09:31 22/11/2023 Đảo Ngọc hiện đang sở hữu một kho báu mang tên voọc Cát Bà. Du khách đến với đảo đều ấp ủ hy vọng sẽ được một lần tận mắt chiêm ngưỡng những chú voọc quý hiếm này trong chuyến du lịch nghỉ dưỡng của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn bắt gặp được chúng.
Voọc đầu trắng hay còn gọi là Voọc Cát Bà có tên khoa học: Trachypithecus poliocephalus, là loài linh trưởng chỉ còn tồn tại duy nhất trên quần đảo với vùng lõi là Vườn Quốc gia Cát Bà, nằm trong danh mục đỏ của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.
Voọc Cát Bà có thể sống đến 25 năm, chiều dài cơ thể 47-53 cm, đuôi dài gần gấp đôi cơ thể giúp chúng giữ thăng bằng khi di chuyển. Chòm lông màu vàng trên đầu voọc sẽ nhạt dần theo năm tháng.
Voọc cái đẻ mỗi lần một con sau 6 tháng mang thai. Voọc con lông màu vàng cam, sau khoảng 2 tháng chuyển màu đen. Con non quấn mẹ và phải thật sự thấy an toàn và ở trong vùng kín đáo, chúng mới tự mình khám phá thế giới. Khi di chuyển, voọc con sẽ được mẹ hoặc các con lớn khác trong đàn bế trước ngực. Lên 6 tuổi, voọc sẽ bị đuổi ra khỏi đàn.
Khi cảm thấy đủ mạnh, voọc đực sẽ khiêu chiến con đầu đàn để trở thành kẻ đứng đầu. Trải qua trận chiến sống còn, nếu con đực mới chiến thắng sẽ tìm cách giết con non của con đực cũ. Đây là hành vi tự nhiên nhưng cũng khiến nhiều con non được sinh ra song không thể trưởng thành.
Voọc Cát Bà thường trèo lên ngọn cây cao hoặc núi đá vôi lởm chởm, sắc nhọn sát biển để kiếm ăn. Thức ăn của chúng là lá, quả cây rừng, thậm chí cả nhiều loại có độc như quả sơn. Chúng còn biết dùng đuôi nhúng xuống nước biển để thử độ mặn, nhạt khi nắng to, khô hạn, núi đá không còn nước.
Khi trời còn râm mát, đàn voọc sẽ di chuyển ra khu vực trên núi đá vôi sát biển để kiếm lá cây, hoa quả. Khoảng 9h, chúng kéo nhau vào rừng, đến đêm mới chui vào hang đá nghỉ.
Trong lúc cả đàn kiếm ăn, vui chơi, con đầu đàn sẽ đứng trên mỏm núi cao để quan sát, thi thoảng phát ra những tiếng hú, tiếng gầm gừ cảnh báo. Nếu thấy nguy hiểm lớn, nó sẽ báo động cho cả bầy rút lui vào nơi an toàn.
Đứng trước nguy cơ tuyệt chủng của loài linh trưởng quý hiếm này, huyện đảo Cát Hải và Vườn Quốc gia Cát Bà đã thực hiện nhiều giải pháp từ Dự án bảo tồn Voọc của một số tổ chức phi Chính phủ thuộc Cộng hòa liên bang Đức từ năm 2000 đến nay.
Theo đó, có 3 giải pháp chính được bảo tồn, phát triển đàn Voọc gồm: tuyên truyền để người dân không săn bắn, thiết lập khu bảo vệ nghiêm ngặt, bảo đảm sinh cảnh thích hợp và tăng khả năng sinh sản cho loài Voọc.
Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Cát Bà cùng Dự án bảo tồn Voọc còn triển khai hai chương trình: “Người gác Voọc” và “Câu lạc bộ bảo vệ rừng ở các xã trên đảo Cát Bà” kết hợp với tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng; xử nghiêm những trường hợp săn bắn trái phép để bảo vệ khu vực sống, sinh cảnh cho đàn Voọc phát triển.
Chính nhờ vậy, từ chỗ là nạn nhân của săn bắn bừa bãi, đến nay voọc Cát Bà được bảo vệ, sinh sôi và trở thành biểu tượng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà.
Từ chưa tới 40 cá thể năm 2000, quần thể Voọc Cát Bà giờ đã tăng lên 80 cá thể, phân bố chủ yếu tại 3 khu vực Giỏ Cùng, hang Cái và Cửa Đông.
Để tiếp tục bảo vệ, phát triển quần thể voọc quý hiếm, Vườn Quốc gia đang phối hợp với Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà và các nhà khoa học hàng đầu cả nước và quốc tế khảo sát, nghiên cứu đưa ra giải pháp di chuyển các con đực chưa có đàn sang khu vực khác, tránh tình trạng cướp đàn; đảo các cá thể đầu đàn tránh tình trạng giao phối cận huyết và di chuyển đàn khỉ vàng ra khỏi khu vực có voọc sinh sống.
Voọc Cát Bà là tài sản thiên nhiên quý giá, không chỉ ở Việt Nam. Chính bởi nguy cơ tuyệt chủng cao như vậy nên người dân và khách du lịch cần nâng cao ý thức bảo vệ giống môi trường tự nhiên, góp phần bảo vệ loài động vật quý hiếm này.
Lan Phương
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh