Nội dung cơ bản, các chính sách mới của dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)

09:14 08/05/2024

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Nội dung cơ bản của dự thảo Luật

Mục đích của việc xây dựng dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành, áp dụng pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Nội dung cơ bản của dự thảo Luật bao gồm 8 chương, 75 điều, như sau: Chương I (Quy định chung) gồm 17 điều (từ Điều 1 đến Điều 17), quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ; nguyên tắc; trách nhiệm của người đứng đầu; điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý, sử dụng; quản lý, bảo quản, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; mang vũ khí, công cụ hỗ trợ ra, vào khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật; cho, tặng, viện trợ và giám định vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Chương II (Quản lý, sử dụng vũ khí) gồm 16 điều (từ Điều 18 đến Điều 33), quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí; đối tượng, thủ tục cấp giấy phép, loại vũ khí trang bị; nguyên tắc và các trường hợp nổ súng quân dụng; thủ tục khai báo vũ khí thô sơ và dao có tính sát thương cao trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu.

Chương III (Quản lý, sử dụng vật liệu nổ) gồm 11 điều (từ Điều 34 đến Điều 44), quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ quân dụng; vận chuyển vật liệu nổ quân dụng; nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; thủ tục cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; dịch vụ nổ mìn; vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

Chương IV (Quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ) gồm 6 điều (từ Điều 45 đến Điều 50), quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ; thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ; thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ; thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ; vận chuyển tiền chất thuốc nổ; trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng tiền chất thuốc nổ.

Chương V (Quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ) gồm 11 điều (từ Điều 51 đến Điều 61) quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa công cụ hỗ trợ; đối tượng trang bị, vận chuyển, sử dụng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Chương VI (Tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ) gồm 9 điều (từ Điều 62 đến Điều 70), quy định về tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu huỷ.

Chương VII (Quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ) gồm 3 điều (từ Điều 71 đến Điều 73), quy định về nội dung quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; cập nhật, khai thác, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Chương VIII (Điều khoản thi hành) gồm 2 điều (từ Điều 74 đến Điều 75), quy định về hiệu lực thi hành; quy định chuyển tiếp.

Đáng chú ý, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đã đưa ra một số chính sách mới sau:

Hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ công nghiệp mới; cắt giảm giấy tờ trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; không quy định thời hạn giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ.

Đồng thời cho phép tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng; sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) được xây dựng trình Quốc hội ban hành nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước ta về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đơn giản hóa thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hoá những quy định không hợp lý, đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, góp phần đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong tình hình mới…

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông