16:42 27/04/2023 Trước đây chỉ quen cảnh ruộng vườn, chân lấm tay bùn thì nay người dân trên quần đảo Cát Bà đã biết làm du lịch. Dù là hướng đi mới, nhưng du lịch nông nghiệp đã giúp Cát Bà có thêm nhiều gam màu độc đáo, nhiều giá trị, góp phần thay đổi diện mạo đảo Ngọc.
Du lịch nông nghiệp là loại hình đang rất được quan tâm trong xu thế lựa chọn điểm đến hiện nay của phần lớn du khách đặc biệt tại Cát Bà. Cùng với đó, phong trào nông dân làm du lịch, hiện không còn xa lạ với các nhà vườn trên địa bàn huyện. Huyện hiện có khoảng 20 điểm du lịch nông nghiệp nằm rải rác, chủ yếu ở xã Việt Hải.
Đây là một xã nằm biệt lập và được mệnh danh là “đảo của đảo”. Với diện tích 6.817ha, 90 hộ dân và 290 nhân khẩu, trung tâm của Việt Hải nằm trong thung lũng rộng 141,3ha, bao quanh là núi rừng hùng vĩ, đất đai ở đây màu mỡ, có suối chảy quanh năm tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình.
Toàn bộ nơi này còn nguyên vẹn sự hoang sơ, kỳ bí; môi trường tự nhiên xanh - sạch, đẹp. Đặc biệt, cuộc sống của người dân địa phương còn giữ được những nét độc đáo về văn hóa, tập quán sinh hoạt vùng bản địa. Người Việt Hải vô cùng thân thiện, thật thà và mến khách.
Nhận thức rõ tiềm năng và lợi thế, những năm gần đây, xã Việt Hải đã đẩy mạnh phát triển du lịch với tỷ trọng chiếm 65%, nông nghiệp chỉ còn 25% và ngành nghề khác là 10%. Hàng năm, xã đón hàng nghìn lượt khách tham quan và nghỉ dưỡng.
Các mô hình tham quan đều được kết nối thành một cung đường thuận tiện cho du khách di chuyển. Một số mô hình trải nghiệm có thể kể tới như: cá massage chân; đạp xe 5km một bên núi đá, một bên biển và tuyến đường hoa giấy trải dài; thăm nơi nấu rượu cổ truyền, những ngôi nhà cổ đắp đất; trải nghiệm vặt ngô, khoai, hoa quả tại cánh đồng và thưởng thức các món ăn đặc trưng (khoai lang, khoai Mùn ốc, gà chạy bộ). Song song, du khách còn được tìm hiểu, khám phá nét đẹp truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Việt Hải qua việc tham quan các hang động, đồi Hải Quân...
Cách đây 4 năm, tận dụng 3.500m2 đất trồng rau, ông Vũ Bá Lễ (60 tuổi, xã Việt Hải), đã tiên phong “xé rào” làm du lịch miệt vườn. Chia sẻ với phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng, ông Lễ trăn trở: Gia đình "chân ướt chân ráo” bước ra làm du lịch khiến tôi rất bận tâm, lo lắng vì việc làm hoàn toàn mới. Cái khó của làm du lịch là cách phục vụ, cách giao tiếp với khách, vì “chín người mười ý”.
Do đã có tuổi nên ông thường xuyên nhờ con cháu lên mạng tìm hiểu các xu hướng, nhu cầu của du khách để có thể kịp thời nắm bắt và thay đổi cho phù hợp. Ông Lễ còn cho biết thêm, mỗi năm gia đình ông thu lợi từ tiền bán vé, phục vụ thức ăn và bán trái cây lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, ông còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Đặc biệt, một điểm nhân văn đáng quý của du lịch nông nghiệp tại xã Việt Hải đó là tính cộng đồng. Những người nông dân nơi đây luôn có sự liên kết giữa các hộ gia đình, cùng tham gia các hoạt động và chia sẻ lợi nhuận, không tập trung riêng vào hộ nào. Mặc dù ai cũng làm kinh tế, cũng phải kiếm sống nhưng mọi người luôn giữ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau về mọi mặt.
Trong những năm gần đây, lượng khách đến Cát Bà có sự tăng trưởng mạnh mẽ song Cát Bà vẫn chịu ảnh hưởng của tính mùa vụ do chủ yếu vẫn là du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo. Nhiều điểm đến quá tải vào mùa hè nhưng lại vắng khách vào mùa thu đông. Vì vậy, du lịch nông thôn đã thành cứu cánh, là xu hướng tất yếu để đa dạng sản phẩm, thu hút khách và nâng cao doanh thu du lịch.
Tuy nhiên, mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện vẫn tồn tại nhiều hạn chế như người dân chưa có kiến thức về làm du lịch, hoạt động vẫn theo hướng tự phát, nhỏ lẻ bài bản nào, nên chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Rất mừng là vừa qua, Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện Cát Hải khảo sát và lựa chọn các hội viên có mô hình du lịch dịch vụ quy mô, hiệu quả; cán bộ hội có trình độ, kinh nghiệm và am hiểu thành lập Câu lạc bộ Nông dân làm du lịch tại xã Việt Hải với 22 thành viên.
Đây được xem là một sân chơi, giúp những nông dân đam mê làm du lịch gặp gỡ, trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, tạo niềm tin, truyền cảm hứng để xây dựng và phát triển thành công du lịch nông nghiệp tại địa phương.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân thành phố còn đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, tập huấn, trang bị kiến thức về làm du lịch, tập huấn văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho câu lạc bộ. Việc tập huấn đã giúp người nông dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn, tự tin trong hoạt động du lịch nông thôn của mình.
Lan Phương
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh