17:16 24/11/2023 Xuân, hạ, thu, đông là tên Hán Việt của bốn mùa trong một năm. Để tìm về hiểu chúng, người ta đã phân tách mỗi chữ ra làm nhiều thành phần nhỏ để xác định nghĩa của cả chữ (lối chiết tự).
Mùa xuân
Nhìn vào tự dạng chữ Hán “xuân”, các nhà nghiên cứu có thể mô tả không giống nhau, có người cho rằng chữ này gồm 3 chữ: thiên (trời), chữ đại (lớn), chữ nhật (ngày) ghép lại và giải thích: Một ngày mặt trời tỏa nắng ấm, đẹp trời thích hợp là một ngày lễ lớn, ngày đó là ngày xuân (dẫn theo tài liệu lưu hành nội bộ Nhớ Hán tự thông qua chiết tự chữ Hán của Phạm Thị Thái Thủy).
Còn theo cuốn sách Tiếng Trung Tìm về cội nguồn chữ Hán của Lý Lạc Nghị và Jim Walter (học giả Nguyễn Văn Đổng dịch ra Tiếng Việt, NXB Thế giới ấn hành năm 1997), nguồn gốc chữ “xuân” gồm ba chữ ghép lại gồm: nhật (mặt trời), thảo (cỏ), đồn. “Đồn” là cách viết sớm nhất của chữ “xuân”, sau đó thêm mặt trời và cỏ xuân càng làm cho người ta hiểu là mùa xuân đã đến và: “Chữ đồn là gốc của chữ xuân (mùa xuân), chữ này giống như một mầm non vươn lên khỏi mặt đất. Lời bói trong Giáp cốt có chỗ đã viết xuân thành đồn như “Kim đồn thụ niên” có nghĩa là xuân này thêm một tuổi, về sau đồn phần lớn dùng để chỉ nghĩa tụ tập, “trú thủ” đồn trú.”
Tự điển cấu tạo chữ Hán của tác giả Phạm Thúc Hồng (Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), do NXB Đà Nẵng xuất bản năm 2016 giải thích “xuân” là một chữ hội ý của ba chữ ghép lại gồm: “nhật” chỉ ngày hay thời gian, “phong” chỉ nghĩa cây cỏ, “nhân” chỉ ý: Người. Ba yếu tố này: Thời gian, cây cỏ tốt tươi, con người thì vui vẻ, đó là ý nói về “xuân”. Theo soạn giả Phạm Thúc Hồng, chữ “xuân” có các nghĩa sau: 1. Mùa xuân: Xuân quý, xuân phong (gió mùa xuân), 2. Năm: Tân xuân (năm mới), 3. Tươi trẻ: Hồi xuân, Thanh xuân, 4. Tình yêu trai gái: Xuân tình, 5. Phương Đông (theo Ngũ hành): Xuân phương.
Tóm lại, để thể hiện mùa xuân là một khái niệm trừu tượng, ban đầu người Trung Quốc cổ đại vẽ ra hình một cái mầm cây nhú khỏi mặt đất (chỉ sự), thời kỳ sau này lại vẽ thêm cỏ và mặt trời, chữ “xuân” trở thành chữ “hội ý”, làm rõ hơn nghĩa biểu đạt về mùa xuân, tồn tại cho đến ngày nay. Các nhà nghiên cứu Hán ngữ đánh giá cách viết chữ “xuân” từ Giáp cốt văn, Kim văn, Tiểu triện, Lệ thư, Khải thư, Khải thư, Thảo thư, Hành thư, đều bao gồm biểu tượng của mặt trời và cây cỏ, với hàm ý rằng: Khi mặt trời chiếu ánh nắng xua đi lạnh giá của mùa đông, để cây cối nẩy lộc, mầm non đâm chồi, vạn vật hồi sinh, ấy là mùa xuân đến, bắt đầu của một năm mới nhiều hy vọng.
Từ ý nghĩa đó lại phái sinh ra các nghĩa chỉ năm (như tân xuân: năm mới), rồi tuổi (tuổi xuân, xuân xanh, ví dụ: “Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng/ Vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay (thơ Tố Hữu); “Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân (trích Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương), hay "Phong lưu rất mực hồng quần,/ Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê." (câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du).
Vì mùa xuân vạn vật phát triển, đầy sức sống nên từ “xuân” còn một nghĩa phái sinh nữa là tuổi trẻ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Tuổi xuân là tuổi trẻ: “Hỡi người con gái đang dãi dầu mưa nắng Trường Sơn. Tuổi xuân em phơi phới năm xưa đi mở đường” (trích bài hát Em ở nơi đâu của nhạc sĩ Phan Nhân).
Vì mùa xuân gắn với cây cối đâm chồi nảy lộc, phát triển xanh tươi nên màu xanh là đặc trưng của mùa này, do đó kho chữ Hán lại có từ ghép “thanh xuân”. Từ điển Truyện Lục Vân Tiên (do tác giả Nguyễn Quảng Tuân và Nguyễn Khắc Thuần biên soạn, NXB Thanh Niên xuất bản năm 2004) giải thích: “Thanh xuân: Nguyên nghĩa là xuân xanh, tức cái vẻ tươi tốt của cây cỏ trong mùa xuân. Người ta ví mùa xuân của trời đất với tuổi trẻ của con người, nên chữ thanh xuân cũng được hiểu là tuổi trẻ.”
Nhưng đến một lúc nào đó, theo qui luật tự nhiên “xuân” với nghĩa là “năm”, là “tuổi” lại mâu thuẫn với “xuân” có nghĩa là tươi trẻ lý do: "Mỗi năm mỗi tuổi như đuổi xuân đi" (thành ngữ), “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi” (lời bài hát Mừng tuổi mẹ của nhạc sĩ Trần Long Ẩn).
Chữ “xuân” có nhiều nghĩa như vậy, do đó chúng ta nên chú ý sử dụng cho phù hợp với từng văn cảnh.
Mùa hạ
Nhìn vào chữ Hán này, nhiều người có cách chiết tự, lý giải khác nhau. Một tác giả trên trang mạng Tự nguyên chữ Hán (đường dẫn https://www.facebook.com/leikhiangtswien?locale=ar_AR) cho rằng chữ “hạ”: “Là tượng hình một người gồm đầu (tỉnh lược của chữ “hiệt”) và chân chữ “tuy”. Thực ra, cũng giống như chữ Xuân, chữ Hạ ban đầu có "mặt trời" để biểu thị khái niệm liên quan đến "mùa". Chữ Hạ ban đầu trong giáp cốt văn và kim văn là hình ảnh một người ngước mắt nhìn mặt trời, biểu ý chỉ "mùa hạ". Sau đó chữ này được giả tá cho khái niệm "người Hạ" (Hoa Hạ) và ý nghĩa chính của chữ chuyển sang khái niệm này, do đó hình ảnh mặt trời bị bỏ đi, thay vào đó hai tay được thêm vào với phần chân. Cuối cùng hai tay lại rụng đi và hình thành dạng Khải thư như bây giờ.”
Sách Tìm về cội nguồn chữ Hán của Lý Lạc Nghị và Jim Walter, Nguyễn Văn Đổng dịch (NXB Thế Giới, 1997) lại giải thích khác về chữ “hạ”: “Nghĩa gốc là “người Hoa” (Thuyết văn), tức là tên một bộ tộc cổ đại ở vùng Trung Nguyên. Hiện nay người Trung Quốc vẫn xưng là “Hoa Hạ”. Kim văn là hình dạng một người có đầy đủ đầu và chân tay. Chữ hạ trong mùa hạ là từ đồng âm mượn của chữ này.”
Để phân tích, mổ xẻ chữ đang bàn, có nhà nghiên cứu khác lại chiết tự một cách đơn giản, dễ hiểu chữ “hạ” này gồm: chữ “nhất” (một), bộ “chủ”(đôi khi còn được gọi là nét mác), bộ “tuy” (đi dạo), chữ “mục” (mắt) và giải thích: Người đi dạo ngắm, ngước mắt nhìn lên trên cao chỉ còn mặt trời là duy nhất, ấy là biểu tượng chỉ mùa hạ (tham khảo tài liệu của Phạm Thị Thái Thủy đã dẫn ở trên).
Mùa hạ còn được người Việt gọi là mùa hè. “Hạ” là từ Việt gốc Hán, còn “hè” cũng là một từ Việt gốc Hán nhưng xưa hơn cả “hạ”, nó thuộc lớp từ mà một số nhà nghiên cứu Việt ngữ gọi là “tiền Hán Việt” hoặc “cổ Hán Việt”.
Mùa thu
Tự điển cấu tạo chữ Hán của tác giả Phạm Thúc Hồng (NXB Đà Nẵng, 2016) giải thích chữ Hán “thu” là một chữ hội ý, gồm có hai chữ Hán khác ghép lại, đó là: chữ “hòa” (lúa) chữ “hỏa” (màu đỏ, nấu chín), biểu nghĩa lúa chín đỏ ấy là mùa thu. Song theo nghiên cứu đăng trên trang mạng Tự nguyên chữ Hán nêu ở trên, nguồn gốc, ý nghĩa chữ “thu” không hề đơn giản như vậy: “Chữ Thu bây giờ gồm Hoà (cây lúa) và Hoả (lửa), thực ra là đã tỉnh lược hình ảnh một loài côn trùng (có thể là dế hoặc châu chấu), hội ý chỉ mùa thu là mùa phải đốt ruộng sau khi thu hoạch để diệt côn trùng phá hại. Trong giáp cốt văn chữ Thu là tượng hình một loài côn trùng, nhiều khả năng là con dế (dế là loài thu trùng, mùa thu sinh sôi phát triển mạnh, tiếng dế kêu gọi bạn tình là một đặc trưng của mùa thu) hoặc côn trùng bị đốt trên lửa (mùa thu phải đốt lửa để diệt côn trùng phá hoại). Sau này trong văn tự nước Tần dế bị bỏ đi và thay bằng Hòa biểu ý mùa thu là mùa thu hoạch (trong văn tự của các nước khác như Tấn, Sở thì còn có cả mặt trời biểu ý liên quan đến mùa).”
Theo tư tưởng phong kiến Phương Đông và quan niệm văn chương cũ, giữa thiên nhiên, trời đất và con người có mối cảm ứng với nhau. Mùa thu là thời gian cây cối vàng úa, làm cho người ta liên tưởng đến sự hoang tàn, điêu linh, sầu thảm. Bên cạnh đó, theo quy luật sản xuất nông nghiệp xa xưa mùa thu và đông là mùa nông nhàn, do vậy từ thời Tây Chu đã có tục lệ hành quyết tù nhân vào mùa thu (chế độ “Thu quyết”). Quan niệm mùa thu buồn bã này ảnh hưởng đến việc xây dựng chữ Hán, trong cấu tạo chữ “sầu” (buồn bã) có chữ Thu (mùa thu) + chữ Tâm (trái tim, ý niệm, tấm lòng). Văn học Việt Nam cũng có ảnh hưởng điều này, thể hiện trong các bài thơ về mùa thu của Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử v.v. hay trong sáng tác của một số nhạc sĩ tân nhạc…
Mùa đông
“Giáp cốt văn” là hệ thống chữ viết được người thời nhà Thương khắc trên yếm rùa (giáp) và xương thú (cốt). Đây là văn tự cổ đại của Trung Quốc, là hình thái đầu tiên của chữ Hán, đồng thời cũng được coi là một thể của chữ Hán. Đến cuối đời nhà Thương, người ta lại sáng tạo ra “Kim văn” là loại chữ được khắc hoặc đúc trên đồ đồng, loại chữ này rất thịnh hành vào thời Tây Chu.
Các nhà nghiên cứu cho biết chữ Hán “đông” (mùa đông) được tìm thấy trên “Giáp cốt văn” và “Kim văn” giống chữ “chung” (nghĩa là cuối, hết): tượng hình giống như cái dây có hai nút thắt ở hai đầu dây. Hai chữ này có thể cùng gốc và “đông” phái sinh từ “chung”. “Đông” và “chung” (cuối, hết) có thể liên quan đến nhau vì mùa đông là mùa cuối cùng trong năm.
Cũng theo bài đăng trên trang mạng nói ở trên cho biết thêm: “Về sau ở nước Tần nghĩa phù Băng được thêm vào phía dưới để cường hoá và phân biệt nghĩa "mùa đông" (trong khi ở Tề thì thêm nghĩa phù là mặt trời). Tới chữ giản độc thời Tần (tương đối khác với dạng chữ tiểu triện) thì phần chữ Chung phía trên bị viết thành (không liên quan đến Trĩ/Tuy nghĩa là chân!), hình thành chữ với tự dạng giống như ngày nay.”
Tìm hiểu tên gọi các mùa qua lối chiết tự chữ Hán khá thú vị.
Nguyễn Dương
15:05 08/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh