Mô hình nuôi cua biển trong ống nhựa tại xã Tú Sơn: Hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp hiện đại

19:07 28/09/2023

Với niềm đam mê dành cho ngành sản xuất nông nghiệp, ông Bùi Hữu Hưng (trú tại thôn 6 Hồi Xuân, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy) là người đầu tiên trên địa bàn thực hiện mô hình nuôi cua biển trong ống nhựa, bước đầu mang lại những tín hiệu vui, góp phần mang đến một hướng đi mới, một phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại và an toàn hơn để cải thiện sinh kế, thu nhập.
Ông Bùi Hữu Hưng bên mô hình nuôi cua biển trong ống nhựa

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hưng cho biết: ban đầu, ông thử nghiệm nuôi cua trong 20 vỏ thùng sơn, nhưng hiệu quả không cao do khó làm vệ sinh, dễ gây ô nhiễm môi trường nơi cua sinh sống và khó chăm sóc. Sau đó, ông lại mày mò nghiên cứu, chuyển đổi sang nuôi cua trong những ống nhựa lớn.

Mặc dù vất vả hơn do mất nhiều thời gian, công sức gia công, nhưng ống nhựa lại có ưu điểm là bền, chi phí rẻ hơn và dễ dàng làm vệ sinh, bảo đảm được môi trường sạch cho cua sinh trưởng và phát triển.

Để chủ động nguồn cua giống, ông Hưng thu mua trực tiếp từ những người đi soi cua, rọ cua hoặc thả lưới. Qua tìm hiểu, ông nhận thấy nếu nuôi cua từ khi còn nhỏ đến khi xuất bán phải mất khoảng 5 tháng, chi phí và thời gian theo đó cũng tăng lên dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.

Do vậy, cua ông chọn là những con cua bóng (cua óp) có kích thước đã tương đối lớn nhưng thịt chưa được chắc, ông mua về chăm sóc cho đến khi cua chắc thịt là đạt chất lượng, trọng lượng từ 400 - 500g trở lên là có thể xuất bán được. Thời gian từ lúc nuôi cho đến lúc bán thành phẩm dao động từ 30 - 40 ngày.

Thức ăn cung cấp cho cua là con vẹm xanh (con quéo), hàu, dắt (don) biển, ngao, tôm, cá. Nguồn thức ăn hoàn toàn tự nhiên này được thu mua từ các ngư dân vùng biển trên địa bàn. Trung bình một tuần, ông cho cua ăn 2 bữa tôm, 4 bữa ngao hoặc vẹm xanh, 1 bữa cá.

 

Cua được nuôi trong môi trường sạch sẽ, nguồn thức ăn được kiểm soát nên phát triển nhanh, chất lượng tốt

Điều đặc biệt ở phương pháp nuôi cua của ông Hưng chính là nguồn nước. Để tạo điều kiện tối đa cho cua phát triển, hàng tuần, ông lại lặn lội xuống tận biển Đồ Sơn, lấy đầy nước biển đựng vào các thùng chứa lớn để chở về sử dụng.

Việc làm này tưởng chừng như đơn giản, nhưng vốn là người tâm huyết, cẩn trọng, ông phải xem lịch con nước, phải lựa đúng lúc nước biển lên to nhất để lấy, bởi lúc này nước trong nhất, sạch nhất do ít bị lẫn tạp chất. Nước biển sau khi lấy về, phải trải qua các màng lọc rồi mới đưa vào hệ thống các ống nhựa để cung cấp cho cua.

Trung bình, cứ cách 2 - 3 ngày ông Hưng lại thay nước biển cho cua một lần. Với cách làm này, cua thành phẩm của ông Hưng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi độ thơm ngon không khác gì cua biển tự nhiên.

Ông Hưng cho biết, cua được nuôi trong ống nhựa không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ít bị tác động bởi diễn biến thời tiết và môi trường xung quanh nên có thể nuôi quanh năm.

Đặc biệt, nuôi theo phương thức này, ông đã tận dụng được tối đa diện tích nuôi, thời gian thu hoạch ngắn, có sản phẩm gối bán liên tục, đem đến năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Từ những bước đi bỡ ngỡ lúc đầu, đến nay, ông Hưng đã xuất bán được 3 lứa cua thịt cho thương lái với giá bán 480.000 đồng - 500.000 đồng/1 kg. Ông cũng chuẩn bị cung ứng ra thị trường 100 con cua thịt trong đợt nuôi lần này.

 

Các ống nhựa nuôi cua được ông Hưng dày công chế tạo, sắp xếp

“Khó khăn nhất trong quá trình nuôi cua biển chính là nguồn vốn phải nhiều và phải nắm bắt được các kỹ thuật để cua đạt chất lượng tốt nhất. Trung bình, chi phí tạm tính cho một ống nhựa nuôi cua là 500.000 đồng, nếu nhân lên thì sẽ là một con số rất lớn, chưa tính đến những rủi ro khác.

Hiện nay, tôi đã đúc rút được kinh nghiệm, điều chỉnh một số bất cập, khắc phục các vướng mắc phát sinh trong vận hành hệ thống; tìm kiếm nguồn con giống có sức đề kháng tốt, phát triển nhanh, giá thành thấp để sản xuất tốt hơn.

Đồng thời, tôi cũng đang thử nghiệm thêm cách nuôi cua trong bể xi măng có diện tích lớn hơn với số lượng nhiều hơn. Ngoài việc đưa về địa phương một mô hình sản xuất mới có nhiều triển vọng, tôi còn mong muốn sau khi thành công sẽ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình cho bà con trong xã hoặc những ai muốn học hỏi để cùng nhân rộng mô hình, cùng phát triển kinh tế”- ông Hưng cho biết thêm.

Chủ tịch UBND xã Tú Sơn Đồng Duy Cường cho biết: tuy mới chỉ là thí điểm, nhưng mô hình nuôi cua biển trong ống nhựa của ông Bùi Hữu Hưng bước đầu đã cho hiệu quả khá tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần mang đến cho người nông dân một hướng đi mới, một phương thức sản xuất hiện đại và an toàn hơn để cải thiện sinh kế.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, khuyến khích chủ mô hình nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô nuôi gắn với bảo vệ môi trường và tạo điều kiện giúp đỡ các hộ khác làm theo. Qua đó, góp phần đa dạng hóa các hình thức nuôi trồng theo hướng hiện đại, giúp giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông