Muống biển – Loài hoa của biển cả

13:00 19/09/2020

Về Đồ Sơn những ngày này, dọc theo tuyến đê biển quốc gia nối từ phường Ngọc Xuyên đến hết địa phận phường Bàng La, người dân và du khách như được chìm đắm trước sắc tím mộng mơ nhưng cũng đầy mộc mạc và bình dị của những bông hoa muống biển. Không được nâng niu như nhiều loài hoa khác nhưng muống biển Đồ Sơn vẫn lặng lẽ bung nở từng bông tím biếc, dâng cái đẹp cho đời…

 

Chị Lưu Thị Thu Huyền bên những bông hoa muống biển

Chuyện tình hoa muống biển

Biết đến tên hoa muống biển từ lâu nhưng phải đến tận bây giờ, chúng tôi mới có dịp theo chân chị Lưu Thị Thu Huyền – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch và Quản lý di tích lịch sử Đồ Sơn tìm về với huyền thoại của biển này. Một buổi chiều thu giữa tháng 9-2020, chúng tôi cùng nhau lang thang trên tuyến đê biển quốc gia thuộc địa bàn phường Bàng La.

Sau khoảng 10 phút di chuyển, hiện ra trước mắt chúng tôi là những mảng tím biếc vươn dài đến chân đê. Bức tranh màu tím ấy càng trở nên mỹ lệ, nổi bật khi nằm giữa cánh rừng ngập mặn xanh ngắt phía trước triền đê và những vườn táo muối Bàng La đang kỳ đậu quả ở phía sau.

Nâng niu những bông hoa ngả nghiêng do ảnh hưởng của cơn mưa rào bất chợt ban trưa, chị Huyền vừa tâm sự, muống biển là loài cây ưa gió nên chủ yếu mọc ở triền đê phía biển. Ở Đồ Sơn, muống biển mọc nhiều nhất là dọc tuyến đê biển quốc gia kéo dài từ cống Cầm Cập (đoạn giáp quận Dương Kinh) đến hết địa phận phường Bàng La (giáp Kiến Thụy). Không ai biết hoa muống biển có tự bao giờ, nhưng cứ vào khoảng tháng 5 đổ ra, loài hoa này lại thi nhau khoe sắc, ôm trọn lấy triền đê tạo nên một khung cảnh đầy đằm thắm, dịu dàng.

 

Hoa muống biển gắn liền với một câu chuyện tình lãng mạn nhưng cũng đầy thương cảm

Ngắm nhìn cây hoa muống biển mọc bò lan trên triền đê với những chiếc lá hình tim xanh mát, ít ai biết rằng, loài hoa này gắn liền với truyền thuyết về câu chuyện tình đầy lãng mạn nhưng cũng vô cùng cảm thương. Chuyện kể rằng, ngày xưa có cô gái xinh đẹp tên Muống yêu tha thiết chàng trai tên Biển.

Nhưng vì không “môn đăng hộ đối” nên gia đình cô gái đã ngăn cản bằng việc thách cưới một khoản tiền lớn. Từ đó, chàng Biển chăm chỉ đi biển để dành dụm tiền mua sính lễ. Đến một ngày, chuyến đi biển cuối cùng với dự tính sẽ góp đủ số tiền thách cưới lại chính là chuyến đi không có ngày trở về của chàng Biển. Một cơn bão lớn đã cướp đi sinh mạng của chàng. Nghe tin dữ, nàng Muống đã đứng trên bờ biển, khóc cạn nước mắt để đợi chàng trai trở về nhưng chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy.

Ngày hôm sau, không ai còn thấy nàng Muống nữa, chỉ thấy ở bãi cát nơi nàng vẫn đợi chàng mọc lên loài cây thân dây lạ với những chùm hoa tím biếc. Cảm động trước mối tình thủy chung son sắt, loài hoa ấy được đặt tên muống biển. Hoa muống biển vì thế luôn mọc hướng ra biển như ý là cô gái muốn ra biển để tìm chàng trai. Và cũng thật kỳ lạ, cứ khi dây muống vượt khỏi mép nước, những con sóng lại nhẹ nhàng đưa trở lại bờ như sự che chở mà chàng Biển dành cho nàng Muống trước những đợt sóng dữ. Còn quãng thời gian muống biển lụi tàn trùng với chuyến ra khơi cuối cùng của chàng Biển.

Đi tìm loài hoa của biển

Muống biển vốn đẹp là thế nhưng với lớp trẻ ở Đồ Sơn thì lại ít biết đến loài hoa này. Còn với du khách khi đến với Đồ Sơn, dường như họ mới chỉ biết đến những bãi cát trải dài hay những trái táo Bàng La thanh ngọt mà không biết rằng ở nơi vùng đất cửa biển này còn có loài hoa huyền thoại của biển vô cùng đặc biệt.

Trên thực tế, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đặc trưng, phong phú là một trong những thế mạnh nổi bật của du lịch Đồ Sơn. Cùng với rừng thị nghìn năm tuổi, rừng bứa, chay… thì hoa muống biển cũng được coi là hệ thực vật đặc trưng riêng để du khách chiêm ngưỡng mỗi khi đến tham quan Đồ Sơn. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên tự nhiên đặc trưng này chỉ còn trong ký ức của khách du lịch và người dân bởi thực tế chúng chưa được khai thác hiệu quả để kết hợp xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của Đồ Sơn.

 

Những nụ hoa muống biển chuẩn bị đua nở

 Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch tự nhiên nói chung cũng như đưa hoa muống biển trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù, quận Đồ Sơn cần tăng cường quảng bá, giữ gìn và bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên này. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn kết hợp lý giữa các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên với nhau và với các nguồn tài nguyên du lịch khác trên địa bàn như tour du lịch thăm Đền cô Chín suối Rồng - Rặng thị di sản - Tháp Tường Long - ngắm Hoa muống biển hay tour du khảo rừng ngập mặn - ngắm hoa muống biển - thăm vườn táo Bàng La…

Trước đó, vào cuối năm 2018, nhằm giúp du lịch Đồ Sơn khai thác hiệu quả cao tiềm năng du lịch tự nhiên, UBND thành phố đã phê duyệt Đề cương Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch trên cơ sở khôi phục, khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên đặc trưng (hoa phượng, hoa cúc biển, rừng bứa, rặng thị cổ thụ, táo Bàng La…) trên địa bàn quận Đồ Sơn. UBND thành phố đã giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai xây dựng và hoàn thiện Đề án, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định, báo cáo UBND thành phố phê duyệt.

Hải Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông