Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân 2019: Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn

18:42 11/03/2019

Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân 2019 – Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia – sẽ được tổ chức từ ngày 12 – 14/3 (tức ngày 7 – 9/2 âm lịch) tại thành phố Hải Phòng, với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn.

Điểm nhấn đặc sắc của lễ hội chính là Lễ khai mạc và Lễ rước truyền thống với sự tham gia của gần 1000 người dân địa phương mặc trang phục truyền thống. Hải Phòng có hơn 400 lễ hội nhưng lễ rước cổ tại Lễ hội Nữ tướng Lê Chân là duy nhất, tạo nên nét đẹp khác biệt trong lễ hội văn hóa tâm linh.

Để tái hiện được hồn cốt của Lễ rước cổ, Ban tổ chức lễ hội đã cùng các chuyên gia văn hóa nghiên cứu, tìm hiểu và cố gắng thu thập tài liệu về lễ rước cổ để phục dựng và tái hiện lại chính xác nhất.

                                                  Chợ quê đã trở thành ‘thương hiệu’ của Lễ hội Nữ tướng Lê Chân

Lễ Rước gồm 2 đoàn rước: Đoàn 1, rước từ Đền Nghè đi theo các tuyến phố Lê Chân - Mê Linh – đường Nguyễn Đức Cảnh – đường trước Quán Hoa – đường Quang Trung;  Đoàn 2, rước từ đình An Biên đi theo các tuyến phố: Hai Bà Trưng - Cát Cụt- Nguyễn Đức Cảnh- tượng đài Nữ tướng Lê Chân và cùng hợp lại tại khu vực quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân để tổ chức lễ khai mạc.

Lễ khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân diễn ra vào 20 giờ ngày 13-3-2019 tại Khu Di tích Nữ tướng Lê Chân, với phần lễ và phần hội (biểu diễn nghệ thuật) đặc sắc.

Với sân khấu cùng hệ thống âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, trang phục... được đầu tư hoành tráng, chuyên nghiệp, chương trình hứa hẹn sẽ đem đến cho nhân dân và du khách những hình ảnh đẹp mắt, ấn tượng nhất về mảnh đất và con người Hải tần phòng thủ.

Lễ rước bộ theo nghi thức truyền thống là nét đặc sắc chỉ có ở lễ hội Nữ tướng Lê Chân.

Chủ tịch UBND quận Lê Chân, ông Phạm Tiến Du - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội - cho biết: "Hoạt động  ấn tượng nhất của lễ hội là màn rước. Nó tạo ra sự hồ hởi, phấn khởi, sự tham gia của cộng đồng dân cư, của nhân dân các địa phương và các phường. Mọi người cũng đang háo hức chờ đón và chuẩn bị khá tốt. Năm ngoái và năm kia, không có chúc văn.

Năm nay, chúng tôi duy trì chúc văn. Và để thu hút khách du lịch và quảng bá hình ảnh thành phố Hải Phòng và quận Lê Chân, năm nay, chúng tôi mời 20 đoàn khách các quận huyện, các thành phố kết nghĩa".

Diễn ra trong 3 ngày, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm nay còn có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí hấp dẫn. Ngày 12-3, Lễ dâng hương, Lễ Cáo yết tại đền Nghè và đình An Biên (7h); Hoạt động Chợ quê tại Hai bên Tượng đài Nữ tướng Lê Chân (8h); Chương trình Văn nghệ dân gian và Duyên dáng Lê Chân diễn ra tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân (20h).

Ngày 13-3, các hoạt động dâng hương, tế, lễ  sẽ được diễn ra tại Đền Nghè và đình An Biên (từ 18h30’); Lễ khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân tại Quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân (20h00’); Ngày 14-3, từ 7h: nhân dân và du khách thập phương dâng hương và các hoạt động tế, lễ... tại Đền Nghè, đình An Biên, tượng đài Nữ tướng Lê Chân; Biểu diễn Võ dân tộc tại Sân Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố (8h00’); Chương trình cờ người và các trò chơi dân gian (bịt mắt bắt vịt, đánh chắt, chuyền, trò chơi ô ăn quan, nhảy dây, nhảy bao bố, rồng rắn lên mây...) diễn ra lúc 9h tại sân Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật thành phố; từ 15h: Lễ tạ Tại đền Nghè và đình An Biên.

Ngoài ra, trong suốt thời gian diễn lễ hội còn chuỗi các hoạt động hưởng ứng như :  Giải chạy tập thể Olympic vì sức khỏe toàn dân; giải Vật tự do thành phố năm 2019; các hoạt động văn nghệ của Bảo tàng Hải Phòng; các hoạt động kỷ niệm 1979 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 109 năm ngày Quốc tế Phụ nữ và các hoạt động kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng  sản Hồ Chí Minh…do các phòng, ban, đơn vị, các tổ chức Hội và chính quyền địa phương quận Lê Chân phối hợp thực hiện.

Thái Bình

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông