Người đánh thức “mầm thiện”

11:50 26/07/2017

Chị là Trung úy Dương Thị Nghĩa, cán bộ Đội quản giáo, Chủ tịch Hội phụ nữ Trại tạm giam Công an tỉnh Nam Định - một trong những người thầy “không giáo án” giành được thiện cảm, sự nể trọng đặc biệt của các can, phạm nhân.

Chị là Trung úy Dương Thị Nghĩa, cán bộ Đội quản giáo, Chủ tịch Hội phụ nữ Trại tạm giam Công an tỉnh Nam Định - một trong những người thầy “không giáo án” giành được thiện cảm, sự nể trọng đặc biệt của các can, phạm nhân.

Hơn 6 năm gắn bó với Trại tạm giam Công an tỉnh Nam Định, Trung úy Dương Thị Nghĩa đã dành trọn tâm huyết của mình trên hành trình phục thiện cho hàng trăm can, phạm nhân. Chị luôn tâm niệm: “Mỗi phạm nhân có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều là con người. Nếu biết đánh thức phần “người” trong họ, các can, phạm nhân này sẽ nhận ra điều sai trái mà ăn năn, hối cải. Và cuộc đời cũng sẽ luôn rộng lượng cho những người biết hướng thiện để tìm lại chính mình…

Được biết, kể từ ngày còn là một nữ sinh vừa tốt nghiệp, chân ướt chân ráo về làm nhiệm vụ tại đơn vị, trải qua tất cả các phần việc mà một nữ cảnh sát trại giam phải đảm trách, ở vị trí, vai trò nào, chị cũng luôn hết mình,tỏ tường đến từng chi tiết, từng ngóc ngách thẳm sâu cảnh ngộ cuộc đời của từng can phạm nhân.

Trong năm 2016, Trung úy Dương Thị Nghĩa đã quản lý, giáo dục 60 lượt can phạm nữ, trong số đó có 4 bị án tử hình. Đây đều là các đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, có đối tượng nhiễm HIV giai đoạn cuối, sức khỏe yếu... thường xuyên phải điều trị dài ngày tại các bệnh viện từ cơ sở đến trung ương. Không những thế, nhiều đối tượng khi bắt vào trại còn đang trong tình trạng sảng đá, vật thuốc, hò hét, không không chấp hành nội quy giam giữ. Cá biệt có đối tượng sống lưỡng tính gây nhiều khó khăn trong công tác bố trí sắp xếp giam giữ…

6 năm gắn bó với công tác quản giáo, quản lí, giáo dục nhiều lượt can phạm nhân, đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm nghề của Trung úy Nghĩa là câu chuyện về bị án tử hình Tẩn Lèng Mẩy, sinh năm 1947, trú tại thị trấn Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Mẩy phạm tội với hành vi mua bán trái phép 13 bánh heroin.

Những ngày đầu vào trại, bị án hoang mang, buồn chán vì đã bôi một vết đen nhơ nhớp vào lý lịch của các con. Trong cơn bĩ cực, Mẩy đã có ý định tự sát. Nắm bắt tâm lý đối tượng, Trung úy Nghĩa đã nói với Mẩy: “Trong chúng ta, không ai có thể hoàn toàn chọn lựa được điều gì xảy đến với mình, nhưng ta có thể chọn cách đối diện với nó.

Thế nên, thay vì buồn chán, chị hãy chọn cách chấp nhận và chấp hành tốt nội quy, khai báo thành khẩn, tránh tiêu cực bản thân. Đó là con đường duy nhất để chị sửa chữa lỗi lầm, là con đường duy nhất để chị có thể được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật và cũng là cách để các con chị không phiền lòng về chị nữa”. Sau khi nghe giáo dục nhiều lần, Mẩy đã dần nhận ra. Chứng kiến cảnh tuyệt vọng của kẻ rơi vào bước đường cùng, đang từng ngày đối diện với cái chết, một lần nữa, người cán bộ này lại giáo dục, động viên, chỉ cho bị án biết thị vẫn còn hi vọng sống, có quyền viết đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm án tử hình.

Sau bao tháng ngày chấp hành tốt nội quy, ngày 20-10-2016, đơn xin ân giảm án tử hình của Mẩy đã được Chủ tịch nước chấp thuận. Niềm hạnh phúc như vỡ òa. Vào đúng ngày Phụ nữ Việt Nam, hai con người - một phạm nhân, một quản giáo ôm nhau khóc nức nở. Trong giây lát, dường như khoảng cách giữa người cán bộ quản giáo và phạm nhân không còn nữa. Chỉ còn cái ôm thật chặt, chất chứa tình người mà ở đó sự sống vừa mới được hồi sinh.

 Thật đáng quý, đáng trân trọng những chiến sỹ Cảnh sát nhân dân như Trung úy Dương Thị Nghĩa - người luôn gieo “mầm thiện” bằng tình người, để mỗi phạm nhân sớm hoàn lương, hướng thiện.

Thùy Dương

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông