Lừa đảo qua mạng chiêu thức cũ – hậu quả mới. Kỳ 1. Trắng tay sau một cú điện thoại

09:11 22/04/2018

Theo thống kê của Công an thành phố, chỉ trong vòng 2 năm từ tháng 4-2016 đến tháng 4-2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 34 vụ kẻ xấu lợi dụng mạng viễn thông, mạng Internet thực hiện hành vi lừa đảo. Con số 23 tỷ đồng mà chúng đã chiếm đoạt được là con số đáng báo động về vấn nạn lừa đảo qua mạng, đồng thời cũng là hồi chuông cảnh báo trong quần chúng nhân dân.

Lợi dụng giao thức kết nối Internet (VoIP), giả danh cơ quan pháp luật hay nhà mạng, gọi điện cho người dân thông báo bị hại đang vướng vào đường dây buôn bán ma túy hoặc rửa tiền,… khiến các nạn nhân rối trí, mất phương hướng rồi chiếm đoạt tài sản đang là chiêu thức cũ song được nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng, gây nên những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Chỉ một cú điện thoại được lên kịch bản vô cùng chi tiết, không ít người đã tự biến mình thành nạn nhân bi hài, mất trắng hàng tỷ đồng.

Tại Hải Phòng, chỉ tính riêng trong 2 năm vừa qua đã xảy ra 24 vụ sử dụng giao thức kết nối VoIP để giả danh các đầu số viễn thông giống với số điện thoại của lực lượng Công an như: +000113, +84000113… hay sử dụng các số sim rác, số máy “ảo” giả danh các lực lượng chức năng, các nhân viên hải quan, an ninh sân bay thông báo nạn nhân liên quan đến hành vi phạm tội, qua đó đe dọa và yêu cầu các nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản đã định sẵn.

Hầu hết những “con mồi” được đối tượng lừa đảo nhắm đến đều là những người có điều kiện, trong tài khoản ngân hàng có một số tiền lớn. Đơn cử là trường hợp của anh Nguyễn Trí S. Ngày 25-6-2017, anh S.nhận được một cuộc điện thoại gọi đến số máy bàn của mình (0225.382.8002) tự xưng là nhân viên VNPT thông báo đang nợ cước viễn thông và yêu cầu lấy số điện thoại di động để liên lạc. Sau đó có 2 người đàn ông gọi điện thoại cho anh S. từ số máy 0693187200 xưng tên là Trung uý Nguyễn Thế Hào và Trung tá Đặng Hoàng Sơn ở PC45 Công an TP Hồ Chí Minh, thông báo anh S. liên quan đến vụ án rửa tiền hiện đang điều tra. 2 kẻ này yêu cầu anh S. rút hết tiền trong tất cả các tài khoản hiện có và gửi tiền vào tài khoản số 8801205084974 Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Lào Cai mang tên Vũ Thị Thái để phục vụ công tác điều tra của cơ quan công an. Mặc dù bản thân không làm gì sai trái, nhưng trước lời dung dọa, bịa đặt đầy tính thuyết phục của chúng, cùng với nỗi lo lắng sẽ bị vướng vào vòng lao lý, ngày 26-7-2017, anh Nguyễn Trí S. đã chuyển tổng cộng số tiền hơn 2,1 tỷ đồng của mình vào tài khoản của Vũ Thị Thái. Tuy nhiên trên thực tế không hề có cán bộ phòng PC45 Công an TP. Hồ Chí Minh nào gọi điện cho ông S. và số tiền mà ông gửi đi cũng đã bốc hơi một cách đầy bí ẩn. Sự việc đã được cơ quan chức năng vào cuộc và làm rõ.

Tương tự là trường hợp của chị Đoàn Thị Mai H. (sinh năm 1973, Lê Chân). Theo đó, ngày 19-10-2017, Công an quận Lê Chân nhận được đơn trình báo của chị Đoàn Thị Mai H. về việc bị một nhóm đối tượng giả danh Công an gọi điện thông báo có liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy, bắt cóc tống tiền, rửa tiền. Để tăng thêm tính thuyết phục, nhóm đối tượng đã gửi qua zalo cho chị H. một lệnh bắt khẩn cấp giả và yêu cầu chị H. chuyển ngay tiền vào tài khoản số 106000431486 của Ngân hàng Vietinbank Hà Nội mang tên Nguyễn Phương Thảo. Quá choáng với thông tin mình nhận được, chị H. đã đến ngân hàng chuyển toàn bộ số tiền hơn 2,3 tỷ đồng vào tài khoản trên và bị chiếm đoạt ngay sau đó.

Nhận được đơn trình báo của chị H., lực công an đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ và đã kịp thời tìm ra đối tượng mang tên Thảo. Theo lời khai, Thảo là người làm thuê cho Đại lý thu đổi ngoại tệ tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Trong quá trình làm ăn, Thảo quen biết một người phụ nữ Trung Quốc tên là Li Yan Qin (tên thường gọi là Khoằn) làm đại lý đổi tiền ở Trung Quốc. Ngày 19-10-2017, Qin nhắn tin qua wechat nhờ Thảo cho mượn tài khoản Vietinbank để nhận số tiền 2,3 tỷ đồng của chị Đoàn Thị Mai H. Sau khi nhận tiền, theo sự hướng dẫn của Qin, Thảo chuyển tổng cộng số tiền 2,550,593,000VNĐ vào 6 tài khoản khác nhau cho Qin. Vụ án hiện đang thụ lý điều tra.

Các đối tượng lừa đảo khá tinh vi khi đưa ra những bằng chứng khá thuyết phục khiến người bị hại răm rắp nghe theo (Nguồn ảnh: internet)

Cũng với thủ đoạn tương tự như trên, chị Phạm Kim H. (Sinh năm 1968, Hồng Bàng, Hải Phòng) đã dễ dàng bị kẻ xấu lợi dụng, chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng. Theo đó, vào trưa 14-11-2017, chị Hạnh nhận được điệu thoại của một số “cán bộ cao cấp” của Công an gọi điện yêu cầu phối hợp điều tra vụ án ma túy mà chị có liên quan đến chị. Bằng những chiêu thức ma quái, bọn này đã thuyết phục được nạn nhân chuyển 7.168.000.000 đồng vào 3 tài khoản ngân hàng: Ngân hàng Công thương - chi nhánh TP Hồ Chí Minh (số tài khoản: 107867741807); ngân hàng TMCP Quân Đội (số tài khoản: 1600106115002) - chi nhánh Hồ Chí Minh; ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (số tài khoản: 0551000246910) - chi nhánh Móng Cái, Quảng Ninh. Sau khi đã chuyển hết số tiền hơn 7 tỷ đồng theo hướng dẫn, chị H. mới phát hiện ra số tiền mà mình tích góp bấy lâu nay đã bị kẻ xấu lừa sạch.

Đáng nói, ngoài những vụ lừa đảo đang được công an thụ lý giải quyết, cũng có những trường hợp mà bị hại đã may mắn lấy lại được số tiền đã mất. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Hữu Q. (sinh năm 1950, Ngô Quyền, Hải Phòng). Ngày 12-7-2017, ông Q. nhận được một cuộc gọi đến số máy bàn của mình từ một nhóm đối tượng lạ mặt. Nhóm này yêu cầu ông Q. chuyển số tiền 56 triệu đồng vào tài khoản số 0531000289591 của ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Đông Sài Gòn mang tên Lương Thị Thu Uyên. Ông Q. sau đó đã “sực tỉnh” vội gửi đơn tố giác đề nghị công an vào cuộc và các trinh sát Phòng PC46 – CATP đã kịp thời phong tỏa tài khoản trên và triệu tập Lương Thị Thu Uyên đến làm việc. Uyên đã khai tài khoản trên được mở để buôn bán tiền ảo bitcois và được một người bạn cùng quê tên Vương Ngọc Ánh mượn để nhận số tiền 56 triệu đồng. Tại cơ quan Công an, Ánh khai nhận số tiền trên là của một người Đài Loan có số điện thoại +886979895410 nhắn tin qua phần mềm Whatsapp mua bitcoins của Ánh nhờ Ánh nhận hộ. Phòng PC46 đã làm thủ tục trả lại số tiền trên cho ông Q.

Trên đây chỉ là một số vụ lừa đảo qua mạng dưới hình thức sử dụng VoIP giả danh cán bộ Công an để đe dọa chiếm đoạt tài sản đang được CATP thụ lý.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 8 ngân hàng đã được các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi chiếm đoạt gồm Agribank, Seabank, BIDV, Sacombank, Vietcombank, Vietinbank, Techcombank, Mbbank. Trong đó ngân hàng bị chúng sử dụng nhiều nhất là ngân hàng BIDV với 10 tài khoản, còn hầu hết là từ 5-7 tài khoản. Chủ tài khoản mà các nạn nhân đã chuyển tiền theo yêu cầu chủ yếu ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Móng Cái – Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Vũng Tàu và một số tỉnh, thành khác. Các đối tượng gây án chủ yếu là người Trung Quốc có những giao dịch làm ăn với khách hàng tại Việt Nam, sau đó chúng lợi dụng danh nghĩa, mượn tài khoản ngân hàng của người Việt để thực hiện hành vi lừa đảo.

Một điều đã được khuyến cáo rất nhiều lần, đó là các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là lực lượng công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại mà sẽ trực tiếp gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập yêu cầu đương sự đến cơ quan công an để làm việc. Đồng thời, cơ quan công an cũng không sử dụng tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân và không yêu cầu đương sự phải chuyển tiền đến tài khoản để xác minh nguồn gốc số tiền. Bởi vậy, khi nhận được những cuộc gọi lạ, yêu cầu cung cấp thông tin, số tài khoản thì người dân cần cảnh giác, nhanh chóng báo cho cơ quan công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn. Trong trường hợp đã chuyển tiền, người bị hại cần liên hệ ngay với cơ quan công an, ngân hàng để phong tỏa tài khoản. Đồng thời, người dân cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, thông báo các thủ đoạn lừa đảo cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là những người lớn tuổi.

Hải Ngân

(còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông