14:38 08/09/2023 Bài 2: Vững vàng 3 trụ cột phát triển kinh tế Một trong những nội dung quan trọng nhất của nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. 2,5 năm qua, khó khăn chồng chất nhưng Hải Phòng phát huy, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và tạo nên nhiều dấu ấn nổi bật trong 3 lĩnh vực trọng yếu này.
Tạo dấu ấn công nghiệp công nghệ cao
Đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng nêu rõ, chỉ trong 2,5 năm qua, Hải Phòng đã thu hút được 9,36 tỷ USD vốn FDI (năm 2021 đạt 5,298 tỷ USD; năm 2022 đạt hơn 2,083 tỷ USD và năm 2023 tới thời điểm này đạt gần 2 tỷ USD). Trong khi đó, tính từ năm 1993 đến nay, Hải Phòng mới thu hút được khoảng 24 tỷ USD.
Như vậy có nghĩa là, chỉ trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020- 2025, số vốn FDI Hải Phòng thu hút được chiếm tỷ trọng khoảng gần 40% tổng số vốn FDI của 30 năm cộng lại. Đáng chú ý, Hải Phòng dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2021- 2022. Trong đó, có nhiều dự án trị giá hàng tỷ USD. Chỉ tính riêng Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đã đầu tư vào Hải Phòng 6 dự án với tổng vốn đầu tư 7,24 tỷ USD (7 tháng đầu năm 2023, có Công ty LG Innotek tăng vốn đầu tư 1 tỷ USD); Tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản) đầu tư 1,22 tỷ USD; Tập đoàn Regina Miracle (Hồng Kông)đầu tư 1 tỷ USD; Tập đoàn Pegatron (Đài Loan)đầu tư 800 triệu USD…
Đáng chú ý, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào sản xuất công nghiệp chủ yếu là công nghệ cao, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tiết kiệm năng lượng, tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ cho công nghiệp Hải Phòng. Nhiều sản phẩm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như máy phát điện gió, dây dẫn điện, phụ tùng ô tô, điện tử, điện lạnh…
Đối với doanh nghiệp trong nước, công nghiệp Hải Phòng ghi dấu ấn bởi Nhà máy sản xuất ô tô VinFast đã sản xuất thành công nhiều chủng loại xe ô tô điện thân thiện với môi trường. Cuối năm 2022, VinFast tổ chức lễ xuất khẩu lô ô tô điện thông minh đầu tiên, gồm 999chiếc VF 8 ra thị trường quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đây là sự kiện đầy ý nghĩa, dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên trong lịch sử, những chiếc ô tô điện sản xuất tại Việt Nam, mang thương hiệu Việt Nam chính thức góp mặt vào thị trường ô tô điện toàn cầu. Thành quả và niềm vui này đến từ khát vọng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, địa phương, mở ra kỷ nguyên sản xuất xe ô tô điện tại Việt Nam đủ đẳng cấp xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu, ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ ngành công nghiệp công nghệ cao thế giới.
Theo Thủ tướng, kết quả của VinFast đã cho thấy sự đúng đắn trong phương hướng, mục tiêu và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và phù hợp với cam kết quốc tế trong việc đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Đây cũng chính là niềm tự hào của Hải Phòng.
2,5 năm qua cũng là dự bứt phá mạnh mẽ của Hải Phòng trong phát triển các KCN. Điển hình là có thêm 2 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư là KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu có tổng vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng trên diện tích 752 ha tại khu vực Lạch Huyện và KCN Tiên Thanh có diện tích hơn 400 ha tại huyện Tiên Lãng. Hiện thành phố có 14 KCN đang hoạt động với diện tích hơn 6000 ha và 13 CCN với diện tích hơn 500 ha, sẵn sàng mặt bằng thu hút các dự án đầu tư.
Với sự phát triển nhanh và bứt phá đó của công nghiệp nên đã góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp- xây dựng và dịch vụ trong GRDP từ 89,39% năm 2020 lên 90,66% năm 2022. Chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2022 tăng 16,26%/năm; 6 tháng đầu năm 2023 tăng 12,28%. Đáng chú ý, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2022 đạt gần 45%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đại hội 16 đề ra đến năm 2025. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo đến năm 2022 đạt 53,39%, cũng đã vượt chỉ tiêu nghị quyết. Theo đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, công nghiệp đã đóng góp quan trọng để tăng nhanh kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn cũng như số nộp ngân sách; tạo thêm nhiều việc làm mới. Hiện số lao động trong các KCN, KKT đã lên tới 185.000 người với mức thu nhập ổn định.
Rộng mở phát triển các bến cảng nước sâu
Giai đoạn 2020-2023 là thời điểm Hải Phòng tăng tốc đầu tư xây dựng các bến cảng nước sâu tại Lạch Huyện. Sau thành công của các bến cảng số 1 và 2 do Tân Cảng đầu tư, Công ty CP Cảng Hải Phòng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bến cảng số 3,4 và Công ty CP Tập đoàn Hateco xây dựng các bến số 5,6. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng container quốc tế Hateco, dự án đầu tư xây dựng bến số 5 và số 6 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng có tổng mức đầu tư 8951 tỷ đồng. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, sản lượng hàng hóa thông qua 2 bến cảng lên tới 1,8-2 triệu tấn/năm. Ông Nguyễn Văn Tiến khẳng định sẽ xây dựng 2 bến cảng xanh, hoàn toàn tự động, thông minh và tạo dựng tuyến vận tải đi thẳng tới các cảng châu Âu, châu Mỹ, góp phần đắc lực vào sự phát triển của Hải Phòng. Các doanh nghiệp đều có cam kết rất mạnh mẽ hoàn thành 4 bến cảng này trong năm 2024 và đầu năm 2025.
Tháng 5- 2023, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án đầu tư xây dựng Bến số 7, số 8 Khu bến cảng Lạch Huyện cho Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn.Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 12.792,637 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 2 bến container với tổng chiều dài 900 m, (mỗi bến dài 450 m) tiếp nhận cỡ tàu công-ten-nơ đến 12.000 Teus hoặc đến 18.000 Teus. Ngoài ra, các bến cảng số 9,10, 11, 12 cũng đã có nhà đầu tư đăng ký.
Như vậy, có thể thấy, trong nửa nhiệm kỳ qua là thời điểm Hải Phòng tăng tốc đầu tư xây dựng các bến cảng nước sâu, mở ra một giai đoạn phát triển mới của Cảng biển Hải Phòng theo hướng thông minh, hiện đại. Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng nhận định, sự sôi động trong đầu tư xây dựng các bến cảng nước sâu góp phần quan trọng để Hải Phòng gần như hoàn thành chỉ tiêu này theo tinh thần nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố. Mới đây, cùng với Quy hoạch chung phát triển thành phố Hải Phòng tới năm 2040, tầm nhìn tới năm 2050 được phê duyệt, Hải Phòng đang có tiềm năng, dư địa rất lớn để mở rộng, phát triển cảng biển cả ở khu vực Lạch Huyện và nam Đồ Sơn, cho thấy nhiệm kỳ 2020- 2025 chính là thời kỳ phát triển bứt phá của Cảng biển Hải Phòng.
Cùng với cảng biển, Hải Phòng tập trung rất cao phát triển dịch vụ logictics. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành nghị quyết số 02 ngày 2-8-2021 về phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ cảng biển, logictics đến năn 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Thành phố ký kết hợp tác với tỉnh Quảng Ninh về thúc đẩy hoạt động của chuỗi cung ứng dịch vụ logictics giai đoạn 2021- 2025; thành lập Hiệp hội logictics Hải Phòng; tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị chuyên đề về logictics. Lĩnh vực logictics cũng đang được rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm. Những nền tảng cơ bản để Hải Phòng trở thành Trung tâm logictics tầm cỡ quốc gia, khu vực đã dần hình thành.
Phát huy thế mạnh du lịch- thương mại
Giai đoạn 2021- 2022, du lịch Hải Phòng bị tác động mạnh mẽ bởi đại dịch COVID-19 nên bị gián đoạn, đình trệ, nhiều chỉ tiêu về du lịch đạt ở mức rất thấp. Đây là tình trạng chung của cả nước và thế giới. Thế nhưng, đây cũng là thời điểm Hải Phòng có thể bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá lại thực trạng phát triển du lịch, định hình được bước phát triển tiếp theo và nảy sinh nhiều ý tưởng mới để đón đầu sự phục hồi sau khi đại dịch được khống chế và cả tầm nhìn dài hạn sau này.
Trong giai đoạn này, thành tựu phát triển du lịch của Hải Phòng không chỉ là con số thu hút khách du lịch hàng năm nữa mà là các hoạt động quảng bá, sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, hiệu quả. Theo đó, đã triển khai ký kết và thực hiện hợp tác phát triển du lịch với nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng…; chương trình hợp tác phát triển du lịch, hàng không giữa Hải Phòng và Tổng công ty hàng không Việt Nam giai đoạn 2021- 2025; giữa Hải Phòng và tỉnh Viêng- chăn; Oudomxay (Lào)…
Đáng chú ý, thành phố xây dựng đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng và nhiều chương trình phát triển các tour du lịch, các sản phẩm du lịch đường phố, ẩm thực. Đây cũng chính là thời điểm các dự án du lịch được thúc đẩy khẩn trương mà điển hình là Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng chính thức đi vào hoạt động, góp phần quan trọng tăng sức hấp dẫn cho du lịch Hải Phòng.
Ngoài ra, đã thu hút được 6 dự án phát triển hạ tầng du lịch với tổng vốn đầu tư 16.385 tỷ đồng, góp phần làm mới sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ, tạo sức hấp dẫn, đặc biệt tại phân khúc du lịch cao cấp. Kết cấu hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư ở cả quy mô và chất lượng. Hiện thành phố có 16 cơ sở lưu trú từ 4-5 sao, gấp 1,14 lần so với năm 2020. Trong đó, có 7 khách sạn 5 sao, gấp 1,4 lần so với năm 2020. Hiện tại, các cơ sở lưu trú 5 sao vẫn đang tiếp tục gia tăng với 6 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; 3 dự án đang triển khai thực hiện.
Trong lĩnh vực thương mại, Hải Phòng đã khởi công Trung tâm Thương mại chợ Sắt; có thêm 4 siêu thị mới, nâng tổng số lên 28 siêu thị; mô hình kinh doanh thương mại văn minh, lịch sự, thanh toán không dùng tiền mặt đã hình thành. Đáng chú ý, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh, năm 2023 dự kiến đạt 65 tỷ USD (kim ngạch xuất khẩu khoảng 31 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu khoảng 34,2 tỷ USD), kéo theo sự phát triển của nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…
Có thể khẳng định, nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố xác định 3 trụ cột kinh tế của Hải Phòng trong giai đoạn 2020- 2025 là toàn toàn đúng đắn. Thực tế 2,5 qua đã chứng minh, các trụ cột này phát triển góp phần quan trọng giúp Hải Phòng giữ được nhịp độ tăng trưởng cao trong bối cảnh có muôn vàn khó khăn thách thức. Đồng thời là sự chuẩn bị bền vững, tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong tương lai, đẩy nhanh hơn nữa quá trình hiện thực hóa khát vọng phát triển Hải Phòng./.
(Còn tiếp)
Hồng Thanh
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm tra tiến độ thi công bến số 3 và số 4 Cảng Lạch Huyện
17:14 23/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết