Nỗi đau của mẹ

21:43 02/10/2016

Nhận được điện mẹ ốm nặng, Thắng lái xe một mạch về quê. Lao vào nhà, Thắng ôm lấy mẹ:

- Mẹ ơi con về đây. Mẹ tha lỗi cho con! Con có tội với mẹ, mẹ ơi!

Nghe tiếng con trai, bà Bần từ từ mở mắt, thều thào:

- Mẹ con nó đâu?... Mẹ đi gặp bố con đây...!

Nói rồi, bà lả đi trên tay con trai.

Không ai cầm được nước mắt. Mọi người ngơ ngác, chỉ có bà Trương - người bạn già thân thiết của mẹ Thắng là biết tất cả. Bà kéo Thắng vào buồng bảo:

- Việc của cháu bây giờ là gọi điện cho vợ con về lo hậu sự cho mẹ cháu!

Thắng răm rắp làm theo.

Mẹ mồ yên mả đẹp rồi nhưng Thắng luôn sống trong giày vò, ân hận. Nhiều đêm, Thắng dậy thắp hương mẹ mà nước mắt tuôn trào. Cứ thế, Thắng quỳ mọp trước ban thờ người mẹ tội nghiệp.

Khi Thắng mới 3 tuổi, trong một lần đi mua đồng nát, bố Thắng bị tai nạn giao thông và không qua khỏi. Xót thương người chồng hiền lành, chịu thương chịu khó, suốt đời vì vợ con, mẹ Thắng ốm liệt giường mấy tháng trời. Nhìn đứa con ngây thơ ở tuổi "cả nhà tập nói", người mẹ trẻ đã gượng dậy. Thắng lớn lên trong vòng tay của mẹ. Những năm tháng đi học, Thắng luôn đứng đầu lớp. Đó là nguồn an ủi, là phần thưởng và động lực mãnh liệt để người đàn bà ấy vượt lên mọi khó khăn, nuôi con ăn học.

Nhiều đàn ông đem lòng yêu thương, muốn thành bờ vai cho hai mẹ con, nhưng người vợ trẻ  ấy đã từ chối. Rồi Thắng đỗ Đại học hàng hải. Ở vùng quê miền Trung nắng lửa mưa dầu, để con có tiền ăn học, bà đã không ngần ngại bất cứ công việc gì, từ cày thuê cuốc mướn đến mò cua bắt ốc. Mỗi lần con về, người mẹ lại dành tất cả miếng ngon cho con ăn để bù đắp những tháng năm trọ học thiếu thốn. Thắng hồn nhiên đón nhận tình yêu thương của mẹ và thầm hứa, khi có công ăn việc làm ổn định sẽ bù đắp để mẹ sung sướng.

Ngày tốt nghiệp, Thắng về nhà thăm mẹ và nói sẽ lập nghiệp ở thủ đô. Mẹ Thắng mừng lắm nhưng cũng không khỏi lo lắng. Bà âm thầm vay mượn, chao nạo đến đồng tiền cuối cùng để con thực hiện giấc mơ. Một lần đi tìm việc, Thắng được một cô gái tên Hoa chỉ bảo nhiệt tình, hứa sẽ giúp xin việc. Thắng rất cảm động. Hoa sở hữu một hình thể "khiêm tốn" với dáng thon thon hình vại, thoai thoải hình chum. Nàng lại có gương mặt trái quýt, son phấn trát bự, lòe loẹt như diễn viên tuồng, đi đứng õng ẹo.

Lấy cớ dẫn đi xin việc, cô nàng cứ cặp kè với Thắng suốt. Có lần vừa ra khỏi một cơ quan, mấy người trong phòng cố ý nói to: "mông mới đến Hàng Đào, răng đã vào Mỹ Đình" khiến Thắng ngượng chín mặt. Sau vài tuần, Hoa dẫn Thắng về nhà. Bố mẹ cô là một chủ doanh nghiệp tư nhân có vốn hàng chục tỷ đồng cùng nhiều đất đai, nhà cửa. Họ hứa nếu đồng ý làm rể, sẽ để Thắng làm giám đốc công ty. Thắng ậm ừ, hứa một tuần sau sẽ trả lời. Tiếp xúc, Thắng thấy nhà Hoa mở mồm là khoe của, khinh bỉ người nghèo nên rất khó chịu. Bao ngày suy tính, Thắng tự an ủi:

- Hy sinh đời bố, củng cố đời con. Khối người “mẹ cú đẻ con công”.

Thế là Thắng tặc lưỡi chấp nhận. Vì mặc cảm, Thắng nói dối mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Nhiều lần bà Bần muốn lên Hà Nội xem con ăn ở thế nào nhưng Thắng đều gạt đi.  Đám cưới hoành tráng nhanh chóng diễn ra. Thế là Thắng thành giám đốc, làm chủ chiếc ô tô nửa tỷ bóng loáng.

Mấy tháng sau, vào cái ngày nắng như đổ lửa, giữa trưa, bà Bần với chiếc giỏ đeo bên hông, đôi má nhăn nheo, đen sạm vừa ở đồng về thì mừng rỡ khi thấy con trai về. Thắng khoe với mẹ đã lấy vợ. Mẹ Thắng ngỡ ngàng nhưng không nỡ trách con.

Bà tìm đủ mọi lý do để bao biện, để cảm thông. Bà mừng vì đũa có đôi, chỉ mong sớm có cháu vì cây có một cành, mình có nhắm mắt xuôi tay cũng yên lòng. Về thăm mẹ nhoáng nhoàng một lát, Thắng bảo:

- Vợ con đẻ, mẹ lên trông cháu!

Chiều, bà lập cập lên chiếc xe mà trong mơ bà cũng không dám nghĩ đến. Như chợt nhớ ra, Thắng bảo mẹ:

- Mẹ nhớ nói là osin đấy! Con nói với nhà vợ là mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Nhà người ta giàu có, mình không môn đăng hộ đối nên con phải làm vậy cho người ta khỏi khinh!

Bà không tin ở tai mình. Lời nói thốt ra từ miệng đứa con bà nuôi bằng những con cua, cái tép, những dòng mồ hôi chát mặn và cả nước mắt bao tháng ròng đây ư? Mẹ còn lù lù mà nó... Thương con, bà lại cho qua. Bước chân vào căn nhà giàu sang, bà đi rón rén. Nhìn thấy bà, vợ Thắng quay ngoắt đi rồi trách chồng bằng giọng the thé:

- Sao anh thuê cái bà osin bẩn thế? Nhỡ có bị bệnh gì mà lây ra con thì sao?!

Thắng không nói gì. Bà Bần chết lặng, tai ù đặc. Bà muốn khuỵu xuống. Hôm sau, vợ Thắng đưa cho “osin" mấy bộ quần áo mới, bảo bỏ hết những bộ cũ. Nghe "chủ nhà" hướng dẫn, bà Bần cố ghi nhớ. Muốn hà hít đứa cháu nội nhưng phận "osin", bà cố giữ khoảng cách. Được hơn năm, phần vì nhớ nhà, lo không người hương khói, bà thôi không "giúp việc"nữa. Về được nửa năm thì bà ốm nặng.

Đi theo tổ tiên, bà Bần đem theo một nỗi đau: Chưa bao giờ được chính danh là mẹ chồng và là bà nội của đứa cháu yêu quý. Thắng ân hận thì đã quá muộn!

TRỊNH THỊ THUẬN


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông