng mọi cách liên lạc với người bên ngoài hoặc lực lượng cứu hộ biết mình đang bị kẹt ở trong đó để được giúp đỡ kịp thời. Không được nấp dưới gầm giường hay phòng để đồ, tuyệt đối không trốn trong nhà vệ sinh vì đây là nơi dễ bị ngạt thở do không gian kín.

    Khi thoát nạn ra ngoài an toàn nên tập trung ở một nơi an toàn, kiểm tra xem còn có người bị kẹt lại trong đám cháy không. Nếu còn có người trong nhà, hãy kể với đội lính cứu hỏa về người bị mắc kẹt để được giúp đỡ tìm kiếm nhanh hơn…

    Bình Huệ

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông