08:29 26/07/2019 Đôi mắt sáng lấp lánh, gương mặt căng tràn hạnh phúc, người ca nương ấy không giấu nổi những cảm xúc vui sướng của mình khi được vinh dự là một trong số ít nghệ sĩ được Chủ tịch UBND TP trao tặng Bằng khen vì những cống hiến cho nghệ thuật trong những ngày vừa qua. Cô là Nghệ nhân Dân gian Lương Hải Phượng, một người nghệ sĩ kịch nói, một diễn viên múa rối nhưng trót đa mang với ca trù như một mối duyên tiền kiếp…
Ca nương Lương Hải Phượng tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018
Cầm trên tay tấm Bằng khen của Chủ tịch UBDN TP vì đã có thành tích đoạt giải B tiết mục cá nhân với thể cách thét nhạc “Tiếng dương tranh” tại Liên hoan ca trù toàn quốc diễn ra tại Hà Tĩnh, năm 2018, Nghệ nhân Dân gian Lương Hải Phượng xúc động trải lòng: Được giải B với thể cách thét nhạc “Tiếng dương tranh”, lại được Chủ tịch UBND TP trao tặng vì thành tích này là niềm vinh dự lớn lao của Hải Phượng.
Lần đầu tiên Hải Phượng biểu diễn thể cách thét nhạc “Tiếng dương tranh” lại là tại sân khấu Nhà hát thành phố. Đó là năm 2015, khi Phượng đang mang bầu đứa con thứ 2. Đây cũng là giai đoạn mà Hải Phượng không có nhiều điều kiện dành cho ca trù.
Nhưng vì yêu ca trù, Phượng vẫn luôn tranh thủ dành thời gian để tập luyện, để được sống với ca trù. Vì vậy dù đang mang thai lớn, sức khỏe yếu nhưng khi đứng trên sân khấu, Phượng vẫn hát rất trọn vẹn thể cách này, khiến ai cũng trầm trồ “sao có bầu mà hát to, hát khỏe thế”.
Đó cũng là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời theo ca trù mà Hải Phượng nhớ mãi. Có lẽ, tình yêu với ca trù như đã chảy vào trong dòng máu của Phượng.
Ca nương Hải Phượng và kép đàn Tô Tuyên trong một tiết mục biểu diễn
Đúng là phải có phải có tình yêu, niềm đam mê rất lớn và đặc biệt là cái duyên sâu sắc với ca trù mới khiến cho một diễn viên kịch nói sinh năm 1984 Lương Hải Phượng có động lực theo đuổi “ngã rẽ” cuộc đời khi đến với ca trù khi cô tròn 20 tuổi.
Trải lòng về những ngày đầu mới “chập chững” vào nghề, Hải Phượng chia sẻ: Sinh ra và lớn lên tại xóm Tây Nam, thôn Thường Sơn, xã Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên), “sát vách” đền thờ Tổ nghề ca trù Đông Môn, là cháu ruột của NSƯT Đỗ Quyên, nhưng Hải Phượng lại chọn theo học lớp diễn viên kịch nói của Trường trung học Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng, rồi làm diễn viên Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng.
Năm 2004, sau khi NSƯT Đỗ Quyên nghỉ hưu ở Đoàn Chèo Hải Phòng, làm Chủ nhiệm CLB Ca trù Hải Phòng, thấy chị có tố chất, bà động viên, hướng dẫn cháu gái hát ca trù. Ngoài NSƯT Đỗ Quyên, Hải Phượng còn được các nghệ nhân, như cụ Nguyễn Thị Chín, Nguyễn Thị Thẩm, Nguyễn Hãn… truyền dạy cách hát, cách ngân, cách dóng phách. Ý định học ca trù ban đầu của cô gái trẻ chỉ là học để biết, để bổ trợ cho nghề nghiệp sau này nếu xác định theo đuổi con đường làm nghệ thuật chuyên nghiệp.
Kể về kỷ niệm những ngày mới vào nghề, ca nương trẻ còn nhớ như in lần tham gia Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2005. Khi ấy Hải Phượng tròn 20 tuổi, với “vốn liếng” dắt lưng là 8 tháng học ca trù với 2 bài hát nói, lại học theo kiểu “lúc có, lúc không” nên khá run.
Chỉ đến khi nhận thông báo chính thức tham gia liên hoan, chị mới miệt mài tập luyện. Tuy nhiên, ca trù là bộ môn khó, không phải muốn là thuần thục ngay. Có lúc không đánh được khổ phách này, ngân được từ kia như các nghệ nhân lão thành mong muốn, ca nương bật khóc nức nở và có ý định từ chối tham gia. Thấy cô gái trẻ có tố chất, các nghệ nhân động viên chị kiên trì tập luyện rồi hát sẽ hay. Kết quả, liên hoan năm đó, dù không đoạt huy chương như NSƯT Đỗ Quyên, ca nương Thu Hằng, nhưng Hải Phượng được Ban tổ chức ghi nhận là giọng ca triển vọng. Đó là phần thưởng, là sự khích lệ lớn để chị quyết tâm theo đuổi ca trù.
Khóa luận tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản lý văn hóa của Hải Phượng năm 2008 chính về loại hình nghệ thuật này, với những nghiên cứu sâu về lịch sử hình thành ca trù và quá trình phát triển ca trù ở Hải Phòng.
Càng đi sâu nghiên cứu, càng học hỏi, thực hành hát ca trù, Lương Hải Phượng càng thấy mê đắm cái thủng thẳng buông câu, nhả chữ nhưng ý tứ sâu xa của bộ môn nghệ thuật xưa kia chỉ xuất hiện trong cung vua, phủ chúa.
Là thế hệ sau được các nghệ nhân lão thành trực tiếp đào tạo nên đào nương Hải Phượng trưởng thành nhanh chóng với giọng hát trong sáng, tròn vành rõ chữ bằng âm nẩy của ca trù (ứ, ư, ự hự) và khắc họa trong các làn điệu (thể cách): hát nói, gửi thư, bắc phản, thét nhạc... nghe rất lên hương, réo rắt, làm cho người nghe cảm thấy xao xuyến trong lòng.
Được ví như một phản ứng hóa học là sự đam mê đủ đầy cùng nhiệt lượng sẽ bùng cháy, qua bao năm miệt mài học tập, đến tháng 9 năm 2009, Hải Phượng tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc tại Hà Nội, chị đoạt huy chương vàng với bài hát nói “Công danh”, thơ của Nguyễn Công Trứ.
Đang ở thời điểm hứa hẹn những thành công, Hải Phượng lập gia đình và lui về thực hiện vai trò làm vợ, làm mẹ. Tuy thời gian bị chia sẻ nhưng chị vẫn lặng lẽ bồi đắp tình yêu ca trù.
Năm 2017, chị được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. Năm 2018, tại Liên hoan ca trù toàn quốc diễn ra tại Hà Tĩnh, chị giành giải B tiết mục cá nhân với thể cách thét nhạc “Tiếng dương tranh”.
Cũng trong năm 2018, chị đoạt giải B Liên hoan hát dân ca 3 miền toàn quốc diễn ra tại Quảng Ninh với bài ca trù “Hoa phong lan”.
Hiện nay, Hải Phượng là một trong số đào nương nòng cốt, Phó chủ nhiệm của Giáo phường Ca trù Hải Phòng, chị nhận trách nhiệm đào tạo thêm những ca nương trẻ là các cháu học sinh Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân), Trường THCS An Đà (quận Ngô Quyền).
Hải Phượng chia sẻ: Được truyền dạy ca trù cho các cháu học sinh là một niềm hạnh phúc, là vinh dự của một ca nương như Hải Phượng. Đặc biệt, những năm gần đây thế hệ trẻ dành nhiều tình yêu hơn cho ca trù, có nhiều bạn có tố chất, có tiềm năng hát ca trù.
Vì vậy Hải Phượng mong muốn thành phố, các sở, ngành chức năng tạo điều kiện cho các cháu nhiều hơn để được tiếp cận với ca trù như việc tổ chức các lớp học miễn phí, cấp kinh phí mua các dụng cụ, trang phục biểu diễn,… Có như vậy mới thu hút được các tài năng ca trù, gìn giữ, xây dựng được lớp ca trù kế cận cho thành phố Cảng.
Xuân Hạ
15:05 08/01/2025
16:26 06/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh