14:18 28/12/2023 Sáng 28/12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố do đồng chí Lã Thanh Tân - Ủy viên Thành ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Hải Phòng làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố tại huyện Kiến Thuỵ. Cùng đi có các đồng chí là ĐBQH thành phố, đại diện lãnh đạo một sở, ngành thành phố.
Triển khai Chương trình OCOP, thời gian qua, huyện Kiến Thuỵ luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ của các cấp, ngành và cộng đồng địa phương. Công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện giữa các sở, ngành và địa phương ngày càng được thắt chặt đã giúp huyện gặt hái được một số kết quả quan trọng.
Hiện, huyện Kiến Thụy có 43 sản phẩm của 16 chủ thể đã được đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao. Các sản phẩm tham gia chương trình thuộc các nhóm thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ. Trong đó, có 15 sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm sau khi tham gia chương trình đã được cải tiến, hoàn thiện về chất lượng, bao bì, nhãn mác, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của thị trường.
Khối lượng sản phẩm hàng hóa theo đó không ngừng được tăng lên, từng bước tạo được lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm. Chương trình OCOP đã tạo ra phong trào khởi nghiệp sâu rộng tại các địa phương, thu hút thanh niên trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của người dân. Tiêu biểu có thể kể đến một số sản phẩm như: tinh bột củ sen, trà củ sen, nấm đông trùng hạ thảo...
Tại buổi khảo sát, đoàn công tác đã tiến hành khảo sát thực tế tại Hợp tác xã sản xuất mật ong Tùng Hằng (HTX), thôn Đông Tác 2, xã Đại Hợp, Kiến Thụy. Đây là đơn vị có 2 sản phẩm OCOP 4 sao là mật ong hoa rừng ngập mặn và mật ong hoa táo Bàng La. Từ năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2023 số lượng tem sử dụng cho sản phẩm OCOP của HTX là 22.000 tem. Thời gian qua, HTX đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT mới trong việc nuôi ong để tạo ra năng suất cao dưới rừng ngập mặn. Áp dụng công nghệ máy hạ thủy phần mật ong trong việc sơ chế bảo quản đảm bảo mật ong có hàm lượng nước dưới 23%, theo đúng tiêu chuẩn mật ong của Việt Nam. HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, Bưu điện Hải Phòng, sàn điện tử POTMART, SALE 168,... nên sản phẩm mật ong của HTX có đầu ra ổn định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Kiến Thụy nói chung, HTX sản xuất mật ong Tùng Hằng nói riêng còn vấp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định.
Tại buổi làm việc, cùng với việc giải trình thấu đáo mọi vấn đề mà các thành viên trong Đoàn khảo sát đặt ra, phía địa phương và HTX sản xuất mật ong Tùng Hằng đã kiến nghị với Đoàn ĐBQH thành phố đề xuất với thành phố một số vấn đề liên quan đến công tác bảo hộ sản phẩm, quỹ đất xây dựng trụ sở HTX, cơ chế bảo vệ rừng ngập mặn; hỗ trợ công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, nhất là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, trang mạng xã hội…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Hải Phòng Lã Thanh Tân thay mặt đoàn công tác trân trọng tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của địa phương và HTX sản xuất mật ong Tùng Hằng, đồng thời đề nghị địa phương, HTX tiếp thu các ý kiến đánh giá, góp ý của các thành viên trong đoàn khảo sát; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách phát luật về chương trình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ thể sản xuất và các tầng lớp Nhân dân về Chương trình OCOP nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả triển khai chương trình trong thời gian tới…
KC
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024