15:32 10/01/2018 Không gian tuổi thơ của nhân vật chính trong cuốn sách – cậu bé Kem – là một khu tập thể trong bối cảnh Hà Nội đầu những năm 80 của thế kỷ 20, những năm kinh tế “bao cấp” với muôn vàn câu chuyện đáng nhớ. Ở “khu tập thể có giàn hoa tím”, trẻ con lê la rủ nhau bắt ve, bắt châu chấu, tập bơi với chiếc can nhựa, chơi cờ quân sự, chơi chọi kiến, chơi đồ hàng, chơi chuyền… với những niềm vui mà hẳn những bạn nhỏ bây giờ khó tưởng tượng được.
Đến tận bây giờ, tác giả vẫn nhớ, cả tuổi thơ của mình là một trời tím biếc hoa sắn dây che nắng lấp lánh khoảng sân trước nhà. Giàn sắn dây làm vợi đi cái nắng gắt ở giữa sân để trẻ con chơi trốn tìm, đuổi bắt, song phi… Hay những hôm trời mưa, trẻ con trốn bố mẹ tắm mưa, nghịch nước thỏa thích. Những ngày cuối tuần đặc biệt được lên bờ Hồ ăn kem, hay những ngày hè về quê “chơi với con vàng, sẽ được nằm chõng, sẽ được bơi ở sông, sẽ được cưỡi trâu, sẽ được bao nhiêu là thứ thú vị khác”…
Những mẩu chuyện nhỏ của Đức Phạm đều là những câu chuyện có thật, được "chưng cất" từ những kỷ niệm tuổi thơ vẫn vẹn nguyên trong ký ức của tác giả. Với lối kể chuyện hài hước, có duyên, Đức Phạm dẫn dắt độc giả trở lại miền ấu thơ của anh, hòa trong bầu không khí rộn ràng, tươi vui của lũ trẻ phố tinh nghịch, hồn nhiên. Cuốn sách như một cuốn phim hiện ra có cả không gian, thời gian, mưa nắng, âm thanh và những giọt mồ hôi nhễ nhại, ngày đông giá rét hay kì nghỉ hè… Ở đó, người đọc như cảm thấy một trời tuổi thơ của mình bỗng náo nức ùa về.
Tác giả Đức Phạm đã viết “Khu tập thể có giàn hoa tím” với tâm niệm “Mỗi ngày viết ra được đôi điều nhỏ nhặt. Để nhớ là mình luôn sống trong yêu thương” và cuốn sách là món quà để anh “viết tặng gia đình tôi, tuổi thơ tôi… đặc biệt dành tặng hai con gái nhỏ Minh Anh và Bảo Linh của bố”.
Hoàng Triệu
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh