Ngẫm về việc xin lỗi

    18:05 20/12/2022

     

              Mắc lỗi thì phải xin lỗi. Đó là một quy trình ứng xử thông thường trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, chuyện tưởng như đơn giản song việc thực hiện lại không hề dễ dàng. Hiện, không ít người không chọn cách xin lỗi với trách nhiệm do mình gây ra hoặc xin lỗi một cách thiếu chân thành khiến nhiều việc lớn nhỏ bị đẩy đi quá xa với hậu quả tiêu cực.

              Ít ngày trước, trên đường trở về nhà sau giờ làm việc, một chiếc xe ô tô va chạm nhẹ với xe của tôi nhưng cũng đủ gây thiệt hại. Thông thường, nếu người lái xe kia đứng lại, ngó qua một chút rồi nói xin lỗi, tôi cũng sẽ thông cảm bỏ qua vì sự việc không mấy nghiêm trọng. Nhưng chiếc xe đó lại tăng ga bỏ chạy và chỉ dừng khi bị chặn lại. Lái xe khi ấy mới xuống xin lỗi với lý do đang vội và đề nghị xử lý khắc phục hư hỏng. Kết quả, anh ta đã phải thanh toán cho xưởng sửa xe một khoản tiền, coi như khoản “học phí” cho việc tiết kiệm câu xin lỗi. Vẫn còn khá may mắn khi thiệt hại vật chất nhỏ. Nghĩ xem, nếu anh ta gặp phải người nóng tính với lời nói và hành xử thiếu văn minh hoặc vụ va chạm gây ra thiệt hại lớn thì việc bỏ chạy, trốn tránh trách nhiệm như vậy có thể dẫn tới nhiều tình huống và hậu quả khó lường.     

              Nói đến thiệt hại lớn hơn một chút, trong những ngày vừa qua, mạng xã hội xôn xao sự việc một gia đình cho con nhỏ ra quán cà phê rồi cháu bé làm đổ cốc nước khiến máy tính xách tay của một bạn sinh viên ngồi cạnh bị hỏng, thiệt hại không dưới 10 triệu đồng. Với lý lẽ cho rằng trẻ con không biết gì, gia đình kia chỉ đồng ý bồi thường hơn 100 nghìn đồng tiền kiểm tra máy khiến bạn sinh viên phải “cầu cứu” cộng đồng mạng. Và như thường lệ, cộng đồng mạng nhanh chóng tìm ra thông tin của gia đình và có những hành vi tiêu cực tới các thành viên. Thậm chí, cơ quan của họ cũng đối mặt với những sự… “khủng bố”. Chưa biết sự việc sẽ được giải quyết thế nào nhưng hậu quả là danh dự, uy tín và cuộc sống hàng ngày của gia đình kia sẽ gặp những tác động rất xấu và lâu dài. Trong khi đó, câu chuyện hoàn toàn có thể được giải quyết bằng một lời xin lỗi chân thành, đôi bên cùng cân nhắc và nhìn nhận trách nhiệm của mình, từ đó tìm ra cách khắc phục giảm thiểu thiệt hại cho cả hai phía chứ đâu đến nỗi để sự việc đi xa vượt tầm kiểm soát như bây giờ.

              Phức tạp hơn nữa, tại thành phố Hồ Chí Minh, vụ việc một nữ chủ cửa hàng quần áo được đưa ra xét xử trước pháp luật với nhiều hành vi vi phạm pháp luật bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ trong kinh doanh. Trong phiên tòa gần nhất, cô này bị một người yêu cầu xử lý hình sự hành vi cố ý gây thương tích khiến tòa án trả lại hồ sơ để điều tra thêm. Khi đó, bị cáo đã có hành động quỳ gối, ôm và xin lỗi người bị đánh kia nhưng không được chấp nhận. Những ai theo dõi vụ việc đều nhận thấy rằng, việc xin lỗi vào thời điểm này đã quá muộn và dường như khó tìm thấy sự chân thành trong lời xin lỗi đó và gọi đây là kiểu :“Xin lỗi, đã được chưa?”.          

              Có thể thấy rằng, nhiều hệ lụy và hậu quả từ nhỏ đến lớn đều có thể bắt đầu từ việc con người không chịu nhận phần trách nhiệm của mình ngay từ sớm. Chỉ đến khi hậu quả được nhìn thấy rõ ràng, lúc đó mới hối hả nhận lỗi và tìm kiếm sự thông cảm, tha thứ.

    Thừa nhận lỗi sai chưa bao giờ là dễ dàng. Tâm lý né tránh trách nhiệm và cái tôi cá nhân lớn đang khiến việc xin lỗi trở nên khó khăn và vô tình trở thành khởi nguồn cho nhiều rắc rối lớn. Xin lỗi cũng là một văn hóa ứng xử trong giao tiếp xã hội. Đồng thời đó cũng là một liều thuốc xoa dịu tinh thần cho người đang phải chịu thiệt, thể hiện thái độ trách nhiệm và sự đàng hoàng của người mắc lỗi và khiến người được xin lỗi dễ thông cảm và tha thứ hơn. 

              Việc nhận thức trách nhiệm của bản thân và thực hiện xin lỗi một cách kịp thời và chân thành cần được mỗi người tập luyện và hình thành nên thói quen. Khi đó, nhiều phiền phức và thiệt hại sẽ được giảm thiểu. Quan trọng hơn cả, xin lỗi đúng lúc và đúng cách cũng sẽ góp phần xây dựng một xã hội văn minh và lịch sự, giảm bớt những mẫu thuẫn không đáng có.

    LÊ TẤT

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông