Phát triển kinh tế tư nhân - nhìn từ thực tiễn Hải Phòng (tiếp)

15:10 26/10/2017

Hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều chính sách điều chỉnh nền kinh tế. Qua mỗi thời kỳ, vai trò của kinh tế tư nhân được nhìn nhận và đánh giá khác nhau, đồng thời các chính sách, cơ chế áp dụng cũng khác nhau. Tại Nghị quyết 10-NQ/TW(NQ10), Trung ương đã xác định rõ 3 trụ cột nòng cốt của nền kinh tế gồm: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân.

Kỳ 3-Quyết tâm vì mục tiêu lớn

Trong 3 trụ cột kể trên, kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể có mối quan hệ hữu cơ rất đặc biệt. Thực tế ở Hải Phòng, kinh tế tư nhân là tiền đề để hình thành kinh tế tập thể. Điều đó có thể thấy rõ trong 273 thành viên của Liên minh Hợp tác xã và doanh nghiệp Hải Phòng, hầu hết xuất phát điểm của các thành viên đều từ mô hình kinh tế tư nhân được liên minh lại.

Vì vậy, lâu nay trong các báo cáo thống kê của Hải Phòng, việc khu lập kết quả hoạt động của kinh tế tư nhân và tập thể thành khái niệm “ngoài nhà nước” là khá phù hợp. Từ đó có thể xác định được tỷ lệ đóng góp của kinh tế ngoài nhà nước, để hoạch định chính sách vĩ mô tạo ra sự bình đẳng giữa kinh tế nhà nước và các thành phần kinh tế còn lại.

Trong đợt quán triệt, triển khai thực hiện NQ10 vừa qua tại Hải Phòng, nhiều ý kiến cho rằng Hải Phòng nói riêng và các địa phương khác nói chung cần có đánh giá cụ thể hơn nữa về bài học thành công và chưa thành công của phát triển kinh tế tư nhân, nhằm củng cố cơ sở lý luận đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn phát triển. Nói về thành công, từ năm 2015 đến nay, cũng là hai năm đầu thực hiện Nghị quyết 15 Đảng bộ thành phố, có thể khẳng định Hải Phòng đã đạt được những đột phá về phát triển kinh tế tư nhân. Đó cũng là hai năm liên tiếp thành phố chọn chủ đề hành động “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách – Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”.

Ở vế thứ nhất, việc rà soát các nguồn thu đã giúp thành phố đạt tăng thu nội địa bình quân 5 nghìn tỷ đồng/năm, từ mức thu chỉ đạt khoảng 8 nghìn tỷ đồng/năm, dự kiến năm 2017 Hải Phòng sẽ đạt tổng thu nội địa hơn 21 nghìn tỷ đồng.

Điều này là hiệu quả thiết thực trong việc ngăn chặn vi phạm, nâng cao nhận thức trách nhiệm của doanh nghiệp, mà số lượng vốn tư nhân đang chiếm tỷ lệ áp đảo. Việc lập lại kỷ cương về thuế, cùng với những động thái kiên quyết trong thu hồi các dự án giao đất kém hiệu quả, đã tiền đề thực hiện vế thứ hai “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”.

Thành phố đã đề ra những cơ chế mở, thu hút hàng trăm nghìn tỷ đồng của các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh như VinGroup, SunGroup, Him Lam… đầu tư vào các dự án lớn. Song song với đó, thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, tìm cơ hội kết nối các nguồn lực. Đồng thời tổ chức đối thoại doanh nghiệp định kỳ một lần/tháng, lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp để hoàn thiện cơ chế.

Kết quả cho thấy, Hải Phòng đã và đang triển khai những mục tiêu rất sát với chủ trương NQ10 của Trung ương Đảng, với sự sáng tạo và giải pháp mạnh mẽ.

Mặc dù vậy, những vấn đề hạn chế của kinh tế tư nhân được NQ10 đề cập cũng là hạn chế Hải Phòng đang gặp phải. Những doanh nghiệp xuất nguồn từ Hải Phòng có rất ít thương hiệu mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thương trường; tính tự phát, manh mún của kinh tế tư nhân còn hiện hữu và thiếu mục tiêu phát triển bền vững; công tác cải cách thủ tục hành chính dù đã có nhiều nỗ lực nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đề ra; hoạt động của các tổ chức hiệp hội chưa phát huy hiệu quả về nghề nghiệp; cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp thông qua các trung tâm chuyên trách còn yếu…

Những hạn chế này cần phải gấp rút được khắc phục trong thời gian tới.

Ở góc độ khác rất đáng quan tâm, đó là hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong dạng hình kinh tế tư nhân. Đây là vấn đề lớn, nhận thức được điều này, từ năm 2009 Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết 28-NQ/TU “Về xây dựng, củng cố tổ chức đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”.

8 năm qua, việc triển khai thực hiện NQ28 đã được chú trọng, thành phố đã thành lập mới gần 200 tổ chức cơ sở Đảng, cùng nhiều tổ chức Công đoàn, Đoàn thành niên, Hội Cựu chiến binh tại các doanh nghiệp ngoài công lập. Tuy nhiên, so với con số hơn 20 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố, con số này vẫn khá khiêm tốn.

Cần phải thấy rằng, chủ trương căn bản của NQ10 đề ra là “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghĩa là dù phát triển theo cách nào, kinh tế tư nhân cũng cần phải định hướng XHCN, nâng cao trách nhiệm đóng góp cho sự nghiệp chung của đất nước.

Vì vậy việc phát triển hoạt động của các tổ chức chính trị trong doanh nghiệp không chỉ khơi thông cơ chế dân chủ, đảm bảo quyền và các lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp và người lao động, mà còn khẳng định vai trò định hướng chính trị của Đảng và Nhà nước.

Vẫn biết tiến trình phát triển của nhân loại đã trải qua nhiều hình thái kinh tế, và hình thái mà Đảng ta đang chủ trương áp dụng có thể coi là mới nhất. Bởi thế, con đường phía trước của Hải Phòng cũng như cả nước, bên cạnh những thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn, nhưng khi lòng người đã thuận thì khó mấy cũng vượt qua.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông