10:20 04/07/2019 Sau gần 10 năm kể từ khi khởi động, ngày 30-6 tại Hà Nội, Chính phủ Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU) chính thức tổ chức lễ ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Sự kiện này mở ra một chương mới cho hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Kễ ký kết diễn ra tại Thủ đô Hà Nội ngày 30-6-2019 (Ảnh tư liệu)
Từ tháng 10-2010, sau khi hoàn tất các thủ tục mang tính kỹ thuật, Chính phủ Việt Nam và EU tuyên bố khởi động đàm phán chính thức EVFTA.
Tính theo giai đoạn, trong khoảng thời gian từ tháng 6-2012 đến tháng 8-2015, với 14 phiên chính thức, nhiều phiên giữa kỳ ở các cấp và nhóm kỹ thuật, hai bên đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về toàn bộ các nội dung cơ bản của Hiệp định.
Với kết quả này này, Việt Nam trở thành nước đầu tiên của khu vực Đông Nam Á kết thúc thành công đàm phán thương mại tự do với EU.
Theo những thỏa thuận ban đầu, EVFTA là một hiệp định có chất lượng toàn diện, cân bằng về lợi ích cho cả hai phía và phù hợp với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Các nội dung chính bao gồm: thương mại hàng hóa; quy tắc xuất xứ; Hải quan và thuận lợi hóa thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; hàng rào kỹ thuật trong thương mại; thương mại dịch vụ; đầu tư; phòng vệ thương mại; cạnh tranh…
Với vị thế là nước có tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất khu vực những năm gần đây, đương nhiên lĩnh vực xuất khẩu được các doanh nghiệp quan tâm chờ đợi nhất từ EVFTA.
Bởi theo lộ trình, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế suất nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam, sau 7 năm sẽ xóa bỏ 99,2% dòng thuế.
Đối với tỷ lệ nhỏ kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Tương tự về phần mình, Việt Nam cam kết xóa bỏ 65% số dòng thuế ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, trong 10 năm tiếp đó số dòng thuế được Việt Nam xóa bỏ cho EU sẽ nâng đến tỷ lệ 99%, số còn lại cũng được áp dụng hạn ngạch thuế quan với mức 0%.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Hải Phòng
Tuy nhiên, sau khi đạt được những kết quả nêu trên, nhưng do phát sinh một số vấn đề liên quan thẩm quyền phê chuẩn, EU đề nghị tách nội dung bảo hộ đầu tư thành một hiệp định riêng biệt. Theo đó, nội dung về đầu tư trong EVFTA chỉ gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài; nội dung về bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp được tách riêng trong hiệp định khác.
Vì vậy tháng 6-2018, Việt Nam và EU chính thức thống nhất việc tách thành hai hiệp định, gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Đồng thời tiến tới hoàn tất rà soát pháp lý đối với EVFTA, thống nhất nội dung của EVIPA, trên cơ sở đó được Ủy ban châu Âu và Hội đồng Liên hiệp châu Âu thông qua quyết định ký kết.
Như vậy, việc ký kết các Hiệp định đã tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam và cả EU. Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, điều quan trọng là, mặc dù EU là thị trường xuất khẩu lớn, nhưng thực tế thị phần hàng hóa của Việt Nam còn rất khiêm tốn.
Vì vậy, EVFTA sẽ khiến hàng hóa Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá, nhất là những sản phẩm truyền thống chủ lực đang chịu thuế suất cao như dệt may, giày dép, nông sản...
Ở chiều ngược lại, nguồn nguyên vật liệu, công nghệ, thiết bị chất lượng cao nhập từ EU sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước, nâng cao hiệu suất lao động và chất lượng sản phẩm. Đây cũng chính là niềm khát khao của kinh tế Việt Nam, khi rất nhiều ngành hàng đang phải chịu sức ép từ các thị trường khác.
Về thương mại dịch vụ và đầu tư, Việt Nam và EU cam kết một môi trường thuận lợi, trong đó có nhiều nội dung cởi mở hơn tiêu chuẩn của WTO. Các lĩnh vực được ưu tiên gồm một số dịch vụ chuyên môn, tài chính, viễn thông, vận tải, phân phối… với các điều kiện bảo hộ song phương quy mô đối xử quốc gia. Điều này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội hấp dẫn hơn cho thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam.
Một nội dung quan trọng khác được đề cập là những cam kết sở hữu trí tuệ về bản quyền, phát minh, sáng chế, chỉ dẫn địa lý… Trong đó về chỉ dẫn địa lý, Việt Nam sẽ bảo hộ khoảng 160 chỉ dẫn của EU và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam hầu hết liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho nguồn hàng này tiếp cận tốt hơn tại thị trường EU.
Về đầu tư công, một vấn đề khá mới trong nội hàm khái niệm tự do thương mại đối với Việt Nam, hai bên cũng thống nhất các nội dung tương đương với hiệp định mua sắm của Chính phủ trong WTO. Cụ thể là một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu… phía EU cam kết hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam thực thi các nghĩa vụ này.
Bên cạnh đó, EVFTA, EVIPA cũng bao gồm các nội dung liên quan tới cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, phát triển bền vững… phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên phát triển quan hệ thương mại toàn diện.
Trở lại với việc ký kết 2 Hiệp định nêu trên ngày 30-6-2019 tại Hà Nội, đánh giá về điều này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sự kiện “đã mở ra chân trời hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn giữa Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên”.
(Còn nữa)
Lê Minh Thắng
18:01 14/11/2024
10:46 07/07/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết