Nghe người lính già kể lại chuyện đánh Mỹ

16:15 29/04/2020

Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, gương mặt cương nghị, giọng nói hào sảng, dứt khoát, khó ai tin rằng ông đã bước sang tuổi 67, độ tuổi tiệm cận “xưa nay hiếm” theo quan niệm của người xưa. Phía sau thần sắc ấy, có thể cảm nhận được bản lĩnh của người lính “Cụ Hồ”, đã được rèn luyện qua khói lửa đạn bom, góp phần viết lời ca khải hoàn của Đại thắng mùa xuân 45 năm trước.

                                                                            

Thiếu tướng Lưu Xuân Cải (Ảnh Trường Giang) 

Ông tên đầy đủ là Lưu Xuân Cải, sinh ngày 26-5-1954 ở xã An Hưng, huyện An Dương, Hải Phòng.

Ông kể, năm 1971 khi ông 17 tuổi, cũng như bao nhiêu người ở lứa tuổi thanh niên thời kỳ ấy, khát vọng được cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân luôn cháy bỏng. Giữa lúc cả miền Bắc đang hướng về miền Nam ruột thịt, dù chưa đủ tuổi, cân nặng mới có 49kg, nhưng chàng trai trẻ Lưu Xuân Cải đã xung phong lên đường nhập ngũ, lạc quan, không toan tính, dẫu biết ra đi chưa chắc đã có ngày về.

Sau khi ước nguyện trở thành hiện thực, Lưu Xuân Cải được huấn luyện chiến đấu tại Trung đoàn 5 Yên Tử huyền thoại. Nói là huyền thoại, bởi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, những người lính thuộc các tỉnh miền duyên hải Bắc Bộ được huấn luyện ở đây đều lập lên những chiến công vang dội, đến nỗi kẻ thù gọi tên Yên Tử là “Trung tâm đào tạo biệt kích của Việt Cộng”.

Ở Yên Tử, ông được huấn luyện sát với thực tiễn chiến trường, như cách đánh, phương pháp đào hầm, sử dụng vũ khí, chiến thuật vận động tấn công, kết hợp chốt, đào bếp Hoàng Cầm, luyện vượt sông… Lúc đó vì bí mật nên chưa thể đoán ra, nhưng sau đó khi được chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, ông mới hiểu định hướng chiến lược. Đợt huấn luyện mà ông được tham gia, dường như tất cả đã được chuẩn bị sẵn cho cuộc chiến ở Thành Cổ Quảng Trị.

Sau 6 tháng huấn luyện gian khổ, tháng 6-1972 ông cùng đồng đội vào chiến trường, mang theo lời dặn dò của người mẹ già trước lúc lên đường: “Con cố gắng phấn đấu vì dân vì nước, phải theo được bằng anh bằng em…”, lời dặn ấy đã theo ông suốt cả cuộc đời binh nghiệp.

Sau quãng thời gian dài hành quân vất vả, được biên chế vào Trung đoàn 165 của Sư đoàn 312 anh hùng, đơn vị ông tập kết ở làng Như Lệ, xã Hải Lệ (nay thuộc Thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị). Nhắc đến Như Lệ, giọng người lính già trầm xuống: “Người dân ở đó gian khổ lắm, nhưng họ tốt với bộ đội cách mạng vô cùng…”.

Từ làng Như Lệ, đơn vị của Lưu Xuân Cải vượt sông Thạch Hạn đột nhập vào Thành Cổ, dưới mật độ hỏa lực dày đặc của địch. Ông cho biết: “Ngay từ lúc vượt sông quân ta đã trúng đạn hy sinh, nhiều người không vào được Thành Cổ, có lúc máu đồng đội nhuộm đỏ dòng sông…”. Nói đến đây, ông bùi ngùi đọc lại những câu thơ bất hủ viết về dòng Thạch Hãn: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm…”.

Cuộc chiến 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị, “Mùa hè đỏ lửa” đã đi vào lịch sử chiến tranh thế giới với mức độ tàn khốc vô cùng, nhưng xứng đáng là bản hùng ca bất diệt của Quân đội nhân dân Việt Nam. Giữa cuộc chiến ấy, vào tháng 8-1972, người lính trẻ Lưu Xuân Cải mới 18 tuổi, tham gia tại tâm điểm ác liệt nhất.

Cuộc chiến không cân sức khi trung đội ông phải đương đầu với một đại đội địch, quân ta thương vong nhiều, bản thân ông cũng bị 3 vết thương, nặng nhất là bị mảnh pháo phạt vào vùng sọ não. Ông ngất đi, tỉnh lại và tiếp tục chiến đấu, đến đêm hôm đó mất máu nhiều, kiệt sức và bất tỉnh, mọi người thấy tim ông ngừng đập, nghĩ đã hy sinh, đưa ông cùng khoảng 10 đồng đội khác đi chôn cất.

Qua lời kể lại của đồng đội sau đó, lúc chôn đến người thứ bảy thì đột nhiên trời đổ mưa xối xả, việc chôn cất phải tạm ngừng. Nước mưa ngấm vào làm ông tỉnh lại, khi mưa tạnh đồng đội tiếp tục công việc thì phát hiện ông còn thoi thóp. Lúc đồng chí Phan Văn Nhiên là Chính trị viên Đại đội nghe báo cáo đến kiểm tra, còn cẩn thận lấy bông trắng cho vào mũi thì thấy chiến sỹ Lưu Xuân Cải vẫn… phập phồng. Ngay sau đó ông được chuyển đến bệnh viện dã chiến để cấp cứu, được một bác sỹ có chung nhóm máu truyền cho, ông đã sống lại.

Sau cuộc chiến ở Thành Cổ Quảng Trị, Lưu Xuân Cải tiếp tục tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường, đảm nhiệm nhiều chức vụ chỉ huy, suốt những năm tháng chiến tranh biền biệt ấy, người mẹ già ở quê nhận được tin ông đã hy sinh.

Khi Hiệp định Paris được ký kết, quân Mỹ bắt đầu rút khỏi miền Nam, trong khoảng lặng ngắn ngủi của chiến tranh, tháng 3-1973 Lưu Xuân Cải được ra Hà Nội báo cáo thành tích, rồi ông được thưởng mấy ngày phép về quê. Trong đêm tối, nghe tiếng động mẹ ông hỏi vọng ra: “Ai đấy?”, ông trả lời: “Con Cải đây”, mẹ ông hỏi tiếp: “Ai đấy?”, ông nhắc lại: “Con Cải của mẹ về đây…”.

Bà mẹ lập cập không đi ra cửa, mà tiến về phía ban thờ, trên ấy có ảnh Liệt sỹ Lưu Xuân Cải và tấm bằng “Tổ quốc ghi công” ghi ngày ông hy sinh 8-8-1972, thì ra cụ cứ nghĩ hồn ma ông trở về, nên dậy thắp hương. Nhắc đến đây, khóe mắt ông rơm rớm: “Khi mình vào nhà, cụ vặn ngọn đèn dầu cho to lên, nhìn thật kỹ và sờ nắn khắp người, rồi sờ đến chiếc ba lô, phải một lúc cụ mới tin là mình thực sự còn sống…”.

Bà con làng xóm nghe tin ông trở về đến chia vui, tiếng cười tràn ngập căn nhà bé nhỏ, nhưng hạnh phúc nhất chính là người mẹ già, khi được đem bức ảnh con trai mình trên ban thờ cất đi. Lưu Xuân Cải ngậm ngùi nói tiếp: “Tôi trưởng thành là nhờ ơn Tổ quốc, nhờ ơn nhân dân đã rèn luyện, đùm bọc, nhưng thiêng liêng nhất là những người mẹ, trong đó có mẹ tôi…”.

Sau này, Lưu Xuân Cải về công tác ở Quân khu 3, giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 350, rồi Phó Tham mưu trưởng Quân khu, ông nghỉ hưu tháng 5-2015 sau 45 năm phục vụ quân ngũ. Giờ đây, với cương vị là Ủy viên BCH Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hải Phòng, trước nhiệm vụ mới, bản lĩnh người lính trong ông vẫn cháy lên niềm lạc quan.

Ông cũng như bao người lính Cụ Hồ khác, với cuộc sống mà ông và đồng đội đã đánh đổi bằng xương máu, nguyện xả thân hết mình để tự hàn gắn vết thương chiến tranh, cho mình và cho cả mọi người.

Thiếu tướng Lưu Xuân Cải – người con ưu tú của Hải Phòng đã đi qua cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc như thế.

Trường Giang – Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông