Lực lượng CAND khẳng định vai trò tiên phong, dẫn dắt trong tiến trình chuyển đổi số Quốc gia

17:18 13/03/2024

Sáng 13/3, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Đề án 06/CP (BCĐ) của Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy Đề án 06/CP, chuyển đổi số trong CAND. Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Đề án 06/CP Bộ Công an chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Cùng dự có các đồng chí Thứ trưởng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số và Đề án 06/CP Bộ Công an. Tại điểm cầu Hải Phòng, Thiếu tướng Vũ Thanh Chương - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc CATP dự, chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Đại tá Bùi Trung Thành - Phó Giám đốc CATP, Đại tá Lê Trung Sơn - Phó Giám đốc CATP và lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng

Sau 3 năm triển khai chuyển đổi số, 2 năm triển khai Đề án 06/CP, lực lượng CAND đã khẳng định rõ vai trò thường trực, tiên phong, dẫn dắt trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Với việc đã xác định được các điểm nghẽn, những vấn đề phát sinh trong năm 2022, năm 2023 là năm dữ liệu quốc gia, công tác triển khai Đề án 06/CP của lực lượng CAND đã đạt được những kết quả quan trọng, đột phá, bảo đảm được tiến độ đặt ra, xác định nền móng triển khai đến năm 2025 và năm 2030, tạo đà quan trọng đưa Việt Nam thăng hạn trên bản đồ chuyển đổi số của thế giới, đưa ứng dụng VNeID trở thành nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và điều hành, quản lý của Nhà nước.

Hành lang pháp lý, các cơ chế, chính sách pháp luật về phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư từng bước được hoàn thiện; hệ thống hạ tầng từng bước được xây dựng hiện đại. Phần mềm phục vụ công tác nghiệp vụ đã có bước chuyển mình đột phá, giúp ngành Công an chuyển đổi trạng thái làm việc của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) từ thủ công lên môi trường điện tử.

Công tác phát triển công dân số đạt được nền tảng quan trọng, góp phần thành công lớn vào năm dữ liệu quốc gia. Hiện, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC) đã kết nối với 18 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương, góp phần bổ sung và “làm giàu” dữ liệu.

Khép lại năm 2023, cả nước đã có trên 84,9 triệu thẻ CCCD gắn chíp điện tử được cấp cho 100% công dân đủ điều kiện, lần đầu tiên Việt Nam có nền tảng định danh quốc gia, dữ liệu dân cư được ngành duy trì bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”.

Các dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh thực hiện với bước đột phá là 25/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân, đặc biệt, hai dịch vụ công liên thông gồm: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiếm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí đã được Chính phủ công bố triển khai trên toàn quốc từ ngày 10/7/2023. Riêng Bộ Công an đã mở rộng cung cấp 224/224 dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại rất nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm được nguồn chi phí rất lớn.

Năm 2024, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Đề án 06/CP của Bộ Công an xác định rõ các nhóm nhiệm vụ trọng tâm cho các cục nghiệp vụ và Công an các địa phương. Theo đó, các cục nghiệp vụ phấn đấu hoàn thành 24 nhiệm vụ về xây dựng hành lang pháp lý. Công an các địa phương tập trung cao cho việc triển khai 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị các cục nghiệp vụ, Công an các địa phương cần tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ theo đúng lộ trình của Bộ đã đề ra; quyết liệt hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tăng cường sự lãnh đạo của BCĐ theo 4 cấp. Cấp uỷ, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương, Giám đốc Công an các tỉnh/thành phố, Cục trưởng các cục nghiệp vụ cần nhận thức rõ chuyển đổi số là xu hướng tất yếu cần phải tập trung thực hiện từ những việc cụ thể, thiết thực nhất.

Các đồng chí Thiếu tướng Vũ Thanh Chương - Giám đốc CATP, Đại tá Lê Trung Sơn – Phó Giám đốc CATP cùng lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương dự hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng

Các cơ quan tham mưu cho BCĐ của Bộ cần làm tốt công tác tham mưu, cụ thể hoá các mục tiêu bằng những giải pháp, công việc cần phải làm, phân công đơn vị thực hiện cụ thể.

Cục trưởng, Giám đốc Công an các đơn vị, địa phương phải làm tốt công tác tham mưu triển khai đề án cho BCĐ tại đơn vị, địa phương mình; tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, chủ động đề xuất các giải pháp khắc phục để triển khai hiệu quả.

Mặt khác, tập trung rà soát lại toàn bộ các văn bản, quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chuyển đổi số để xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ cho tiến trình chuyển đổi số Quốc gia; ưu tiên hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; chú trọng công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống; đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho đội ngũ CBCS, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tiến trình chuyển đổi số của ngành; tập trung làm sạch dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; đẩy mạnh xây dựng các phần mềm nghiệp vụ…

Bộ trưởng cũng giao Công an các địa phương cần làm tốt công tác tham mưu, báo cáo, đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí triển khai đề án.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông