Mỗi nhà một cảnh: Hy vọng cuối

09:43 12/07/2019

Tiếng chốt cửa lạch cạch, rồi tiếng lẻng xoẻng của cánh cửa sắt mở ra, căn phòng tối mờ mở hắt ra được vệt sáng.

Thúy chùm kín trong chiếc áo chống nắng, khẩu trang chỉ lộ đôi mắt tất bật bước vào. Căn phòng bừa bãi, xộc lên hơi ẩm mốc lâu ngày không dọn. Phía góc giường, bà Thu – mẹ cô – đang đắp kín chăn rên hừ hừ.

- Bà lại làm sao thế?

- Tụt huyết áp, tức ngực, khó thở. Người đau lắm.

Cố nén tiếng thở dài, Thúy tiến đến sát giường, kéo cái chăn đang đắp trên người mẹ ra, cau mày:

- Trời nóng thế này bà đắp chăn làm gì cho chết ngốt. Thế bà ăn trưa chưa?

- Ốm thế này, đắng mồm lắm, không ăn được.

Thúy tháo khẩu trang, đặt cặp lồng gà tần lên mặt bàn giục mẹ:

- Con mua gà tần đây. Bà ngồi dậy ăn đi…

Nhìn mẹ bật dậy, sà xuống ghế ăn Thúy không nén được tiếng thở dài.

Cả khu Thương nghiệp này ai cũng biết bà Thu nổi tiếng là người bán trời không văn tự. Thời kỳ bao cấp, bà vốn là mậu dịch viên, sau đó vì tuồn hàng ra ngoài nên bị đuổi. Vốn hoạt bát, hôm trước hôm sau bà đã bắt mối với dân phe chợ Sắt móc nối với thủy thủ tàu viễn dương, gia cảnh phất lên trông thấy. Chẳng mấy chốc mà cái nhà vốn thấp lụp xụp được phá đi, xây hai tầng, quét ve xanh nổi bật bật cả dãy.

Tuy nhiên ông trời chả cho ai trọn vẹn bao giờ. Tiền bạc rủng rẻng nhưng gia đình của bà lung lay dữ dội. Ông Khoản chồng bà vốn là công nhân cơ khí, hiền lành, tốt tính nhưng thu nhập xoàng. Một tay bà xốc vác kinh tế nên sự khinh khi ông chồng càng ngày càng lớn. Đi thì chớ, về nhà là bà ngứa mắt với điệu bộ ông chồng lù khù cứ ôm điếu cày rít long sòng sọc như muốn say đi quên cả cuộc đời.

Vậy là tiếng bấc tiếng chì quăng ra quật vào, đã có lúc bị xúc phạm không chịu nổi, ông nổi khùng, sừng cổ giơ điếu cày lên định phang vào mụ vợ ngoa ngoắt đang trợn mắt trợn mũi mắng chồng thì bầy con nhỏ hốt hoảng khóc như ri ngăn ông lại.

Thấy chồng tốt nhịn, được thể càng lấn lướt, bà Thu công khai cặp bồ với chàng thủy thủ viễn dương. Từ đó ông Khoản càng lặng lẽ hơn, coi như không có vợ. Từ sáng sớm ông đã ra khỏi nhà đến tối mịt mới về, nhiều hôm bữa tối tạt qua hàng cơm bụi làm hai lưng rồi mới túc tắc đạp xe về.

Ngày đứa con út là Thúy lập gia đình, đưa con về nhà chồng xong xuôi, ông Khoản cũng lặng lẽ thu dọn quần áo về quê. Mấy chục năm nay chả có mấy, vài bộ bảo hộ lao động và mấy cái áo rét ông mua tại hàng quần áo “si đa” lọt thỏm trong cái ba lô vải dù đã sờn. Con cái đã hoàn thành trách nhiệm, chẳng còn gì để vương vấn…

 Cặp với chàng thủy thủ được vài năm thì bà Thu chuyển sang cặp với chủ cửa hàng vốn có mấy ki ôt trong chợ Sắt. Ăn tiêu không phải lo nghĩ, cặp đôi đi Nam về Bắc ăn chơi, bà Thu vàng bạc đeo đỏ người. Cặp với ông chủ được gần 4 năm thì bị vợ người ta phát hiện, thuê cả côn đồ đánh ghen. Bà Thu bị đánh cho một trận lên bờ xuống ruộng, vết sẹo ngang má sau này làm cách nào cũng không xóa được.

Không còn tiền bạc nhân tình chu cấp, tuổi đã ngoài 50, chẳng lương hưu, chẳng chồng mà đam mê cờ bạc thì đã ngấm vào trong máu. Lần lượt vòng vàng, lắc tay đội nón theo những trận bài thâu đêm suốt sáng. Hết tiền chuyển đánh chịu, chủ nợ vào đòi trốn chui trốn lủi, cuối cùng phải bán cả nhà to để trả nợ.

Tưởng sau vụ bán nhà bà Thu sẽ tỉnh ngộ. Vậy mà chết vẫn không chừa, để tìm nguồn sống, bà nhận bán số đề để ăn hoa hồng. Được vài tháng thì bị tóm cổ, không còn chỗ bấu víu. Nay bà nghĩ ra trận ốm này, mai bà nghĩ ra trận ốm kia để xin tiền con. Ban đầu mấy đứa con còn thương, chúng họp gia đình bàn nhau mỗi tháng đóng góp gửi biếu bà coi như bà có lương hưu túc tắc sống. Nhưng tiền đến tay hôm trước thì hôm sau đã thấy bà ngồi chiếu bạc. Sau nhiều lần khuyên can không được mấy đứa con cũng chán liền buông bỏ, chỉ con cô con út thi thoảng đáo qua.

Sau khi túm cái chổi quét qua quẩy căn nhà cho sạch, đổ yến gạo vào thùng đã trơ tận đáy, nhét vào tủ lạnh mấy hộp ruốc và mấy túi thịt đã được rửa sạch, Thúy rời nhà mẹ khi phố đã lên đèn.

Cơn mưa tối lất phất nhưng cô chả thiết lấy áo mưa ra mặc. Những giọt nước mưa phả vào mặt đem theo cái lạnh se se khiến cô khẽ rùng mình. Hình ảnh người mẹ bắt đầu bị bệnh tật quật đổ khiến cô nao lòng, những suy tính canh cánh bao tháng ngày nay chợt trỗi dậy mạnh mẽ. Phải rồi, có lẽ mai cô sẽ xin nghỉ một ngày để về quê…

 Biết đâu, câu nói “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” sẽ thành sự thật…

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông